Chính trị - Xã hội
Những năm tháng hào hùng ở nước bạn Lào
Đà Nẵng hiện có 170 cựu tình nguyện quân Việt Nam tại Lào qua các thời kỳ kháng chiến. Những năm tháng làm nhiệm vụ trên đất bạn đã để lại trong lòng các tình nguyện quân biết bao kỷ niệm sâu sắc.
Đại tá Trần Như Tiếp (bìa trái) kể về những năm tháng hoạt động ở Lào. |
Đại tá Trần Như Tiếp (trú phường Hải Châu 1, quận Hải Châu), Trưởng ban liên lạc Cựu quân tình nguyện Việt Nam thành phố Đà Nẵng tại Lào, bồi hồi nhớ lại thời còn làm chiến sĩ văn thư tại phòng Biên chính Hạ Lào (đóng tại xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam), rồi xung phong tham gia đoàn cán bộ, chiến sĩ bổ sung chiến trường Hạ Lào vào năm 1952.
Từ Tam Dân, đoàn lên Tân An (Hiệp Đức), vượt sông Tranh (Trà My), Tí Sé (Nông Sơn), liên tục băng rừng, vượt suối, cắt ngang qua dãy Trường Sơn để vào đất Lào.
Khi hành quân đến tỉnh Attapư (Lào), đoàn lần lượt vượt dốc Công-tơ-rơn và dốc Tân Đam, vốn là những dốc cao, dựng đứng, chân người đi trước giơ ngang đầu người đi sau…
Đến huyện ĐắkChưng (tỉnh Salavan), ông Tiếp được phân công về bộ phận liên lạc và trinh sát của Tiểu đoàn 4 Miền Đông. Nhiệm vụ chủ yếu của tiểu đoàn này là giúp bạn huấn luyện bộ đội, vận động nhân dân bạn ủng hộ kháng chiến, xây dựng các đoàn thể cách mạng và tăng gia sản xuất để tự túc lương thực.
“Tiểu đoàn chúng tôi đã giúp bạn xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng một số chi bộ và đoàn thể cách mạng. Nhiều lần quân Pháp và bọn ngụy Lào đánh phá, lực lượng ta và bạn đã dùng chiến thuật du kích kết hợp đấu tranh chính trị, phá tan âm mưu của kẻ thù”, ông Tiếp nhấn mạnh.
Cùng tình cảm sâu đậm với nước bạn Lào như ông Tiếp, trong ký ức của Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thanh Thủy (trú phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) vẫn còn khắc sâu trận đánh Sân bay Mường Mày (tỉnh Attapư) đêm 29-1-1954.
Hồi đó, ông Thủy là mũi trưởng của Đại đội 10 Đặc công (Liên khu 5) sang làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào. Từ Sân bay Mường Mày, máy bay giặc ngày đêm đi bắn phá khắp nơi, gây nhiều khó khăn, tổn thất cho liên quân Lào-Việt và phong trào cách mạng Lào. Vì vậy, khi nhận nhiệm vụ đánh mục tiêu này, cả đại đội bừng bừng khí thế giết giặc lập công, quyết lấy máu tô thắm tình hữu nghị thiêng liêng.
Toàn đơn vị bí mật tiếp cận mục tiêu và đánh theo chiến thuật nở hoa trong lòng địch. Hàng chục máy bay giặc nổ tung ngay từ phút đầu. Cả tiểu đoàn Âu Phi tháo chạy tán loạn. Quân ta truy kích, tiêu diệt và bắt sống hơn 200 trăm tên.
Trong trận đánh này, ông Thủy bị thương hỏng một mắt, được đưa về điều trị tại Bệnh xá huyện Saysetha (tỉnh Attapư). Những ngày điều trị tại đây, ông Thủy thường nghe người trưởng bệnh xá quán triệt nhân viên lời huấn thị của Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào-Việt mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”. Với nhiều chiến công xuất sắc, ông Thủy đã được Nhà nước Lào tặng thưởng Huân chương Itxala.
Còn Đại tá Trần Phú (trú phường Hòa Thuận Tây, quận Cẩm Lệ) suốt 25 năm chiến đấu, công tác ở Lào, nay đã gần 90 tuổi, vẫn còn nhớ như in những trận đánh khốc liệt tại Cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng) và các vùng phụ cận.
Tại Cánh đồng Chum năm 1963, ông Phú là chính trị viên đại đội thuộc Trung đoàn 673 Sư đoàn 335. Ông nhớ rõ, lúc cao điểm nhất, ta đã tập trung ở mặt trận này đến 4 sư đoàn bộ binh, hàng chục đơn vị hỏa lực cùng bộ đội Pathét Lào phối hợp chiến đấu, do Tư lệnh Lê Trọng Tấn chỉ huy chung.
Cuộc chiến diễn ra ác liệt, kéo dài hơn 10 năm, ta mới giải phóng hoàn toàn vị trí chiến lược quan trọng này. Những năm tháng ấy, đơn vị ông Phú đã nhiều lần nhường cả tiêu chuẩn muối ăn và thuốc chữa bệnh để cứu bộ đội và nhân dân Lào.
Mặt khác, những lần đường vận chuyển bị địch ngăn chặn, hàng tiếp tế từ miền Bắc không đưa sang được, nhiều thương, bệnh binh được các gia đình cơ sở bạn nuôi giấu…
Nét mặt rạng ngời niềm tự hào, vị nhân chứng lịch sử hồ hởi trải lòng: Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào ai cũng khắc ghi lời Bác Hồ dạy “Giúp bạn chính là giúp mình” và ai cũng thấu triệt tư tưởng xả thân chiến đấu cho mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM