Nằm ở vị trí trung tâm thành phố, quận Hải Châu là địa bàn trọng điểm về kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng. Những năm qua, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đã được các cơ quan, đơn vị phối hợp triển khai, trong đó đề cao vai trò của các tổ chức cơ sở, khu dân cư trong việc triển khai có hiệu quả các mô hình PCCC, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Lực lượng Cảnh sát PCCC tổ chức diễn tập chữa cháy cho các tiểu thương ở chợ Cồn. |
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Theo Đại tá Đặng Trí Nhựt, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC, Công an quận Hải Châu, đây là địa bàn hết sức phức tạp trong công tác PCCC. Ngoài việc tập trung các cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương, quận Hải Châu còn có khoảng 35 tòa nhà trên 10 tầng, 12 chợ, 7 khu chung cư, hơn 125 nhà nghỉ, khách sạn các loại, 51 điểm kinh doanh xăng dầu, khí đốt hóa lỏng.
Thêm vào đó, các phường như Nam Dương, Hải Châu 1, Hải Châu 2... có các khu dân cư đông đúc nằm sâu trong kiệt, hẻm, nếu xảy ra sự cố cháy nổ thì công tác ứng cứu, chữa cháy sẽ rất khó khăn vì xe cứu hỏa không thể vào đến nơi địa điểm xảy ra hỏa hoạn được.
“Trên thực tế, vẫn còn một bộ phận nhân dân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chưa nhận thức sâu sắc, đúng đắn về tầm quan trọng của công tác PCCC, xem công việc này hoàn toàn thuộc trách nhiệm của lực lượng cứu hỏa. Điều này dẫn đến sự chủ quan, thờ ơ trong việc tự tổ chức PCCC cũng như mua sắm các trang thiết bị cần thiết”, Đại tá Nhựt cho biết thêm.
Cùng quan điểm này, đại diện một số địa phương trên địa bàn quận cho rằng, mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến luôn được tiến hành thường xuyên nhưng vẫn còn đó tình trạng lơ là, chủ quan trong công tác PCCC.
Các hộ nghèo, cận nghèo sống tập trung ở các kiệt hẻm có nguy cơ cháy nổ cao nhưng không có điều kiện trang bị phương tiện chữa cháy, thậm chí bình chữa cháy đã hết tác dụng nhưng không chịu thay mới. Ngoài ra, nhiều khu vực chuyên cho thuê nhà ở, các đối tượng thuê trọ luôn biến động nên cũng rất khó tham gia, tiếp cận các buổi tuyên truyền về PCCC, dẫn đến nhận thức về vấn đề này còn nhiều hạn chế.
Xây dựng lực lượng cơ sở
Từ thực tế trên, nhiều năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC, Công an quận Hải Châu đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam quận triển khai phong trào Toàn dân tham gia PCCC. Bà Nguyễn Thị Thừa, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hải Châu cho biết: “Chúng tôi luôn đề cao công tác phối hợp giữa các lực lượng trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, hộ gia đình về PCCC; đồng thời cảnh báo, khuyến cáo nguy cơ cháy nổ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như trong khu dân cư”.
Đến nay, công tác tuyên truyền đã được tổ chức tại 135 khu dân cư trên toàn quận với hơn 16.000 lượt người tham dự. Thông qua các buổi họp tổ dân phố định kỳ, phong trào Toàn dân tham gia PCCC đã được phát động, triển khai rộng rãi, lồng ghép với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ngoài ra, tổ chức vận động người dân tự nguyện mua sắm các trang thiết bị PCCC cần thiết.
Theo Đại tá Đặng Trí Nhựt, tùy theo tình hình thực tế của các khu vực, địa bàn để triển khai các mô hình PCCC hiệu quả, trong đó phải kể đến “Cụm dân cư an toàn về PCCC” và “Khu chung cư an toàn về PCCC”.
Đến nay, 13 phường trên địa bàn quận đều có cụm dân cư an toàn với 7 tiêu chí, trong đó hơn 29.000 hộ trang bị bình chữa cháy, xây dựng hồ sơ theo dõi, lập phương án chữa cháy. Bên cạnh đó, 7 khu chung cư trên địa bàn quận cũng đã xây dựng các mô hình PCCC tiêu biểu, bảo đảm xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.
“Đặc biệt, công tác xây dựng lực lượng PCCC ở cơ sở cũng hết sức quan trọng. Hiện chúng tôi đã xây dựng được 131 đội dân phòng tại các cụm dân cư, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho hơn 2.500 người. Đây là lực lượng hết sức quan trọng, góp phần nâng cao ý thức cho người dân cũng như xử lý tình huống tại cơ sở một cách kịp thời, hạn chế tối đa tổn thất về người và tài sản khi xảy ra sự cố”, Đại tá Nhựt cho biết.
Bài và ảnh: PHAN CHUNG