.

Quyết liệt đeo bám vụ việc tới cùng

.

“Để làm tốt vai trò giám sát, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phải kiên trì, bản lĩnh, quyết liệt đeo bám vụ việc tới cùng cho đến khi có kết quả”, bà Nguyễn Thị Vân Lan, Phó Trưởng đoàn Đại biểu QH đơn vị thành phố Đà Nẵng khóa XI (2002-2007) chia sẻ về quá trình hoạt động của mình tại nghị trường QH.

Bà Nguyễn Thị Vân Lan, Phó trưởng đoàn đại biểu QH đơn vị thành phố Đà Nẵng khóa XI (2002-2007) chia sẻ về những kỷ niệm khi làm đại biểu QH.
Bà Nguyễn Thị Vân Lan, Phó trưởng đoàn đại biểu QH đơn vị thành phố Đà Nẵng khóa XI (2002-2007) chia sẻ về những kỷ niệm khi làm đại biểu QH.

Gần dân, lắng nghe dân

Trong 5 năm làm ĐBQH chuyên trách, bà Nguyễn Thị Vân Lan đã tham gia giải quyết thành công trên 30 vụ tranh chấp, xét xử oan sai, khôi phục danh dự, quyền lợi cho hàng chục gia đình. Với phương châm gần dân, lắng nghe dân, bà Lan đã dành phần lớn thời gian đi cơ sở, trực tiếp xuống với dân.

Bà Nguyễn Thị Vân Lan cho biết: “QH có 3 chức năng chính là lập hiến, lập pháp; quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước; giám sát. Khi trở thành ĐBQH, tôi thấy quyền giám sát của QH rất lớn. Với vai trò Phó Trưởng đoàn đại biểu QH đơn vị thành phố, tôi đã tập trung vào công tác giám sát nên đem lại hiệu quả rất rõ, cụ thể là việc giám sát thực hiện những quy định, pháp luật Nhà nước trên thực tiễn”.

Ngay khi chương trình giám sát pháp luật tại địa phương được thông qua, bà Lan đặc biệt quan tâm tới việc thu thập đơn từ, tài liệu liên quan đến những vụ việc người dân bị xét xử oan sai để tiến hành xem xét, kiến nghị nhằm chỉ ra những sai trái, tắc trách của ngành liên quan và bảo vệ lẽ phải cho người dân.

Điển hình là việc giám sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của 3 công dân Phạm Ngọc Quỳnh, Trương Ngô Đại, Nguyễn Bá Diệp về xét xử oan sai của cơ quan tố tụng. Cả 3 trường hợp này đều bị kết án “có tội” và buộc ở tù sau khi đưa ra xét xử sơ thẩm lần thứ nhất. Tuy nhiên, họ đều kháng án “không có tội”. “Sau khi nhận đơn của 3 công dân này và nhờ có Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ QH “về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra”, tôi đã mời các cơ quan tố tụng liên quan đến họp để xem xét lại vụ việc.

Vì vụ án xét xử này đã quá lâu nên không cơ quan nào còn lưu hồ sơ và việc khôi phục hồ sơ rất khó. Các cán bộ Văn phòng QH nghiên cứu kỹ hồ sơ, photo các bản án sơ thẩm và đơn kiến nghị của công dân trình Trưởng đoàn ĐBQH thành phố xem xét và trình lên cấp trên. Với sự kiên trì đeo bám đến cùng sự việc, cuối cùng các vụ án đã được làm sáng tỏ. Các ông Phạm Ngọc Quỳnh, Trương Ngô Đại, Nguyễn Bá Diệp đã được thừa nhận oan sai 25, 28 năm; đồng thời ba công dân này được xin lỗi, khôi phục danh dự và đền bù vật chất lẫn tinh thần theo tinh thần Nghị quyết 388”, bà Vân Lan xúc động kể.

Củng cố niềm tin của dân đối với QH

Là một trong những đại biểu QH trẻ nhất của thành phố Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Mỹ Hương, ĐBQH đơn vị thành phố Đà Nẵng khóa XII (2007-2011) cũng đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực giáo dục khi bà không ngại va chạm và đeo đuổi đến cùng sự việc. Bà Mỹ Hương cho biết: “Sau khi trúng cử ĐBQH, có hai lĩnh vực tôi quan tâm là giáo dục và các vấn đề chính sách thuế.

Đặc biệt, vào thời điểm đó, nhiều trường đại học không đủ tiêu chuẩn đã ra đời dù không bảo đảm nguồn lực về giảng viên cũng như cơ sở vật chất. Chỉ trong năm 2007, có đến 47 trường đại học được thành lập và nâng cấp từ cao đẳng. Tôi đã không đồng tình và theo đuổi vấn đề này thông qua các phiên chất vấn và góp ý tại hội trường, đồng thời thuyết phục các ĐBQH khác cùng góp thêm tiếng nói. Cuối cùng, Ủy ban Thường vụ QH đã có một đợt giám sát về việc thành lập các trường đại học trên toàn quốc”.

Còn với Thiếu tướng Trần Ngọc Yến, trong thời gian làm ĐBQH đơn vị Đà Nẵng khóa X (1997-2002), ông nghiệm ra rằng, để hoạt động hiệu quả thì đại biểu QH cần dành nhiều thời gian để nghiên cứu tài liệu, từ đó mới có nhiều ý kiến đóng góp. Khi tiếp xúc cử tri, ĐBQH phải nghe ngóng, nắm bắt và thâu tóm ý kiến của cử tri thật chính xác để chuyển tải đến chính quyền, cơ quan chức năng.

Có như vậy mới mang lại hiệu quả và làm tăng lòng tin người dân đối với QH. “Nếu có những điều cử tri nói chưa đúng thì mình giải thích ngay tại diễn đàn, không đợi đến khi QH họp. Mình nên tự giải quyết những vấn đề có thể giải quyết được cho dân”, ông Yến cho biết.

Những tâm huyết và đóng góp thầm lặng của các ĐBQH đơn vị Đà Nẵng  luôn in đậm trong tâm trí cử tri thành phố, góp phần củng cố niềm tin và sự tin yêu của dân vào Đảng, vào Quốc hội. Họ xứng đáng là người đại biểu của nhân dân.

Bài và ảnh: Đoàn Lương

;
.
.
.
.
.