* Bà Phan Thị Thúy Linh được bầu làm Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố
Ngày 9-12, phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 15, HĐND thành phố khóa VIII, diễn ra sôi nổi với nhiều vấn đề “nóng”, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri thành phố.
Đại biểu Mai Đức Lộc chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Tranh luận chuyện xây cầu vượt
Để giảm thiểu tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông tại các “điểm đen”, trong phiên thảo luận ở hội trường sáng 9-12, một số đại biểu đề nghị xem xét việc xây dựng cầu vượt ở những khu vực này, tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận.
Chủ tịch HĐND Trần Thọ cho biết, thành phố đã có chủ trương làm cầu vượt ở nút giao thông Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ - Lê Độ.
Tuy nhiên, người dân sinh sống ở khu vực này lại cho rằng, thay vì làm cầu vượt, thành phố nên thu nhỏ bùng binh; lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông; cấm xe lớn, xe tải đi vào thành phố. Phương án này sẽ góp phần hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông, đồng thời giữ được cảnh quan của Công viên 29-3.
ĐB Trần Đình Hồng cho rằng: “Chủ trương xây một số cầu vượt cần phải cân nhắc vì điều kiện kinh tế hiện nay cũng như tập quán của người dân. Như cầu vượt Hòa Cầm xây rất tốn kém nhưng người dân ít đi. Do đó, trước mắt ngành giao thông cần nghiên cứu lại các nút giao thông, cần tổ chức giao thông cho thuận lợi chứ không phải tập trung đầu tư vào cảnh quan”.
Tuy nhiên, về vấn đề này, ĐB Nguyễn Đăng Hải cho rằng, xây cầu vượt là một ưu thế tất yếu và cần thiết để giảm ùn tắc giao thông.
Đà Nẵng không chỉ cần cầu vượt ở những “điểm đen” giao thông, mà có thể cần cả đường hầm qua sông Hàn để giảm ùn tắc giao thông cho cầu Sông Hàn, cầu Rồng… ĐB Nguyễn Đăng Hải đề nghị khi xây dựng cầu vượt, Đà Nẵng cần phải tính toán, nghiên cứu kỹ để giảm chi phí và đạt hiệu quả công năng của cây cầu.
Cùng quan điểm, ĐB Lê Vinh Quang cho rằng, cần xem lại ý kiến của người dân về việc không nên xây dựng cầu vượt: “Chúng ta phải vì lợi ích chung, lợi ích của cộng đồng, chứ không thể vì lợi ích của cá nhân. Việc xây cầu vượt chắc chắn sẽ giải quyết được bài toán ùn tắc và tai nạn giao thông tại khu vực trên”.
Đồng ý việc xây cầu vượt là hợp lý, ĐB Nguyễn Hoàng Sơn nhấn mạnh thêm, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, giải pháp thu nhỏ bùng binh và lắp đặt đèn tín hiệu giao thông cũng cần xem xét. Nếu sau khi thực hiện, tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông không giảm thì việc triển khai xây dựng cầu vượt là cần thiết.
Ngoài ra, ĐB Mai Đức Lộc và ĐB Trần Đình Hồng đề nghị thành phố sớm nghiên cứu xây dựng cầu mới qua sông Hàn; phân làn một chiều ở một số tuyến đường hợp lý; đồng thời phân lại giờ cho ô-tô qua cầu Sông Hàn.
Quy hoạch đô thị phải bền vững, lâu dài
Về vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch, cảnh quan hai bên bờ sông Hàn, đại biểu Huỳnh Phước cho rằng nên cân nhắc kỹ lưỡng. “Với những vị trí nhạy cảm, nhất là khu đất ở hai bên bờ sông Hàn, chúng tôi nhất trí với Thường trực HĐND thành phố khi đặt vấn đề: quy hoạch, khai thác quỹ đất này cần cân nhắc kỹ lưỡng. Đây là vệt đất cuối cùng ở bờ Tây sông Hàn, thành phố nên giữ lại để phục vụ người dân và khai thác du lịch.
Nếu chuyển giao cho Bộ Quốc phòng, phân lô bố trí nhà ở, thành phố sẽ thu về hàng ngàn tỷ đồng nhưng cũng chỉ là giá trị hữu hạn”, đại biểu Phước nói.
Xung quanh vấn đề quy hoạch, ĐB Lê Thị Nam Phương cũng cho rằng, việc kiến trúc, kiến thiết chung cho sự phát triển của cả thành phố trong thời gian dài cần có những chuyên gia trong và ngoài nước tham gia với những kế hoạch mang tính bền vững, lâu dài.
