Năm 2015, thành phố Đà Nẵng đã có những nỗ lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa. Theo đó, nhiều trung tâm văn hóa phường được cải tạo, xây dựng; nhiều khu vui chơi giải trí, công viên vườn dạo được đưa vào sử dụng, tạo không khí phấn khởi cho người dân tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, thiết chế văn hóa tại quận Liên Chiểu chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.
Trung tâm Văn hóa-Thể thao quận Liên Chiểu chẳng có gì ngoài bãi đất trống mênh mông, lắp vài trụ điện chiếu sáng, sân điền kinh. |
Từ quận đến phường thiếu thiết chế văn hóa
Là quận có số dân đông, đặc biệt là dân nhập cư, song Liên Chiểu lại là khu vực mà mức độ hưởng thụ văn hóa của người dân còn khá thấp so với những quận khác. Đây cũng là quận mà thiết chế văn hóa thiếu trầm trọng từ quận đến phường.
Theo Phòng Văn hóa-Thông tin quận Liên Chiểu, Trung tâm Văn hóa-Thể thao (VHTT) quận có quyết định thành lập vào ngày 4-7-2012 theo Quyết định số 1509/QĐ-UBND ngày 4-7-2012, tại đường Trần Đình Tri, phường Hòa Minh, với diện tích 104.911m2. Các hạng mục dự kiến xây dựng gồm: sân vận động, nhà thi đấu đa năng, thư viện, bể bơi, sân bóng chuyền, hồ sinh thái…
Mặc dù được khởi công vào ngày 17-11-2012, nhưng đến nay, Trung tâm VHTT quận Liên Chiểu chẳng có gì ngoài bãi đất trống với lác đác vài trụ điện chiếu sáng, sân điền kinh… Đây là các hạng mục được đầu tư cho giai đoạn 1 với tổng mức kinh phí gần 12 tỷ đồng; giai đoạn 2 chưa biết khi nào thực hiện vì chưa có kinh phí.
Đối với thiết chế văn hóa cấp phường, năm 2015, phường Hòa Khánh Nam được thành phố giao Sở VH-TT&DL làm chủ đầu tư xây dựng công trình Trung tâm VHTT phường ở khu vui chơi trẻ em trước đây trên đường Tôn Đức Thắng.
Quy mô đầu tư Nhà văn hóa đa năng 2 tầng, hệ thống thiết bị hội trường, các thiết bị vui chơi giải trí trẻ em, sân khấu ngoài trời…, với tổng mức đầu tư xây dựng hơn 2,3 tỷ đồng và chi phí thiết bị hơn 524 triệu đồng.
Đối với phường Hòa Hiệp Nam, Trung tâm VHTT được xây dựng trên đường Đàm Quang Trung có quy mô đầu tư gồm nhà văn hóa đa năng 1 tầng, hệ thống thiết bị hội trường, các thiết bị vui chơi giải trí trẻ em… với tổng mức đầu tư xây dựng và trang thiết bị hơn 2,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện nay, Trung tâm VHTT Hòa Khánh Nam chỉ mới được đầu tư giai đoạn 1 với hạng mục đường giao thông, cây xanh; Trung tâm VHTT phường Hòa Hiệp Nam vẫn chưa được khởi công xây dựng. Ba phường còn lại: Hòa Minh, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Khánh Bắc chưa có chủ trương đầu tư.
Phát triển văn hóa như thế nào?
Ông Phạm Văn Trường, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin quận Liên Chiểu cho biết, sự thiếu hụt các thiết chế văn hóa trên địa bàn quận ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân và công tác xây dựng, phát triển đời sống văn hóa tại địa phương.
“Không có trung tâm văn hóa, mỗi khi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục-thể thao từ quận đến cơ sở, chúng tôi phải thuê, đi mượn một địa điểm nào đó để tổ chức, dẫn đến chất lượng không như mong muốn. Hầu hết các hoạt động tổ chức ngoài trời, gặp thời tiết không thuận lợi là nơm nớp lo không có ai đến tham gia”, ông Trường nói.
Cũng theo ông Trường, quận Liên Chiểu tập trung khá nhiều trường đại học, lại thêm khu công nghiệp nên lượng công nhân, sinh viên đông đảo.
Đây là đối tượng có nhu cầu giải trí, hưởng thụ văn hóa cao. Nhưng do thiếu trung tâm văn hóa, thư viện, phòng đọc sách, sân bãi tập thể dục-thể thao nên việc tiếp cận thông tin, rèn luyện sức khỏe, giải trí lành mạnh còn hạn chế, dẫn đến tình trạng rủ rê cà-phê, cờ bạc, tiềm ẩn tệ nạn xã hội…
Một lãnh đạo quận Liên Chiểu bức xúc nói tại cuộc họp về đầu tư thiết chế văn hóa: “Liên Chiểu hiện có 100.000 người nhập cư.
Nhưng cả quận không có một trung tâm văn hóa cấp quận, trung tâm văn hóa phường cũng không được đầu tư. Thế này thì chúng tôi phát triển văn hóa, nâng cao tinh thần đời sống người dân thế nào?”.
Câu hỏi này buộc các ngành chức năng phải nhìn nhận lại việc đầu tư thiết chế văn hóa của toàn thành phố nói chung, quận Liên chiểu nói riêng trong thời gian qua và trong những năm đến, nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, dẫn báo cáo thống kê tại Hội nghị về đầu tư thiết chế văn hóa toàn quốc tại Ninh Bình vào tháng 11 vừa qua cho biết, đầu tư thiết chế văn hóa của Đà Nẵng xếp vị thứ 55/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Năm 2015, thành phố Đà Nẵng đã quan tâm đầu tư thiết chế văn hóa nhưng vẫn chưa đủ, cần phải tiếp tục đẩy mạnh, “phần xác” còn chưa đến đâu thì đừng nói chi đến “phần hồn”! |
Bài và ảnh: HÀ THU