.

Phấn đấu GDP năm 2016 tăng 6,7%

.

* Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định về cơ chế đặc thù

Ngày 28-12, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016. Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì điểm cầu Đà Nẵng.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì điểm cầu Đà Nẵng. 						           ảnh: S.TRUNG
Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì điểm cầu Đà Nẵng. ảnh: S.TRUNG

Tăng trưởng GDP cao nhất trong 8 năm

Theo báo cáo của Chính phủ, kinh tế năm 2015 tiếp tục đà phục hồi với mức tăng trưởng GDP đạt 6,68%, cao nhất trong 8 năm qua và cao hơn kế hoạch đề ra là 6,2%.

Động lực tăng trưởng chủ yếu của năm 2015 là sự phục hồi và tăng trưởng sản xuất công nghiệp, sự tăng nhanh của sản xuất và xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI; tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu được cải thiện, lạm phát thấp; việc thực hiện các luật mới tác động đến cải thiện môi trường kinh doanh.

Năm 2015, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 3 bậc từ vị trí 93 lên vị trí 90. Vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 14,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm ngoái; số dự án cấp mới tăng 26%; thu ngân sách tính đến ngày 15-12 ước đạt 884.755 tỷ đồng, bằng 97,1% dự toán và ước sẽ vượt dự toán năm 2015; an sinh xã hội đạt nhiều kết quả tích cực; 1,63 triệu lao động được tạo việc làm; hộ nghèo giảm còn dưới 4,5%.

Chính phủ đánh giá chung: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ít biến động, chỉ số giá tiêu dùng thấp; chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt; công tác quản lý thu-chi ngân sách Nhà nước được tăng cường.

Kinh tế tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra, tạo đà phát triển trong 5 năm tới; cơ cấu lại nền kinh tế đạt nhiều kết quả, môi trường kinh doanh và chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu cải thiện đáng kể; thu hút và giải ngân vốn FDI phát triển khá.

Công tác đào tạo nghề được quan tâm; an sinh, phúc lợi xã hội được bảo đảm; công tác cải cách hành chính, đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế đạt nhiều kết quả tích cực; trật tự xã hội, tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường, đảm bảo giữ vững độc lập, chủ quyền.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục. Theo đó, giá xuất các mặt hàng nguyên liệu và hàng nông, thủy sản xuống thấp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu. Cân đối ngân sách Trung ương khó khăn do giá dầu thô xuống thấp, bội chi còn cao; nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp mũi nhọn còn hạn chế. Tiến trình sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước tuy đạt kết quả tích cực nhưng còn chậm so với mục tiêu. Hoạt động của doanh nghiệp trong nước còn nhiều khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; giảm nghèo chưa bền vững, đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn…

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

Hội nghị thảo luận các giải pháp nhằm thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2016 theo Nghị quyết của Quốc hội với mục tiêu tổng quát là: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng cao hơn năm 2015, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, đảm bảo phát triển bền vững.

Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu của năm 2016. Cụ thể: GDP tăng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP; tỷ suất tiêu hao năng lượng trên 1 đơn vị GDP giảm 1,5%; giảm hộ nghèo chuẩn đa chiều từ 1,3%-15%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 53%; số giường bệnh trên một vạn dân là 24,5 giường; tỷ lệ dân số tham gia BHYT là 76%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 85%; tỷ lệ che phủ rừng là 41%.

Tham gia phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 của thành phố Đà Nẵng. Theo đó, Đà Nẵng tiếp tục giữ mức tăng trưởng khá và đứng đầu nhiều chỉ số như: Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính, quản trị hành chính công, mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin…

Năm 2016, Đà Nẵng triển khai 3 đột phá kinh tế-xã hội mà Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI đề ra với mục tiêu đẩy tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn và phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, xây dựng thành phố môi trường, an bình, văn minh, hiện đại.

Đà Nẵng cũng kiến nghị Chính phủ một số vấn đề như: Xem xét thông qua Nghị định về cơ chế đặc thù cho thành phố; phê duyệt cơ chế thu hút đầu tư Khu công nghệ cao của thành phố; thông qua hợp phần bổ sung của dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng; xúc tiến di dời ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố; hỗ trợ thành phố kêu gọi đầu tư xây dựng cảng biển Liên Chiểu và đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây 2 nối Đà Nẵng, Quảng Nam với Lào qua cửa khẩu Đắc Ốc (Quảng Nam).

Hội nghị của Chính phủ tiếp tục đến hết sáng 29-12.

S.TRUNG

;
.
.
.
.
.