Theo ĐB Trần Đình Hồng, thành phố không nên quy hoạch khu vực nào đó khi có dự án đầu tư vì như thế sẽ làm vỡ quy hoạch, mà phải quy hoạch ngay từ bây giờ. Hiện phía Tây thành phố còn rất nhiều đất, đề nghị thành phố sớm có quy hoạch chi tiết cho khu vực này.
Các đại biểu thảo luận bên lề cuộc họp. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Quyết thu hồi dự án Sân vận động Chi Lăng
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Hoàng Sơn về đề nghị thu hồi dự án Sân vận động (SVĐ) Chi Lăng, nâng cấp để phục vụ nhân dân thành phố cũng như hướng xử lý 10 lô đất đã phân lô ra bán, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, quan điểm của UBND thành phố là thu hồi.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, lãnh đạo và cử tri thành phố rất quan tâm dự án này. Đến thời điểm hiện nay, ông Phạm Công Danh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh vẫn đang bị cơ quan điều tra tạm giữ để thụ lý vụ án và 10 lô đất nói trên cũng đang bị phong tỏa để phục vụ điều tra.
Vì vậy, phải căn cứ vào kết luận của cơ quan điều tra để có hướng xử lý phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, UBND thành phố vẫn thực hiện các vấn đề cử tri quan tâm; cụ thể là đã có văn bản báo cáo Bộ Công an đề nghị không phát mại 10 lô đất trên.
UBND thành phố cũng quyết định sẽ thu hồi dự án SVĐ Chi Lăng đúng theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, dù dự án đang trong quá trình điều tra, UBND thành phố vẫn giao Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ Luật Đất đai 2013 đề xuất các giải pháp, phương án cụ thể để thực hiện việc thu hồi.
Căn cứ vào thời điểm giao dự án cho nhà đầu tư, sau 12 tháng hoặc 24 tháng, nhà đầu tư không thực hiện cam kết theo luật thì UBND thành phố có quyền thu hồi để phục vụ lợi ích của thành phố, không chờ kết luận của cơ quan điều tra.
Thành phố thu hồi dự án để thực hiện theo đúng quy hoạch là xây dựng một khu tổ hợp thương mại hoàn chỉnh, không tách rời và quy hoạch phải được công bố rộng rãi để dư luận tham gia vì đây là điểm nhấn quan trọng ở giữa trung tâm thành phố.
Song song với việc thu hồi dự án, trước mắt, UBND thành phố thống nhất, SVĐ Chi Lăng vẫn phục vụ các hoạt động thể dục thể thao, đặc biệt, giải Bóng đá vô địch quốc gia 2016 diễn ra tại SVĐ này.
Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ cũng thẳng thắn nêu rõ: Câu chuyện SVĐ Chi Lăng hiện nằm trong vụ án mà các cơ quan nội chính của Trung ương đang thụ lý. Khi chưa có phán quyết cuối cùng của tòa án thì không bình luận, phải chờ kết quả xét xử.
Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng nhất quán với quan điểm phải làm đúng quy hoạch là xây dựng khu thương mại phức hợp cao cấp trên khu đất này. “Đã nói làm khu thương mại phức hợp nhưng đem bán thì dân Đà Nẵng dứt khoát không chịu”, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ nhấn mạnh.
Truy đến cùng vụ trả lại hơn 37,2 tỷ đồng tài trợ
Trong phiên chất vấn, ĐB Trần Văn Lĩnh và ĐB Nguyễn Thị Kim Hồng truy vấn, hơn 37,2 tỷ đồng mà giám đốc và kế toán Bệnh viện Ung thư (nay là Bệnh viện Ung bướu) chuyển trả Ngân hàng Bưu điện Liên Việt là tài sản của bệnh viện.
Việc chuyển trả tiền tài trợ diễn ra sau khi UBND thành phố đã có quyết định chuyển đổi nguyên trạng Bệnh viện Ung thư thuộc Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố thành Bệnh viện Ung bướu (đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Y tế Đà Nẵng). Như vậy, hành vi này làm thất thoát tài sản của bệnh viện, đề nghị phải truy tố hình sự.
Trả lời vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho biết: Số tiền tài trợ của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt được Bệnh viện Ung thư gửi vào một tài khoản trong 14 tháng, sinh lãi hơn 355 triệu đồng.
