Sau 5 năm triển khai thực hiện mô hình “Tổ dân phố không rác”, đến nay, rác được thu gom triệt để, người dân đã nâng cao ý thức trong công tác bảo vệ môi trường.
Sau 5 năm thực hiện mô hình “Tổ dân phố không rác”, nguồn rác phát thải ra môi trường giảm đáng kể. |
Mô hình “Tổ dân phố không rác” được thành phố Đà Nẵng triển khai từ năm 2011, với việc đề ra các tiêu chí cụ thể như quản lý tốt rác thải, quản lý tốt vật nuôi, đảm bảo văn minh, mỹ quan đô thị và phong trào bảo vệ môi trường.
Bà Hồ Thị Bích Thủy, Phó chánh Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thành phố Đà Nẵng cho biết, mô hình “Tổ dân phố không rác” là mô hình mới của cả nước. Từ năm 2012-2014, Sở TN&MT tiến hành xây dựng thí điểm tại các tổ dân phố.
Đến năm 2015, tiến hành nhân rộng theo quy mô cấp phường tại gần 1.000 tổ dân phố, thôn. Riêng tại các quận, huyện, việc tuyên truyền thực hiện mô hình đã được chú trọng bằng nhiều hình thức khác nhau.
Chính vì vậy đã tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức của người dân trong thu gom rác thải. Đến cuối năm 2015, toàn địa bàn thành phố có gần 5.500 tổ dân phố, thôn đăng ký thực hiện mô hình “Tổ dân phố không rác”; trong đó có hơn 4.000 tổ, thôn đã đạt tiêu chí.
Việc thực hiện các tiêu chí về quản lý rác thải, quản lý vật nuôi và đảm bảo văn minh, mỹ quan đô thị đã đạt được những kết quả tích cực...
Theo Sở TN&MT thành phố, có rất nhiều tổ dân phố, thôn thực hiện tốt mô hình này. Điển hình như tổ dân phố số 40 phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu), tổ 117 phường Chính Gián (quận Thanh Khê), tổ 100 phường An Hải Đông (quận Sơn Trà), tổ 96 phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), tổ 62 phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ), thôn Phong Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang)...
Ở tổ 40 phường Hải Châu 1, trước khi chưa triển khai thực hiện mô hình, tình trạng người dân lén lút đổ rác thải tại các bãi đất trống, đốt vàng mã, rải gạo muối; dán, viết, vẽ bậy trên tường… gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, mất mỹ quan đô thị thường xảy ra.
Sau khi triển khai thí điểm, Ban dân chính tổ dân phố tiến hành họp dân, ký các cam kết thực hiện, thường xuyên đẩy mạnh công tác truyền thông qua các buổi sinh hoạt, hội họp. Trong đó, đảng viên là những người gương mẫu nên đã nâng cao ý thức cho nhân dân.
“Rác được thu gom triệt để, các hộ dân kinh doanh trước mặt nhà không còn đốt vàng mã và rải gạo muối bừa bãi, vỉa hè được trồng hoa, cây cảnh; ngày chủ nhật xanh được duy trì thường xuyên…”, tổ trưởng tổ dân phố số 40 cho biết.
Hay như thôn Phong Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) trước khi chưa triển khai thí điểm “Thôn không rác”, môi trường tại đây khá phức tạp.
Theo lãnh đạo thôn Phong Nam, trong thôn có một con mương thoát nước, mỗi khi mưa xuống rác trôi về nhiều, xác động vật cũng bị người dân vứt bừa bãi, gây ô nhiễm nặng; các điểm tập kết và đặt thùng rác vô hình trung trở thành những điểm ô nhiễm môi trường, gây bức xúc cho nhân dân. Năm 2012, xã Hòa Châu tiến hành thí điểm “Thôn không rác” tại thôn Phong Nam.
Ban dân chính thôn triển khai nhiều biện pháp; trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quy hoạch lại các điểm đổ rác, xã hội hóa đầu tư thùng chứa rác, ký cam kết với các trường học đóng trong thôn không để học sinh ăn quà vặt xả rác bừa bãi; thường xuyên tiến hành công tác thu gom, không để tồn lưu… nhờ đó ô nhiễm môi trường đã được kiểm soát triệt để…
Nhận định hiệu quả mô hình “Tổ dân phố không rác”, ông Nguyễn Đình Anh, Phó Giám đốc Sở TN&MT thành phố Đà Nẵng cho biết: “Việc triển khai mô hình “Tổ dân phố không rác” thời gian qua góp phần kiểm soát tốt tình hình ô nhiễm môi trường ngay ở từng gia đình, tổ dân phố, góp phần quan trọng để thành phố Đà Nẵng thực hiện thành công đề án “Đà Nẵng – Thành phố môi trường” trong tương lai”.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