.

Để bảo tàng hoạt động hiệu quả hơn

.

Hiện các bảo tàng tại Đà Nẵng như Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng và sắp tới là Bảo tàng Mỹ thuật là những điểm tham quan không thể thiếu trong hành trình của du khách khi đến Đà Nẵng. Để nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, các bảo tàng đặc biệt chú trọng cải thiện không gian trưng bày, gắn kết bảo tàng với cộng đồng.

Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng đã xây dựng các phòng chuyên đề, bộ sưu tập nhằm thu hút đông đảo khách tham quan.
Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng đã xây dựng các phòng chuyên đề, bộ sưu tập nhằm thu hút đông đảo khách tham quan.

Cải thiện không gian trưng bày

Bảo tàng điêu khắc Chăm đến nay đã tròn 100 năm tuổi, được xem là điểm đến thú vị nhất ở Đà Nẵng nhờ kiến trúc cổ kính và hiện vật độc đáo về văn hóa Chăm. Tuy nhiên, công tác trưng bày hiện vật tại đây không logic, thậm chí trùng lắp nội dung.

Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm cho biết, để khắc phục nhược điểm này, trong kế hoạch nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm, sẽ chỉnh lý không gian trưng bày nhằm tạo lộ trình tham quan hợp lý cho du khách.

Việc chỉnh sửa dựa theo hiện trạng thực tế của bảo tàng. Theo đó, giữ nguyên vị trí và cách thức trưng bày 2 phòng Mỹ Sơn và Đồng Dương, xem đó như 2 phòng trưng bày mẫu để khớp nối các phòng trưng bày khác vào lộ trình chung; đồng thời, duy trì không gian của phòng Trà Kiệu và bổ sung phòng trưng bày Đà Nẵng, bởi các cuộc khai quật khảo cổ di tích Chăm thời gian qua đã thu được nhiều hiện vật mới, đủ để trưng bày một bộ sưu tập riêng.

Sau khi chỉnh lý trưng bày, lộ trình tham quan tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm sẽ bắt đầu từ phòng đón tiếp, đi qua các phòng trưng bày chính là Trà Kiệu, Mỹ Sơn, Đồng Dương, Tháp Mẫm, các bộ sưu tập và phòng chuyên đề được sắp xếp lồng ghép để bổ sung hợp lý cho lộ trình tham quan của du khách.

Bên cạnh đó, các bảo tàng cũng chú trọng việc đa dạng các chuyên đề trưng bày. Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng chia sẻ, mỗi năm, Bảo tàng Đà Nẵng đều đổi mới không gian trưng bày nhằm tạo sự mới mẻ cho khách tham quan.

Gần đây, Bảo tàng đã xây dựng các phòng chuyên đề, bộ sưu tập như: Chứng tích chiến tranh, Đà Nẵng đổi mới, Súng thần công... và nhận được phản hồi tích cực từ khách tham quan.

Trong khi đó, Bảo tàng Điêu khắc Chăm cũng sẽ bổ sung một số phòng chuyên đề nhằm cung cấp thêm thông tin về văn hóa Chăm như: văn khắc Chăm (chữ khắc trên bia, mộ...), gốm Sa Huỳnh, lễ hội và nghề thủ công của đồng bào Chăm ở tỉnh Ninh Thuận...

Nhờ tổ chức nhiều hoạt động, gìn giữ và phát huy giá trị hiện vật, các bảo tàng tại Đà Nẵng được đánh giá hoạt động khá hiệu quả, trở thành điểm đến của du khách; Bảo tàng Điêu khắc Chăm thu hút gần 200.000 lượt khách/năm, Bảo tàng Đà Nẵng thu hút gần 50.000 lượt khách/năm. Sắp tới, việc đổi mới không gian trưng bày, hoạt động tại các bảo tàng hứa hẹn tiếp tục khởi sắc.

Gắn kết bảo tàng với cộng đồng

Để dần hình thành thói quen đến với bảo tàng của người dân, thời gian qua, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức chương trình “Dạy Sử ở bảo tàng”. Bà Nguyễn Thị Trinh, Trưởng phòng Trưng bày- đối ngoại, Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, trong năm 2015, các hoạt động giáo dục cho học sinh tại Bảo tàng Đà Nẵng được đẩy mạnh.

75 buổi học trong chương trình “Giờ học ngoại khóa” đã được tổ chức với các chủ đề liên quan các nội dung trưng bày tại bảo tàng và chủ quyền biển, đảo của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Bên cạnh đó, duy trì sinh hoạt CLB Em yêu lịch sử cho học sinh khối THPT với chủ đề “Danh tướng Nguyễn Tri Phương”, “Tìm hiểu một số di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu ở Đà Nẵng”, “Biển, đảo Việt Nam”... Nhằm giúp các em dễ nhớ, cán bộ bảo tàng đã soạn thảo những tập tài liệu nhỏ, giới thiệu hiện vật tại bảo tàng thông qua những câu chuyện sinh động.

“Chúng tôi luôn đặt câu hỏi rằng, cộng đồng cần mình làm gì, rồi từ đó tự hoàn thiện, phát triển. Phải làm cho bảo tàng trở thành một cuốn sử sống nhằm giáo dục lịch sử cho học sinh một cách trực quan và sinh động nhất”, bà Trinh chia sẻ.

Theo những người làm công tác bảo tàng, người dân chưa mặn mà, chưa tự tìm đến bảo tàng thì không còn cách nào khác là phải mang bảo tàng đến với người dân.

Dự kiến năm 2016, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ tiếp tục tạo ra nhiều sự kiện nhằm gắn kết bảo tàng với cộng đồng, trong đó cử cán bộ đến các trường học ở vùng sâu giới thiệu về một số tư liệu, hiện vật và nội dung chuyên đề trưng bày tại bảo tàng; tổ chức trưng bày lưu động về chủ quyền biển, đảo tại huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu...

Sắp tới, Bảo tàng Điêu khắc Chăm sẽ hình thành khu vực trưng bày ngắn hạn, tổ chức nhiều sự kiện theo xu hướng giáo dục tại bảo tàng; bố trí kho mở gồm nhiều hiện vật, phục vụ tất cả đối tượng có nhu cầu nghiên cứu văn hóa Chăm.

Trong xu hướng gắn kết bảo tàng với cộng đồng, bên cạnh các phòng trưng bày chuyên đề, trưng bày các bộ sưu tập, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng khi đi vào hoạt động cũng dành riêng không gian khám phá mỹ thuật cho thế hệ trẻ. Đây sẽ nơi đào tạo, giáo dục mỹ thuật cho học sinh trên hành trình đến với bảo tàng.

Với những gì đã và đang xây dựng, người dân Đà Nẵng có thể kỳ vọng các bảo tàng tại thành phố sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân và khách tham quan; đồng thời bảo tồn, lưu giữ, trưng bày, khai thác, phát huy giá trị những di sản của khu vực và địa phương.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.