Số tiền lãi đã được sử dụng hết cho công tác khám, chữa bệnh của bệnh viện. Sau khi giám đốc và kế toán bệnh viện tự ý chuyển trả số tiền tài trợ cho ngân hàng, UBND thành phố đã cử người ra hội sở ngân hàng tại Hà Nội làm việc để chuyển lại số tiền này về sử dụng đúng mục đích là mua máy móc phục vụ bệnh nhân ung thư.
Thế nhưng, lãnh đạo ngân hàng đã quyết định sử dụng số tiền này vào việc xây dựng trường học tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang. UBND thành phố đã chỉ đạo Ban Thường vụ Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố tổ chức kiểm điểm các cá nhân có liên quan đến hai lần nhưng không đạt yêu cầu vì kiểm điểm xong mà không có hình thức kỷ luật.
Hiện nay, UBND thành phố đã giao Sở Nội vụ phối hợp với Ban Thường vụ Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh tiến hành kiểm điểm lần thứ ba. Nếu lần này không được, sẽ chuyển vụ việc sang cơ quan Thanh tra làm rõ.
Ông Đặng Việt Dũng cho biết thêm: Tiền tài trợ thì trả lại rồi, từ khi chuyển bệnh viện này sang đơn vị sự nghiệp công lập, số bệnh nhân tăng lên nhanh chóng, bệnh viện rất cần đầu tư thêm máy móc, thiết bị.
Chưa hài lòng với phần trả lời trên, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ yêu cầu UBND thành phố phải tiếp tục làm việc với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, vận động họ chuyển số tiền đã tài trợ về cho Bệnh viện Ung bướu để sử dụng đúng mục đích ban đầu đã cam kết.
“Đừng để mấy trăm bệnh nhân ung thư mòn mỏi chờ số tiền này. Đồng thời, UBND thành phố phải tiếp tục truy đến cùng trách nhiệm người có liên quan. Nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra làm rõ”, ông Trần Thọ nhấn mạnh.
“Chẳng đặng đừng mới thu hồi dự án”
“Quan điểm của thành phố là tôn trọng, nâng niu doanh nghiệp đầu tư vào thành phố, chẳng đặng đừng mới thu hồi các dự án nhưng phải tuân thủ pháp luật”, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ nói khi các ĐB chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Văn Sơn về tình hình thu hồi các dự án ven biển chậm triển khai.
Theo ông Sơn, thành phố đã rà soát 52 dự án, trong đó có 20 dự án đã đưa vào hoạt động. Trong số 30 dự án chậm triển khai và chưa triển khai (11 dự án đầu tư nước ngoài), qua rà soát, thành phố đã ra quyết định thu hồi 3 dự án, xử phạt và gia hạn 24 tháng cho 20 dự án chậm triển khai.
Ông Trần Văn Sơn cho hay, có trường hợp nhà đầu tư phản ánh không khách quan về việc dự án chậm triển khai bị thu hồi nhưng dự án tương tự không bị thu hồi. Cụ thể, dự án của doanh nghiệp Huy Khánh đã triển khai nửa chừng rồi tạm dừng, sau khi có ý kiến của thành phố, nhà đầu tư tiếp tục triển khai đúng theo quy hoạch.
Việc không thu hồi dự án của doanh nghiệp này là đúng quy định pháp luật, không có sự ưu ái. Còn dự án của doanh nghiệp Đệ Nhất được cấp phép từ năm 2009 cũng chậm triển khai. Sau khi rà soát, dự án này trùng lắp dự án công trình cáp quang cập bờ quốc gia (có liên quan vấn đề an ninh quốc gia) nên UBND thành phố phải điều chỉnh quy hoạch và sẽ thu hồi dự án nhưng trong quá trình làm việc để thỏa thuận đền bù thì nhà đầu tư không hợp tác.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết khẳng định: Các dự án bị phạt do chậm triển khai, dự án bị thu hồi và việc để lại dự án của doanh nghiệp Huy Khánh là đúng quy định pháp luật, không có việc đối xử không bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ cho biết HĐND thành phố sẽ tiếp tục giám sát việc này, đảm bảo thu hồi dự án của doanh nghiệp phải có đền bù đúng theo quy định của luật pháp, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.
Tìm giải pháp phù hợp lòng dân
Trả lời chất vấn của ĐB Thái Thanh Hùng liên quan đến việc người dân nợ tiền đất tái định cư (TĐC), Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Thanh Sang cho biết, căn cứ theo Luật Đất đai năm 2013, bắt đầu từ ngày 1-1-2016, UBND thành phố sẽ ra quyết định nâng mức hỗ trợ tiền thuê nhà cho những hộ dân chưa nhận đất TĐC; theo đó, hỗ trợ đối với hộ chính là 1,8 triệu đồng/tháng và hộ phụ là 1,5 triệu đồng/tháng thay vì lần lượt 1,5 triệu đồng và 1,2 triệu đồng như trước đây.
