.

Chung tay giúp đỡ người sau cai

.

* Cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chỉ đạt hơn 43% kế hoạch

“Thay vì chúng ta phải bỏ ra khá nhiều tiền từ ngân sách để xử lý tình trạng người nghiện rồi tái nghiện ngoài cộng đồng thì nên đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp để cùng chung tay giúp đỡ người sau cai có việc làm, tránh tái nghiện. Đó thực sự là đầu tư đúng chỗ”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng phát biểu tại cuộc họp về Đề án hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho người đang cai, sau cai nghiện diễn ra ngày 16-12 tại Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng (bìa trái) hỏi thăm nguyện vọng của người đang cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục - dạy nghề 05-06.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng (bìa trái) hỏi thăm nguyện vọng của người đang cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục - dạy nghề 05-06.

Ưu đãi cho doanh nghiệp chưa hấp dẫn

Tính đến tháng 6-2015, Đà Nẵng có hơn 1.000 người nghiện ma túy có trong hồ sơ quản lý, trong đó khoảng 80% là số người nghiện ma túy tổng hợp. Đà Nẵng có 240 người đã cai nghiện thành công, trong đó hầu hết các đối tượng có trình độ thấp và chưa có nghề nghiệp, việc làm ổn định.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng, những ưu đãi cho doanh nghiệp như Đề án nêu thực sự chưa hấp dẫn. “Nhiều gói hỗ trợ khác cho doanh nghiệp với những ưu đãi lớn hơn về vốn mà chúng tôi còn phải “đỏ mắt” tìm doanh nghiệp để hỗ trợ, thì việc chỉ ưu đãi về lãi suất vốn vay khi họ nhận người nghiện vào làm việc thực sự chưa hấp dẫn.

Hơn nữa, thủ tục được hưởng ưu đãi này quá rườm rà, trong khi nhận người sau cai vào làm việc, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều rủi ro khác nếu những lao động này quậy phá…”, bà Mai nói. Cũng theo bà Mai, các doanh nghiệp tham gia chương trình này phải được hỗ trợ nhiều hơn so với các chương trình khác lâu nay.

Ông Nguyễn Đình Ân, Phó Cục trưởng Cục thuế Đà Nẵng cho rằng, đây là dự án hay, mang tính nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, theo ông Ân, nên làm theo dạng kết nối. “Phải để doanh nghiệp tham gia chương trình này. Phải tìm được doanh nghiệp tham gia đã rồi mới nói đến chuyện triển khai”, ông Ân nêu ý kiến.

Ông Ân còn cho biết, chỉ với riêng quy định doanh nghiệp hoặc cơ sở dạy nghề nhận hơn 30% số lao động đang và sau cai nghiện vào làm việc, học nghề thì lợi nhuận làm ra tương ứng sẽ được miễn thuế.

Vậy nhưng, hiện chưa có doanh nghiệp nào được giảm thuế bởi chưa nhận đủ số lao động nói trên. Theo ông Ân, phải có sự kết nối giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước trong việc này; đồng thời phải khảo sát nguyện vọng của doanh nghiệp xem họ muốn hỗ trợ như thế nào và cần gì khi nhận người nghiện vào làm việc.

Hỗ trợ phải thiết thực

Theo ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, tạo việc làm cho người nghiện là nhiệm vụ khó khăn đã được triển khai nhiều năm nay nhưng hiệu quả chưa như mong đợi. Ông Hiệp cho biết, trước đây, thành phố cũng đã mở lớp dạy nghề cho người nghiện nhưng đến khi tốt nghiệp chỉ còn… 1 học viên (ở quận Hải Châu), bởi các học viên khác đều bỏ giữa chừng.

Trung tâm Giáo dục - dạy nghề 05-06 cũng đã khảo sát nhu cầu người nghiện nhưng nhu cầu thì nhiều mà chưa có phương án hỗ trợ học nghề phù hợp.

Ông Hiệp cho rằng, phương án mở một xưởng sản xuất rồi tập trung người nghiện vào là khó khả thi, bởi thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhưng không hiệu quả vì các đối tượng xấu đến rủ rê, lôi kéo và những tác động khác khiến người nghiện tái nghiện. Bởi vậy, cách tốt nhất là mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh nhận 2-3 người nghiện vào làm việc.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho rằng, không nhất thiết tất cả người sau cai đều phải có việc làm nếu họ không cố gắng.

“Người nghiện nào có ý chí, quyết tâm và chịu khó học nghề, chịu khó làm việc thì mới tạo điều kiện kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ. Còn những người nghiện không muốn làm việc, không có ý chí vươn lên thì không giới thiệu việc làm mà tiếp tục đưa vào diện quản lý”, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng khẳng định.

Theo ông Đặng Việt Dũng, đầu tư, hỗ trợ cho doanh nghiệp tạo việc làm cho người nghiện để họ không tái nghiện còn hơn là phải bỏ kinh phí để giải quyết tình trạng tái nghiện và việc hỗ trợ phải thiết thực, hiệu quả.

Hỗ trợ không chỉ về vốn mà có thể giúp họ tìm đầu ra cho sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất... “Doanh nghiệp chỉ giúp giải quyết về công ăn việc làm, còn những chuyện khác thì cơ quan quản lý Nhà nước phải lo chứ, nếu khoán trắng cho doanh nghiệp thì ai dám nhận! Cơ quan quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm trong vấn đề này!”, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.

Cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chỉ đạt hơn 43% kế hoạch

Ngày 16-12, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc họp nhằm rà soát công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện, quản lý người nghiện và phòng chống HIV/AIDS, mại dâm. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng chỉ đạo cuộc họp.

Theo thông tin tại hội nghị, tổng số người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng từ đầu năm đến nay là 194 người, chỉ đạt hơn 43% so với kế hoạch. Hiện có 31 người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng (số còn lại áp dụng hình thức cai nghiện khác).

Theo Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Trưởng phòng Tham mưu Công an thành phố Đà Nẵng, cai nghiện tại cộng đồng hiện còn gặp nhiều khó khăn do người nghiện chưa đăng ký tự giác cai nghiện, cơ sở vật chất tại các trạm y tế chưa bảo đảm để cắt cơn giải độc… Nhiều đại biểu đã đề xuất chỉ nên tập trung vào 3 cơ sở để cắt cơn, giải độc chứ không nên dàn trải mỗi địa phương một cơ sở, đồng thời tăng cường độ bao phủ và điều trị methadone, tạo việc làm cho người nghiện, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng chỉ đạo phải đẩy mạnh hơn nữa công tác cai nghiện tại cộng đồng; có giải pháp cụ thể cho từng ngành, mô hình nào hay thì triển khai nhân rộng sao cho hoạt động hiệu quả hơn.

KIM NGÂN

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.