.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH QUẢNG NAM-ĐÀ NẴNG

Cống hiến không ngừng vì nhân dân

.

Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) qua các thời kỳ cũng để lại những ấn tượng khó quên. Mỗi giai đoạn, thời kỳ đều gắn liền với những sự kiện quan trọng, tác động trực tiếp đến quá trình phát triển của địa phương ngay cả khi đã tiến hành chia tách thành hai đơn vị hành chính độc lập vào năm 1997.

Trên thực tế, nhiều nghiên cứu, tư liệu sử sách đã khẳng định vai trò không thể thay thế của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng qua các thời kỳ. Ngày 6-1-1946 là sự kiện lịch sử trọng đại, trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đó, những người con ưu tú của quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng được nhân dân trong tỉnh giao phó nhiều nhiệm vụ quan trọng, nhất là đại diện cho quyền lợi của nhân dân.

Đó là những đồng chí: Phạm Bằng, Phan Bôi, Phan Diêu, Lê Văn Hiến, Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Thế Kỷ, Nguyễn Xuân Nhĩ, Võ Sạ, Trần Tống, Đinh Tựu (người dân tộc Cor), Phan Thao, Trần Đình Tri, Trần Viện, Lê Thị Xuyến…

Sau khi đất nước thống nhất, ngày 25-4-1976, nhân dân cả nước tham gia Tổng tuyển cử bầu ra QH chung khóa VI. Kể từ QH khóa VI, VII, VIII, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng được duy trì mỗi khóa 15 đại biểu. QH khóa IX (1992-1997), Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng có 12 đại biểu.

Noi gương thế hệ đi trước, bằng tài năng, trí tuệ, tâm huyết của mình, các ĐBQH đơn vị Quảng Nam-Đà Nẵng đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nhất là tham gia vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Quốc hội, của Đoàn ĐBQH tỉnh, đưa hoạt động của QH ngang tầm với vai trò, vị trí là cơ quan quyền lực tối cao của Nhà nước, cơ quan đại diện cho quyền lợi và ý chí của nhân dân.

Những năm đầu sau giải phóng, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng còn nghèo, cuộc sống của nhân dân rất khó khăn. Các ĐBQH khi về tiếp xúc cử tri ở các vùng cát như xã Điện Nam, Điện Dương (huyện Điện Bàn) và một số huyện miền núi đều nghe bà con hỏi đến việc làm cái gì, trồng cây gì để sống trên vùng đất cát này, làm sao có đường, có trường cho con em đi học, có trạm xá để chữa bệnh cho đồng bào...

Trong vai trò là đại biểu của nhân dân, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thường xuyên bày tỏ, phản ánh những bất cập, khó khăn, vướng mắc của địa phương để tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ từ các bộ, ngành Trung ương nhằm tăng cường nguồn lực đầu tư cho quê hương, nhất là lo cứu đói, giảm nghèo, đầu tư điện, đường, trường, trạm cho đồng bào vùng trung du, miền núi. Đoàn ĐBQH tỉnh đã rất tích cực tham gia vào những việc chung, đồng thời cũng linh hoạt, chủ động tận dụng mọi điều kiện có thể để đóng góp vào sự phát triển của địa phương.

Kể lại quá trình hoạt động, cống hiến của mình cho quê hương, đất nước, ông Lê Quốc Khánh (sinh năm 1939, hiện trú tại 37/6 Tiểu La, quận Hải Châu), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (QH), Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng khóa IX, vẫn không quên được thời khắc quan trọng trước khi tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng được chia tách.

Đầu năm 1996, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt nhân chuyến thăm tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng đã nghe lãnh đạo thành phố Đà Nẵng trình bày đề nghị chia tách thành đơn vị hành chính độc lập. Điều này hoàn toàn phù hợp với nhu cầu thực tế thời điểm đó, vừa lợi cho cả Đà Nẵng lẫn Quảng Nam vì nếu được chia tách thì cả hai sẽ có động lực phát triển.

“Thời điểm đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt khẳng định ông đồng ý với chủ trương này của địa phương nhưng việc này cần được QH thông qua và Bộ Chính trị chấp thuận. Ngay trong chiều cùng ngày, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng đã tổ chức một cuộc họp khẩn gồm Bí thư Tỉnh ủy Mai Thúc Lân, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quang Được và tôi khi đó là Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh.

Nội dung là thống nhất quan điểm chia tách tỉnh để trình QH. Kết quả là đến ngày 6-11-1996, tại kỳ họp thứ 10 QH khóa IX, Ủy ban Thường vụ QH đã thống nhất, thông qua đề nghị này của địa phương”, ông Lê Quốc Khánh nhớ lại. Việc chia tách thành hai đơn vị hành chính độc lập có vai trò hết sức quan trọng và là sự kiện lịch sử không thể quên trong quá trình xây dựng, phát triển của Đà Nẵng lẫn Quảng Nam. Đồng thời, cũng cho thấy vai trò, tiếng nói quan trọng của ĐBQH đơn vị Đà Nẵng cùng lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ.

Trên các diễn đàn QH - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, những đại biểu ưu tú của nhân dân Quảng Nam-Đà Nẵng luôn thể hiện được vai trò, vị trí quan trọng của mình; mang tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân Quảng Nam-Đà Nẵng và cả nước đến với QH, làm tròn trách nhiệm trước cử tri, thể hiện khí chất tốt đẹp của con người xứ Quảng, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Nhiều người con xứ Quảng sau một thời gian tham gia công tác, đảm nhiệm nhiều chức vụ, vị trí quan trọng của QH vẫn luôn kề vai, sát cánh và trở về đóng góp cho quê hương đúng lúc, đúng thời điểm nhất. Năm 1993, đồng chí Mai Thúc Lân, khi đó là Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế -Ngân sách của QH khóa IX, được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng.

Hơn ba năm công tác ở quê hương Quảng Nam-Ðà Nẵng, đồng chí Mai Thúc Lân đã để lại những ấn tượng sâu sắc, thể hiện sự tận tụy, toàn tâm, toàn ý và tinh thần trách nhiệm cao trước Ðảng, góp phần quan trọng vào việc bồi dưỡng và đào tạo một số cán bộ có năng lực, trong đó có đồng chí Nguyễn Bá Thanh, cố Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị Đà Nẵng sau này.

Nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang 70 năm qua của QH Việt Nam, các thế hệ ĐBQH của Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam luôn vững tin tiếp bước dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, cùng nhau thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao, hướng tới việc chuẩn bị tốt cho cuộc Tổng tuyển cử bầu đại biểu QH Việt Nam khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

ĐẠI BÌNH

;
.
.
.
.
.