Tuy nhiên, ĐB Thái Thanh Hùng đề nghị, lãi suất tiền nợ đất TĐC vẫn còn cao hơn so với tiền gửi tiết kiệm, do đó thành phố nên xem xét không thu tiền lãi suất đối với người dân nghèo.
Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ cũng cho rằng, hiện nay nợ tiền đất TĐC lên đến khoảng 1.700 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi. Người dân kiến nghị không thu tiền lãi và đến ngày 1-3-2016, nếu người dân vẫn chưa nộp tiền lãi thì phải điều chỉnh lại chính sách cho phù hợp vì đây là đối tượng nghèo.
Về vấn đề này, ĐB Trần Văn Lĩnh đề xuất nên đưa ra 2 phương án cho người dân lựa chọn: Một là trả tiền cũ và lãi, hai là trả theo giá mới để người dân cân nhắc.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho rằng, do trước đây đã có khoảng 30% số người dân nợ tiền đất TĐC đã thực hiện trả rồi, vì vậy nếu bây giờ không thu tiền lãi suất sẽ không công bằng đối với người khác.
Theo quy định mới, kể từ ngày 1-3-2016, tất cả các cá nhân, tổ chức còn nợ tiền đất TĐC thì phải trả theo cách áp giá mới bằng 70% giá thị trường, trong khi trước đó chỉ tương đương 1/3 so với giá thị trường.
UBND thành phố sẽ báo cáo với Thường trực Thành ủy về vấn đề này để có phương án giải quyết. Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ cũng đề nghị Sở Tài chính phối hợp với Cục Thuế phân tích, xem xét để có phương án giải quyết phù hợp.
Tăng cường quản lý Nhà nước về vệ sinh thực phẩm
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Hoàng Sơn về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến cho biết, thời gian qua, trên địa bàn thành phố chỉ xảy ra 1 vụ ngộ độc với 9 người mắc. Tỷ lệ ngộ độc 0,9/100.000 người dân.
Đến nay, chưa phát hiện trường hợp nào liên quan đến ngộ độc thực phẩm độc hại. Tuy nhiên, hiện nay thành phố phải nhập lượng thực phẩm từ bên ngoài vào chiếm tới 80%. Do đó, để giám sát chặt chẽ số lượng thực phẩm này, cần chú trọng công tác quản lý Nhà nước.
Trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ tham mưu cụ thể cho UBND thành phố về vấn đề này. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác truyền thông về an toàn thực phẩm cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh và người dân; công tác thanh tra, kiểm tra phải sát sao.
Tuy nhiên, hiện sở cũng gặp khó khăn trong việc kiểm nghiệm vì kinh phí được cấp quá ít, không đủ điều kiện để mua mẫu kiểm nghiệm.
Không thỏa mãn với câu trả lời trên, ĐB Nguyễn Hoàng Sơn đề nghị, Sở Y tế đưa ra cách giúp người dân nhận diện thực phẩm bẩn và không bẩn; địa chỉ để mua thực phẩm an toàn; các chợ, siêu thị có biện pháp gì để ngăn chặn thực phẩm bẩn.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Công thương Phan Văn Kha cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 1.382 cơ sở do ngành Công thương quản lý. “Việc sản xuất rượu thủ công do quận, huyện quản lý nhưng chủ tịch quận, huyện cũng không thể nắm được.
Ngay cả tôi cũng không thể phân biệt được rượu giả, rượu thật. Đây là bất cập trong quản lý Nhà nước và chúng tôi chỉ nghe phản ánh qua dư luận nên khó phát hiện”, ông Kha phân tích. Tuy nhiên, ông Kha khẳng định, trên địa bàn thành phố hiện chưa có cơ sở nào sản xuất rượu giả đưa ra thị trường.
Để giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Phú Ban đề nghị cho phép sở này liên kết xây dựng một chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố và một trạm kiểm soát liên tỉnh chuỗi cung cấp thực phẩm.
Tuy nhiên, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ cho rằng, chức năng của sở nào thì sở đó phải chịu trách nhiệm. Trước mắt, cần tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước của ngành mình; lưu ý bổ sung thêm kinh phí và nghiên cứu đặt hàng mua thiết bị kiểm tra, phát hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; tăng cường công tác thanh tra và xử phạt công khai trên phương tiện truyền thông.
