Càng cận Tết Nguyên đán, nhu cầu mua bán của người dân tăng cao. Hầu hết các khu chợ, lượng hàng hóa được tích trữ, tập trung nhiều hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy (PCCC) ở đây chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, tình trạng chất hàng hóa quá nhiều, chen kín các lối đi, đường dây điện sát với các vật dụng dễ bắt lửa… nên nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn.
Trước điều kiện phòng cháy và chữa cháy tại các chợ hiện chưa bảo đảm, người dân, doanh nghiệp phải luôn có ý thức phòng cháy là trên hết. |
Cẩn trọng không thừa!
Vụ cháy vào đêm 8-11 tại chợ Quán Hộ (số 135 Kỳ Đồng, quận Thanh Khê) thêm lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo đối với người dân. Phòng Cảnh sát PCCC số 2 xuất 3 xe chữa cháy cùng 30 cán bộ, chiến sĩ tiếp cận hiện trường, triển khai lực lượng, phá khóa cửa chợ để chữa cháy, cứu tài sản. Tuy nhiên, nhận định đám cháy diễn biến phức tạp, đơn vị xin chi viện thêm 2 xe chữa cháy của Phòng Cảnh sát PCCC số 1 và số 4. Mất hơn 2 giờ đồng hồ đám cháy mới được khống chế.
“Nguyên nhân được xác định do chập điện. Chất cháy chủ yếu ở các quầy hàng tạp hóa, hàng giầy dép nên lượng khói bốc ra dày đặc, gây khó khăn cho công tác cứu chữa. Chúng tôi đã phải phá khóa từng ki-ốt để tìm kiếm gốc lửa. Đám cháy không xảy ra thiệt hại về người nhưng có 20 kho và ki-ốt bị cháy và xém, thiệt hại tài sản ước khoảng hơn 700 triệu đồng”, Trung tá Võ Văn Sỹ, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2 cho biết.
Mặc dù sự việc đã qua hơn 1 tháng, các hộ tiểu thương bị thiệt hại cũng đã tự bỏ tiền làm quầy mới, nhập hàng hóa, nhưng khi nhắc lại sự việc, ai cũng xót xa. “Hầu như số hàng trong kho bị cháy hết, còn số hàng ở quầy cũng bị cháy xém và hư hỏng, thiệt hại hơn 200 triệu đồng mà tôi chẳng có bảo hiểm. Giờ phải tự xoay xở vay mượn để làm ăn tiếp chứ biết sao”, chị Hồ Thị Hy, chủ quầy tạp hóa số 11-12 buồn bã nói.
Chị Hy cũng chia sẻ rằng, báo chí đã phản ánh thông tin về các vụ cháy chợ nên chị rất lo lắng, muốn mua bảo hiểm cháy nổ hàng hóa mà không thấy ai mời và không biết mua ở đâu.
Ông Hồ Kháng, Trưởng Ban quản lý chợ Quán Hộ cho biết, sau khi sự cố xảy ra, Ban quản lý chợ đã thay thế toàn bộ hệ thống bảng điện điều khiển và hệ thống đường dây điện cũ sử dụng hơn 8 năm nay. “Về cơ bản, đến nay, các điều kiện an toàn PCCC, trang bị dụng cụ chữa cháy của tiểu thương tương đối bảo đảm. Chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở tiểu thương chú trọng việc sử dụng điện để bảo đảm an toàn nhưng cẩn trọng bao nhiêu cũng không thừa vì chỉ cần một bất cẩn nhỏ thì cháy nổ sẽ còn tái diễn”, ông Kháng nói.
Phòng cháy hơn chữa cháy
Theo ông Hồ Kháng, hiện các lô buôn bán những mặt hàng dễ cháy như hương đèn, bao bì, vàng mã… được bố trí nằm sâu trong chợ nên nếu xảy ra sự cố sẽ gây thiệt hại lớn. “Do việc bố trí các gian hàng này đã có từ lâu, giờ muốn thay đổi rất khó, vì các hộ này đều không đồng ý di chuyển. Đặc biệt, các tiểu thương chưa ý thức được việc thực hiện đúng quy định “trưng bày hàng hóa tối thiểu” nên cứ chất thật nhiều, để hàng hóa tràn lan tại quầy nên nguy cơ cháy rất cao”, ông Kháng phân tích.
Không riêng chợ Quán Hộ, chỉ cần dạo quanh một vòng ở hầu khắp các chợ trên địa bàn Đà Nẵng, không khó để ghi nhận cảnh các ki-ốt chứa các loại hàng hóa có nguy cơ dễ cháy (quần áo, vải, giày dép, hàng vàng mã…) chất hàng chật kín, san sát nhau, tràn cả xuống hành lang; hệ thống đường dây điện quá cũ và luộm thuộm; hệ thống đèn, còi báo cháy tự động thiếu...
Do đó, nếu xảy ra hỏa hoạn ở đây thì thiệt hại sẽ rất lớn, bởi hàng hóa, tài sản ở đây đều là vật dễ bắt lửa, cháy nhanh và tập trung khối lượng lớn, nên dù nhanh chóng tập trung lực lượng ứng cứu thì cũng khó cứu vãn được tình thế.
Theo Đại tá Nguyễn Phong, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố Đà Nẵng, dịp Tết Nguyên đán là thời kỳ cao điểm về PCCC vì đây là dịp các chợ, trung tâm thương mại tập trung nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu, đặc biệt là hàng dễ cháy như vải, len, áo quần, vàng mã… Chưa kể, lượng người tham gia giao thương ở chợ rất lớn, nhu cầu sử dụng lửa, điện tăng cao, trong khi hệ thống điện ở các chợ trên địa bàn đều đã quá cũ, điều kiện về an toàn PCCC cũng chưa bảo đảm nên đây chính là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, gây thiệt hại nặng về tài sản.
Cũng theo ông Phong, hiện nay, các tiểu thương đã có nhận thức tốt hơn trong việc sử dụng nguồn nhiệt, lửa; lực lượng chữa cháy tại cơ sở chợ được thực tập thường xuyên nên khi có sự cố, họ xử lý ban đầu khá tốt. Tuy nhiên, để phòng chống cháy nổ, nhất là vào dịp cuối năm, người dân và doanh nghiệp phải luôn có ý thức “phòng cháy là trên hết”.
“Để giảm tới mức thấp nhất thiệt hại do cháy nổ, cần tăng cường thêm phương tiện chữa cháy tự động (bình bột hoặc bình nước), cùng với việc xem xét lại quy hoạch, thiết kế, sửa chữa lại các chợ, điều quan trọng nhất hiện nay là phải nâng cao hơn nữa ý thức phòng chống cháy nổ, giám sát công tác PCCC. Với các hộ kinh doanh hàng dễ cháy như len, sợi, quần áo… nên tự trang bị phương tiện báo cháy tự động. Sự chung tay, ý thức cao của các cấp, ngành, nhân dân và doanh nghiệp đối với công tác PCCC sẽ là yếu tố quyết định, hạn chế các vụ hỏa hoạn có thể xảy ra”, Đại tá Nguyễn Phong nhấn mạnh.
Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH