Mô hình tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng được triển khai tại 100% phường, xã trên địa bàn Đà Nẵng suốt 5 năm qua. Các cụ cho rằng, đây là mô hình hay giúp người già tăng hiểu biết về dinh dưỡng và các bệnh thường gặp. Tuy vậy, kinh phí hoạt động lại ngày càng “teo tóp” và các cụ đã tự “xoay” bằng cách lồng ghép với đủ thứ chương trình khác.
Người cao tuổi cùng nhau tập thể dục buổi sáng. Ảnh: MINH TRÍ |
Các cụ tham gia ngày càng đông
Đà Nẵng là 1 trong 7 tỉnh, thành phố trên cả nước được Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) chọn triển khai thí điểm Mô hình tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng từ năm 2011. 3 mục tiêu chính của mô hình này là tư vấn sức khỏe, khám sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi và phát huy vai trò của người cao tuổi trong việc giáo dục con cháu thực hiện chính sách dân số.
Thời gian đầu, tại Đà Nẵng có 15 phường, xã thuộc 5 quận, huyện thực hiện mô hình này. Đến nay, toàn thành phố đã có 56 câu lạc bộ và trên 1.700 hội viên.
Ông Huỳnh Đức Thọ, Phó ban Người cao tuổi quận Cẩm Lệ cho biết, hằng quý, các cụ tập hợp sinh hoạt chuyên đề 1 lần với nhiều nội dung xoay quanh kiến thức dinh dưỡng, phòng tránh bệnh người già và cập nhật thông tin về dân số. Các cụ là thành viên chủ chốt được tập huấn về truyền thông và tư vấn. Từ nguồn kinh phí của chương trình, Chi cục DS-KHHGĐ thành phố cũng đã trang bị cho phòng khám miễn phí chăm sóc sức khỏe người cao tuổi 2 máy massage và 1 máy đo đường huyết.
Theo bà Nguyễn Thị Sáu, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ, phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu), hiệu quả rõ nhất từ mô hình này là nhiều cụ vốn không hăng hái tham gia các hoạt động hội, đoàn thể cũng dần cảm nhận sự hữu ích của chương trình và đến ngày một đông.
Những chuyện thường ngày như ăn trái gì, rau gì phù hợp cho sức khỏe được đưa ra trao đổi sôi nổi và biến tấu dưới hình thức trả lời có thưởng. Quan niệm xưa cũ ăn sâu trong tâm trí các cụ như vấn đề trọng nam khinh nữ cũng được tâm tình bằng những câu chuyện có thật.
“Những người làm công tác tư vấn không chọn các vấn đề chuyên sâu khoa học hoặc lý thuyết xa xôi mà luôn tìm những chuyện gần gũi hằng ngày với các cụ để minh chứng, tạo sự dễ hiểu và thuyết phục. Chẳng hạn, chúng tôi lấy ví dụ bà A., ông B. được hưởng tuổi già an nhàn nhờ có 2 cô con gái hiếu thảo, giỏi giang; hoặc nếu ai cũng sinh con trai thì lấy đâu ra con gái về làm dâu nhà ông bà, v.v...”.
Thiếu tiền nên cái gì cũng... ghép
Một thực tế chung của mô hình tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng là hoạt động chỉ rôm rả và theo đúng mục tiêu nêu trên trong 1-2 năm đầu. Vài năm trở lại đây, số buổi sinh hoạt bị “cắt” và kinh phí hoạt động cũng giảm hết mức, thay vào đó, nội dung được rải ra “lồng ghép” trong hầu hết các chương trình chung của hội người cao tuổi.
Hòa Thuận Đông được đánh giá là phường có hoạt động tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng hiệu quả nhất thành phố Đà Nẵng.
Hiện người cao tuổi tại đây chiếm gần 10% dân số toàn phường (1.600 cụ/15.000 dân), trong đó số cụ thuộc thành viên mô hình tư vấn và chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng khoảng 100 người. Tuy vậy, như “số phận” chung của các mô hình ở những phường, xã khác, kinh phí cho chương trình từ 2 triệu đồng/năm giảm dần xuống còn 1 triệu/năm và nay là khoảng 500.000 đồng/năm.
Vì chỉ có vài trăm nghìn đồng cho... cả năm hoạt động nên các cụ cắt số buổi sinh hoạt xuống còn 2 lần/năm. Bên cạnh đó, nếu trước đây, các buổi tư vấn đều có sự góp mặt của những người làm chuyên môn y tế như bác sĩ thì nay các cụ trong ban chủ nhiệm phải tự tìm kiếm thông tin rồi chia sẻ cho nhau.
Cầm xấp giấy photo có nội dung về dinh dưỡng cho người già, ông Phạm Văn Nhất, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Hòa Thuận Đông, kiêm Chủ nhiệm mô hình tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng của phường nói: Đi đâu thấy thông tin hay, bổ ích cho sức khỏe người cao tuổi là tôi nhờ chụp lại hoặc photo mang về nghiên cứu rồi đọc cho các cụ nghe.
Xem báo thấy hướng dẫn ăn nho, ăn ổi, ăn tỏi, v.v... đúng cách, tôi cũng lưu lại làm tài liệu. Chia sẻ với nhau theo hiểu biết dân gian và kiến thức góp nhặt chứ thật sự Tổng cục sinh ra mô hình này nhưng tài liệu chính thống cho người cao tuổi lấy làm cơ sở để học hỏi thì hạn chế quá. Các cụ đâu mấy ai biết tiếng Anh hay mạng Internet, nên những tài liệu đáng tin cậy đến tay chúng tôi thực sự rất cần thiết.
Ông Nhất cho biết thêm, một năm Hội Người cao tuổi có 5 chương trình chính gồm Ngày thơ Việt Nam (rằm tháng Giêng), Ngày Người cao tuổi Việt Nam (6-6), Ngày Người cao tuổi thế giới (1-10), Tháng hành động vì người cao tuổi (tháng 10) và các hoạt động thăm hỏi. Ngoài ra, mỗi năm, người cao tuổi đều được khám sức khỏe ban đầu 2 lần theo quy định của Bộ Y tế.
Mô hình tư vấn và chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng do đó cũng “ăn theo” các chương trình chung này để tiết kiệm chi phí. Lồng ghép cũng tạm được, nhưng nếu có điều kiện sinh hoạt riêng, mô hình sẽ chuyên sâu và thường xuyên hơn. Dù nói rằng cái gốc của mô hình đã được hình thành, giờ là lúc nhân rộng trong cộng đồng, nhưng muốn phong trào lan rộng thì cần phải có kinh phí.
TOÀN VÂN