.

Sớm quy hoạch tổng thể hai bờ sông Hàn

.

Đà Nẵng có hai chủ thể làm nên giá trị kiến trúc đô thị, đó là dòng sông Hàn và bãi biển. Suốt 18 năm qua, dựa trên cơ sở quy hoạch chung và vừa được điều chỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Đà Nẵng vẫn nhất quán với chủ trương quy hoạch và thiết kế kiến trúc đô thị theo hướng “kéo dài bờ biển, kéo dài dòng sông”.

Dấu ấn kiến trúc đô thị ven biển tương đối rõ, nhưng với dòng sông Hàn, sự đầu tư vẫn chưa phát huy được giá trị kiến trúc, thậm chí có dấu hiệu bị xé nhỏ, manh mún bởi các dự án gây tranh cãi trong thời gian qua. Vì vậy, cần có một quy hoạch tổng thể cho sông Hàn.

Cần sớm quy hoạch tổng thể để phát huy giá trị bền vững của sông Hàn. Trong ảnh: Chiều mây sông Hàn. Ảnh: Lê Quang Thiện
Cần sớm quy hoạch tổng thể để phát huy giá trị bền vững của sông Hàn. Trong ảnh: Chiều mây sông Hàn. Ảnh: Lê Quang Thiện

Bài 1: Thiếu quy hoạch tổng thể

Kiến trúc sư Bùi Huy Trí, Trưởng phòng Quy hoạch, Sở Xây dựng thành phố, ví von: Nếu gọi đô thị Đà Nẵng là một tổ ấm gia đình thì các ngọn núi Hải Vân, Sơn Trà là những chàng trai khỏe mạnh và sông Hàn chính là nàng con gái đẹp dịu dàng, mỹ miều được đi vào thi ca. Tuy nhiên, “thiếu nữ” sông Hàn vẫn chưa có dấu ấn của một bàn tay thẩm mỹ chuyên nghiệp.

Định hình từ khớp nối quy hoạch chi tiết

Đại diện Sở Xây dựng thừa nhận, quy hoạch và thiết kế kiến trúc đối với sông Hàn nhiều năm qua vẫn còn bỏ ngỏ và chưa từng được đầu tư một đồ án thiết kế.

Diện mạo về quy hoạch và kiến trúc sông Hàn được lắp ghép từ những đồ án quy hoạch chi tiết, từ các dự án hạ tầng khu đô thị, giao thông, cảnh quan… thông qua khớp nối quy hoạch.

Hai bên bờ sông Hàn được quy hoạch, chỉnh trang theo hướng kéo dài dòng sông với việc giải tỏa, di dời cảng Sông Hàn, cảng cá Thuận Phước và nhà máy đóng tàu Sông Thu.

Ngay sau khi giải tỏa cảng cá Thuận Phước, Đà Nẵng đã quy hoạch toàn bộ khu vực này với việc mở tuyến đường Như Nguyệt chạy ven sông. Tuyến đường này sau khi hoàn tất đã khớp nối với đường Bạch Đằng kéo dài ra hướng cửa sông.

Hiện toàn bộ bờ tây sông Hàn gần như được khớp nối, tạo tuyến đường ven sông từ cầu Thuận Phước đến cầu Đỏ và lên tận Túy Loan. Tương tự, phía bờ đông sông Hàn cũng được khớp nối hầu hết toàn tuyến và đi qua nhiều khu đô thị mới ven vịnh Mân Quang, đường Trần Hưng Đạo.

Dự án khơi thông sông Cổ Cò kết nối Đà Nẵng với Hội An đang được triển khai và liền theo đó là đầu tư, phát triển các trục đường ven sông.

Lãnh đạo Sở Xây dựng thành phố khẳng định, về cơ bản, quy hoạch dọc hai bên sông Hàn đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, vẫn có một số khu vực cần phải xem xét, rà soát lại. Đơn cử như đường Bạch Đằng, với những khu dân cư hiện hữu sẽ có quy định về khoảng lùi, độ cao... để khi cải tạo xây dựng đúng quy định.

Ngoài ra, một số khu vực dành cho nhà cao tầng phải có quy định cụ thể để thống nhất. Riêng phía đường Trần Hưng Đạo, các vỉa hè ven sông phải thống nhất xem là công viên vui chơi thông thoáng, có đầy đủ hạ tầng chiếu sáng, tạo không gian giải trí cho người dân và du khách.

Cảnh quan sông Hàn cần được quy hoạch và thiết kế kiến trúc tương xứng với tiềm năng.
Cảnh quan sông Hàn cần được quy hoạch và thiết kế kiến trúc tương xứng với tiềm năng.

Manh mún, xộc xệch

Kiến trúc sư Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng, cho hay: Thiết kế kiến trúc cảnh quan sông Hàn dù chưa được lập đồ án quy hoạch, nhưng dấu ấn của kiến trúc và xác định các điểm nhấn kiến trúc đã được thực hiện.

Trong đó, nhiều điểm nhấn đã phát huy giá trị như hệ thống những cây cầu, các tòa nhà cao tầng. Nhiều điểm nhấn kiến trúc quan trọng đang tiếp tục được các chủ dự án đầu tư, nhưng do nguyên nhân khách quan và chủ quan nên chưa được triển khai.

Nhìn thực chất về chuỗi giá trị kiến trúc cảnh quan, sông Hàn vẫn chưa được đầu tư đúng tầm, chưa phát huy tiềm năng và đang thể hiện sự manh mún, xộc xệch.

Những năm qua, Đà Nẵng quản lý rất chặt chẽ về quy hoạch và kiến trúc để tránh phá vỡ quy hoạch, nhưng cũng còn nhiều trở ngại do những quy chế, quy định trong việc gắn kết trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan quản lý Nhà nước.

Vì vậy, việc điều chỉnh về quy hoạch và thiết kế kiến trúc thành phố nói chung và thiết kế kiến trúc cảnh quan cho sông Hàn là rất khó khăn.

Trước sự phát triển của đô thị, sông Hàn cần thiết phải được lập đồ án quy hoạch thiết kế kiến trúc. Lãnh đạo thành phố vừa có chủ trương nghiên cứu lập đồ án thiết kế cảnh quan sông Hàn.

Chủ trương này bước đầu đã nhận được nhiều ý tưởng thiết kế đến từ doanh nghiệp tư vấn thiết kế Hàn Quốc. Hiện đã có 3 phương án thiết kế kiến trúc cảnh quan sông Hàn nhưng chỉ mới dừng ở ý tưởng; chưa đáp ứng được yêu cầu cho sự đầu tư, phát huy giá trị kiến trúc ở sông Hàn.

Bài và ảnh: Triệu Tùng

;
.
.
.
.
.