Chính trị - Xã hội

"Khi doanh nghiệp đến đầu tư, mình phải cảm ơn chứ không phải ban phát"

19:20, 08/12/2015 (GMT+7)

ĐNĐT - Chiều ngày 8-12, các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố khóa VIII chia thành 3 tổ để thảo luận các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. 

Các đại biểu thảo luận tại tổ
Các đại biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: VĂN NỞ

Các đại biểu tập trung bàn giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo nguồn thu ngân sách. Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách Mai Đức Lộc đánh giá thực tế thu hút đầu tư của thành phố còn nhiều hạn chế, yếu kém dẫn đến tốc độ tăng thu ngân sách quá chậm.

Đại biểu đưa ra so sánh giữa Đà Nẵng và Quảng Nam. Theo đó, khi chia tách đơn vị hành chính năm 1997, thu ngân sách của Quảng Nam chỉ đạt 100 tỷ đồng. Đến nay tăng lên 10 ngàn tỷ đồng.

Thu ngân sách Đà Nẵng lúc mới chia tách đạt 1000 tỷ đồng đến nay đạt 13,5 ngàn tỷ đồng. Từ so sánh này thành phố cần nghiêm túc đánh giá lại hiệu quả thu hút đầu tư để làm mới môi trường đầu tư của Đà Nẵng, trong đó vấn đề hàng đầu là cải cách thủ tục hành chính.

Theo đó, cơ quan xúc tiến đầu tư phải đủ mạnh, trước hết phải xúc tiến trong nước, xúc tiến thông qua cán bộ của Chính phủ.

Đại biểu Mai Đức Lộc đề nghị: "Cần thay đổi tâm thế, thái độ đối với doanh nghiệp đầu tư vào Đà Nẵng. Khi doanh nghiệp đến đầu tư, mình phải cảm ơn chứ không phải ban phát. Nếu không, sẽ không bao giờ cải thiện được môi trường đầu tư".

Đại biểu Huỳnh Nghĩa cũng cho rằng, tính công khai, minh bạch của Đà Nẵng còn yếu và nêu lên băn khoăn vì sao có những dự án mà HĐND thành phố không biết, không bàn để làm đúng Luật Đầu tư.

Nhiều đại biểu đồng tình với đánh giá thu hút đầu tư của thành phố còn nhiều hạn chế, quy mô đầu tư nhỏ. Điều này kéo theo tình hình ngân sách Đà Nẵng từ sau năm 2016 sẽ rất căng thẳng vì thành phố bắt đầu phải trả nợ nguồn vốn vay trái phiếu Chính phủ, năm đầu tiên là 1.500 tỷ đồng.

Theo đại biểu Ngô Tấn Cư, bình quân một dự án đầu tư nước ngoài tại Đà Nẵng có số vốn không lớn - chỉ 1,85 triệu USD. Đã đến lúc thành phố không nên đếm số lượng dự án FDI mà cần tính đến quy mô, chất lượng đầu tư và hiệu quả đóng góp ngân sách.

Một số ý kiến phản ánh thực tế, mặc dù Đà Nẵng xếp thứ nhất về cải cách hành chính nhưng vẫn còn tình trạng nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài bị phiền hà bởi thủ tục hành chính và thái độ của công chức.

Ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư cho rằng, hiện các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố cơ bản đã được lấp đầy, trong khi đó các nhà đầu tư có nguy mô lớn muốn vào Đà Nẵng lại đưa ra yêu cầu rất cao từ khâu quy hoạch quỹ đất, cơ chế, chính sách, ngành công nghiệp phụ trợ…

Ngoài ra, việc thu hút đầu tư thấp còn do bộ máy chồng chéo, rườm rà… dẫn đến việc ách tắc các dự án muốn đầu tư vào Đà Nẵng. Cần phải có “thuyền trưởng” để giải quyết ngay những vướng mắc, bất cập của các nhà đầu tư muốn vào Đà Nẵng làm ăn.

Nhóm PV Thời sự

 

.