* Ngày 21-1-2016, chính thức khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng
Chiều 21-12, Hội nghị lần thứ 13 BCH Trung ương Đảng khóa XI đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra sau 8 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu bế mạc hội nghị.
Toàn cảnh bế mạc hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Hội nghị đã tập trung thảo luận, góp ý cụ thể và thống nhất cao thông qua các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Nội dung các văn kiện thật sự là sự kết tinh trí tuệ, ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; đánh giá thẳng thắn, sát thực kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI; chỉ rõ những thành quả đã đạt được, những hạn chế, khuyết điểm tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đồng thời phân tích, dự báo tình hình thế giới cũng như đất nước những năm sắp tới; xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới nhằm xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn.
Trên lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, văn kiện đã có nhiều bổ sung về phương hướng phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nguồn nhân lực; ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Trong quá trình phát triển, phải thường xuyên quan tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu; nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống nhân dân; đổi mới, cơ cấu lại thị trường dịch vụ công, nhất là dịch vụ y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội.
Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, văn kiện bổ sung, xác định rõ hơn sự cần thiết và định hướng đổi mới về tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị đồng bộ hơn với đổi mới kinh tế cả về tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, thực hiện dân chủ, tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền và phải tạo ra sự chuyển biến tích cực, hiệu lực, hiệu quả hơn. Xây dựng Nhà nước cả về lập pháp, hành pháp và tư pháp, gắn với đổi mới hoàn thiện chính quyền các địa phương và MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Chú trọng hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện nghiêm pháp luật theo các nguyên tắc và quy định của Hiến pháp năm 2013.
Văn kiện khẳng định sự cần thiết, đúng đắn của việc ban hành và kiên trì, kiên quyết tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ và phương thức lãnh đạo…
Về kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của BCH Trung ương khóa XI, hội nghị cho rằng, nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã luôn bám sát các quan điểm, đường lối, cụ thể hóa nhiều nội dung quan trọng của Cương lĩnh, Chiến lược, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; xây dựng chương trình làm việc toàn khóa và bổ sung kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn để tập trung lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa ra các quyết sách đúng, phù hợp, giải quyết nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt được nhiều thành quả to lớn, toàn diện.
Nổi bật là BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kịp thời, linh hoạt điều chỉnh trọng tâm chỉ đạo, điều hành theo hướng tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội. Nền kinh tế tiếp tục ổn định và phát triển, tiềm lực kinh tế đất nước được nâng lên. Vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ qua là kết quả sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng.
BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn kiên định, vững vàng về chính trị, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết thống nhất, nêu cao trách nhiệm, phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của đất nước, tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ, hợp tác quốc tế.
Tại hội nghị, BCH Trung ương đã thảo luận dân chủ và biểu quyết, nhất trí cao thông qua danh sách đề cử các Ủy viên Trung ương khóa XI (cả chính thức và dự khuyết) trong độ tuổi và các đồng chí Ủy viên Trung ương khóa XI thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khóa XII; bỏ phiếu biểu quyết đề cử nhân sự các đồng chí đủ tiêu chuẩn, điều kiện trong độ tuổi tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII; bỏ phiếu biểu quyết đề cử nhân sự Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII.
Các Ủy viên Trung ương khóa XI (cả chính thức và dự khuyết) đã viết phiếu giới thiệu các vị Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong độ tuổi ứng cử 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước.
BCH Trung ương khóa XI đã quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng từ ngày 20-1-2016 đến ngày 28-1-2016 tại Hà Nội, trong đó phiên trù bị tổ chức vào ngày 20-1-2016, khai mạc chính thức vào ngày 21-1-2016.
TTXVN