Tổ chức tư vấn pháp luật là một trong những hoạt động nhằm trang bị kiến thức pháp luật cho công nhân, lao động. Thời gian qua, công tác này được các cấp Công đoàn thành phố chú trọng, ngày càng nâng cao về chất lượng.
Công nhân mạnh dạn hơn trong việc hỏi - đáp với báo cáo viên trong các buổi tuyên truyền. |
Từ đợi người lao động tìm tới...
Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ) là nhiệm vụ xuyên suốt của tổ chức Công đoàn. Để làm được điều đó, các cấp Công đoàn xác định công tác trang bị kiến thức, kỹ năng cho NLĐ là một trong những chìa khóa quan trọng nhằm giúp NLĐ có thể tự bảo vệ quyền, lợi ích của chính mình.
Trong những năm qua, công tác trang bị kiến thức, kỹ năng cho NLĐ qua việc tư vấn pháp luật được triển khai hiệu quả. Đến nay, Công đoàn thành phố Đà Nẵng có 2 văn phòng tư vấn pháp luật; trong đó, 1 văn phòng đặt tại cơ quan Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Đà Nẵng và 1 văn phòng trực thuộc Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng đặt tại Khu công nghiệp Hòa Khánh. Công đoàn các quận, huyện cũng đã thành lập 5 tổ tư vấn pháp luật.
Có thể nói, văn phòng tư vấn pháp luật là địa chỉ tin cậy của NLĐ khi gặp những vấn đề nảy sinh trong quan hệ lao động. Trong năm qua, văn phòng tư vấn tại LĐLĐ thành phố đã tiếp và tư vấn cho hơn 300 lượt công nhân, lao động.
NLĐ tìm đến văn phòng mỗi khi gặp những vướng mắc liên quan đến quan hệ lao động. Chia sẻ về vấn đề này, ông Cù Đình Thi, Phó trưởng ban Chính sách – Pháp luật LĐLĐ thành phố chia sẻ: “Văn phòng tư vấn pháp luật và đường dây nóng luôn sẵn sàng tiếp đón NLĐ. Khi có vấn đề nảy sinh trong quan hệ lao động, NLĐ thường tìm đến yêu cầu chúng tôi tư vấn. Chúng tôi luôn hướng dẫn tận tình và truyền tải những quy định của pháp luật có liên quan đến quyền lợi của họ đang bị xâm phạm, đang vướng mắc để NLĐ hiểu được quyền lợi của họ và tự bảo vệ mình”.
Văn phòng tư vấn pháp luật đặt tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, mở cửa vào chiều thứ năm hằng tuần để tiếp công nhân, lao động. Bà Lê Thị Ngọc Oanh, Phó Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất thành phố, phụ trách văn phòng và trực tiếp tư vấn cho NLĐ cho biết: “Trong năm qua đã có khoảng 200 lượt công nhân, lao động tìm đến nhờ tư vấn. Việc mở văn phòng tư vấn tại khu công nghiệp là vô cùng thiết thực cho NLĐ. Bởi lẽ, đặt tại khu công nghiệp, NLĐ có điều kiện thuận lợi để tiếp cận với thông tin pháp luật và mạnh dạn hơn khi tìm đến nhờ tư vấn”.
Đến tìm tới người lao động
Song song với việc đẩy mạnh công tác tư vấn pháp luật tại các văn phòng tư vấn pháp luật, Công đoàn còn đến từng doanh nghiệp tư vấn, đối thoại trực tiếp với NLĐ. Dưới hình thức tổ chức các buổi tư vấn, đối thoại về pháp luật lao động hoặc tổ chức các lớp tuyên truyền, sau đó dành thời gian cho NLĐ hỏi những vấn đề liên quan đến pháp luật, công tác này được các doanh nghiệp và NLĐ hưởng ứng.
Trong một buổi tuyên truyền cho công nhân lao động tại Công ty TNHH Sân gôn Vinacapital, công nhân lao động đã hỏi dồn dập báo cáo viên về các vấn đề liên quan đến hợp đồng làm việc, thời gian làm việc, thai sản.
Một nữ nhân viên công ty cho biết, đây là lần đầu tiên công ty mời báo cáo viên nói chuyện về pháp luật lao động nên các anh chị em rất hào hứng và tranh thủ hỏi những vướng mắc gặp phải trong quá trình làm việc.
“Công nhân lao động tìm đến Văn phòng tư vấn pháp luật nhiều khi đã đến “bước đường cùng”. Còn trong thực tế, có những vấn đề vướng mắc rất giản đơn, chỉ cần giải thích là NLĐ hiểu. Do đó, tổ chức các buổi tư vấn tại doanh nghiệp rất hữu ích không chỉ cho NLĐ mà cho cả doanh nghiệp.
Bởi thực tế, có những vướng mắc mà NLĐ cứ lăn tăn, nhiều khi cán bộ của doanh nghiệp giải thích nhưng họ chưa thông. Khi nghe cán bộ Công đoàn tuyên truyền và phân tích cặn kẽ sẽ giúp họ hiểu, góp phần giữ quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp”, ông Cù Đình Thi chia sẻ.
Từ đầu năm đến nay, cán bộ Công đoàn thành phố đã trực tiếp đến hơn 50 doanh nghiệp tuyên truyền, tư vấn cho công nhân, lao động. Các buổi tuyên truyền, tư vấn đều nhận được sự hưởng ứng cao của NLĐ và doanh nghiệp. Và dù tư vấn tại Văn phòng tư vấn pháp luật hay trực tiếp đến từng doanh nghiệp thì mục đích cuối cùng của cán bộ Công đoàn là trang bị những kiến thức, kỹ năng nhằm giúp NLĐ có thể tự bảo vệ quyền, lợi ích của chính mình.
Bài và ảnh: Phan Hà