* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát động Phong trào thi đua giai đoạn 2016-2020
Ngày 7-12, Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” đã diễn ra tại thủ đô Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương phát động thi đua tại đại hội. Ảnh: TTXVN |
Đến dự có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng (TĐKT) Trung ương Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương.
1.800 đại biểu là đại diện Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH), Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, ngành, nghề, dân tộc, tôn giáo, lực lượng vũ trang, các tổ chức quốc tế, đoàn ngoại giao, đại diện người Việt Nam ở nước ngoài tham dự đại hội.
Phát biểu tại đại hội, Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Hội đồng TĐKT Trung ương Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Đây là sự kiện chính trị quan trọng, là ngày hội lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Đại hội là nơi hội tụ, biểu dương, tôn vinh các anh hùng, chiến sĩ thi đua, gương điển hình tiên tiến, những nhân tố tiêu biểu xuất sắc nhất trong các phong trào thi đua yêu nước toàn quốc.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhiều phong trào thi đua yêu nước đã được phát động và trở thành cao trào hành động cách mạng của quần chúng nhân dân.
Thủ tướng nêu rõ: Các phong trào thi đua đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tạo động lực góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trên cơ sở tiếp nối, phát huy những truyền thống tốt đẹp và những thành tích, kết quả đã đạt được trong suốt 67 năm qua, với trọng tâm là đánh giá kết quả đạt được cũng như những hạn chế trong các phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng giai đoạn 2011-2015 và đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020.
Báo cáo kết quả phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm (2011-2015), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng TĐKT Trung ương nêu rõ: Từ sau Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII đến nay, phong trào thi đua yêu nước và công tác TĐKT trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Các chủ trương, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TĐKT ngày càng được hoàn thiện. Các phong trào thi đua yêu nước có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, thiết thực và hiệu quả hơn. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo chính quyền các cấp đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; MTTQ, các đoàn thể nhân dân đã chủ động và phối hợp để tổ chức các phong trào thi đua, bám sát nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, được đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia hưởng ứng.
Trong 5 năm qua, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng 17 Huân chương Sao vàng; 85 Huân chương Hồ Chí Minh; 3.080 Huân chương Độc lập; 377 Huân chương Quân công; 31.119 Huân chương Lao động; 169 Huân chương Đại đoàn kết dân tộc; 2.187 Huân, Huy chương hữu nghị; 124 Anh hùng Lao động; 81 Anh hùng LLVTND (thành tích trong thời kỳ đổi mới); 194 Giải thưởng Hồ Chí Minh; 215 Giải thưởng Nhà nước; 4.888 danh hiệu Nhà giáo, Thầy thuốc, Nghệ sĩ, Nghệ nhân (nhân dân, ưu tú) cùng nhiều Huân, Huy chương tặng thưởng cho các cá nhân đạt được thành tích tiêu biểu, xuất sắc.
Tuy nhiên, phong trào thi đua thời gian qua còn có những hạn chế: phong trào chưa phát triển đồng đều, liên tục, có nơi còn hình thức; chất lượng công tác khen thưởng chưa đạt yêu cầu, cá biệt vẫn có những tập thể, cá nhân được khen thưởng nhưng thành tích chưa thật sự tiêu biểu, chưa nêu gương và lan tỏa.
Việc đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác…, khen thưởng thông qua việc phát hiện các điển hình chưa tạo được sự chuyển biến sâu rộng từ cơ sở và đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương. Công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; phát huy truyền thống thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác TĐKT trong 5 năm tới cần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị vào việc thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phong trào thi đua phải trở thành động lực to lớn, góp phần phát triển kinh tế nhanh, bền vững, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ gìn hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới
Các chỉ tiêu chủ yếu trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016-2020 được đặt ra là hằng năm 100% bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức phát động và ký giao ước thi đua; 100% các phong trào thi đua xây dựng được tiêu chí cụ thể, thiết thực. Đến năm 2020, có trên 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng và biểu dương những kết quả đã đạt được trong phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong 5 năm qua, đóng góp tích cực vào những thành tích to lớn trên tất cả các lĩnh vực của đất nước.
Tổng Bí thư cũng chỉ rõ những kết quả đạt được của phong trào thi đua yêu nước trong thời gian qua rất to lớn, song vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm. Tổng Bí thư nhấn mạnh: Trong thời gian tới, phong trào thi đua yêu nước cần tập trung thực hiện nhiệm vụ to lớn là động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nỗ lực phấn đấu thực hiện thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Tổng Bí thư lưu ý trong tổ chức triển khai các phong trào thi đua, cần chú ý kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân, lập được thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nhằm cổ vũ, động viên phong trào, tạo hiệu quả thiết thực.
Công tác khen thưởng phải kịp thời, chính xác, đúng người, đúng việc, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo khen thưởng, đặc biệt quan tâm phát hiện nhân tố mới, tăng cường khen đột xuất; chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, những người lao động trực tiếp.
Tổng Bí thư yêu cầu thông qua các phong trào thi đua để phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần đánh giá, lựa chọn các điển hình tốt để nêu gương, học tập, tạo điều kiện để các điển hình phát huy được tác dụng và có sức lan tỏa rộng lớn trong xã hội.
Tổng Bí thư mong rằng sau đại hội này, 1.800 đại biểu là điển hình tiên tiến, Anh hùng, Chiến sĩ thi đua tiếp tục là những tấm gương sáng, sống động, có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội.
Chiều cùng ngày, đại hội đã bế mạc. Thay mặt Chính phủ và Hội đồng TĐKT Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát động Phong trào thi đua trong cả nước tập trung vào 5 nhóm nội dung chính trong giai đoạn 2016-2020 với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Trước hết, đẩy mạnh các phong trào thi đua với nội dung thiết thực, hiệu quả, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo môi trường và động lực phát triển.
Hai là, tiếp tục phát động các phong trào thi đua trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, đối ngoại, phát huy sức mạnh tổng hợp giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Ba là, đẩy mạnh phong trào thi đua trong lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và xây dựng bộ máy tổ chức Nhà nước.
Bốn là, đổi mới, tạo sự chuyển biến tích cực và hiệu quả trong công tác khen thưởng, bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch, có tác dụng giáo dục, nêu gương, quan tâm đến các tập thể, cá nhân người lao động trực tiếp, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; phát hiện những điển hình tiên tiến, nhân tố mới thông qua các phong trào thi đua và thực hiện nhiệm vụ để có các hình thức khen thưởng đột xuất phù hợp, kịp thời.
Năm là, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình mới, nhân tố mới. Các cơ quan thông tin truyền thông tăng thời lượng, chuyên trang, chuyên mục về các phong trào thi đua yêu nước, tấm gương người tốt, việc tốt để biểu dương, tôn vinh, nhân rộng, tạo sức lan tỏa. Phấn đấu trong thời gian tới, ngành nào, cấp nào cũng có ngày càng nhiều các điển hình tiên tiến, xuất sắc.
TTXVN, VOV