Sớm bàn giao đất cho dự án Công viên Châu Á Trả lời câu hỏi chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Anh Đào liên quan đến quy hoạch, chính sách và tiến độ thực hiện dự án Công viên Châu Á, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Điểu cho biết, dự án này được Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt từ năm 2013 với quy mô lớn và cho phép phân kỳ theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: từ năm 2013-2015, chủ yếu xây dựng hạ tầng của khu vực công viên; giai đoạn 2 là triển khai xây dựng khu công viên chuyên đề biểu hiện văn hóa của 9 quốc gia. Tuy nhiên, do vướng giải tỏa đền bù nên chưa thực hiện được. Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường sớm giải quyết dứt điểm 65 lô đất của người dân và doanh nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực dự án Công viên Châu Á để dự án triển khai đúng tiến độ; đồng thời ban hành quyết định của UBND thành phố về chính sách xã hội hóa tại khu vực này như miễn giảm thuế đất… |
Tạo điều kiện cho dân mua nhà ở xã hội Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Quang Hùng cho biết, hiện có hai loại đối tượng được ưu tiên mua nhà ở xã hội nhưng thời gian qua, sở đã mở rộng thêm đối tượng và tạo điều kiện thuận lợi bằng việc cùng với ngân hàng giúp tháo gỡ vướng mắc cho người mua. Đến nay, có 99 trường hợp nộp đơn đăng ký mua nhà, trong đó, 19 trường hợp không đủ điều kiện vay ngân hàng nên đã rút hồ sơ. Thời gian tới, sở sẽ đôn đốc Công ty Quản lý nhà chung cư giới thiệu trên phương tiện đại chúng để người dân biết cách giao dịch. Về nguyên nhân mới chỉ cấp 48 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở cho người dân, theo ông Hùng, là do các chủ đầu tư chưa hoàn tất thủ tục công khai thuế… nên chưa có cơ sở cấp giấy cho người dân. Các doanh nghiệp cam kết giữa tháng 12 sẽ gửi hồ sơ đề hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở cho người mua. Nếu không thực hiện, cơ quan chức năng sẽ xử phạt theo quy định. Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ cũng cho rằng, bán nhà ở xã hội nhưng dân không thích mua. Bên cạnh tâm lý thích ở nhà riêng thì phải thừa nhận rằng giá thành nhà ở xã hội vẫn còn quá cao. Do đó, đề nghị Sở Xây dựng nghiên cứu trình giải pháp cho UBND thành phố, nếu không bán được, các chung cư sẽ bị xuống cấp. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần kiểm tra và giải quyết giao đất cho những cán bộ, công chức đã đấu giá trúng các lô đất bán cho cán bộ, công chức nhưng vẫn chưa nhận được đất. |
Bà Phan Thị Thúy Linh được bầu làm Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Ngày 9-12, tại kỳ họp lần thứ 15, HĐND thành phố tiến hành bầu bổ sung chức danh Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND thành phố khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016. Theo đó, HĐND thành phố giới thiệu bà Phan Thị Thúy Linh, Ủy viên thường trực HĐND thành phố để bầu vào chức danh Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách. Kết quả, bà Phan Thị Thúy Linh đã trúng cử với 43/43 phiếu bầu, đạt tỷ lệ 100% số đại biểu có mặt. Trước đó, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức danh Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố khóa VIII, nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với ông Mai Đức Lộc theo nguyện vọng cá nhân và vì lý do nghỉ hưu theo chế độ. ĐẶNG NỞ |
Hoàn thành 16/20 đầu việc giao từ kỳ họp lần thứ 14 Tại phiên thảo luận ở hội trường, ĐB Nguyễn Đăng Hải thắc mắc, kỳ họp trước, Chủ tịch HĐND thành phố đã kết luận 20 đầu việc cần làm ngay. Nhưng ở kỳ họp này, lại không đánh giá đầu việc nào đã làm được, đầu việc nào chưa hoàn thành. Về vấn đề này, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ cho biết, trong 20 đầu việc đề ra của kỳ họp HĐND lần thứ 14, hiện 16 đầu việc cơ bản đã làm xong. 4 đầu việc đã và đang thực hiện nhưng còn chậm như: việc hoàn thành lắp đặt mái hiên di động; rà soát thu hồi dự án chậm triển khai; bán đấu giá 300 lô đất cho công chức; lập lại trật tự khai thác khoáng sản. |
Nhóm phóng viên Thời sự