.

Trận đầu thắng lớn

Tiểu đoàn bộ binh 1 với tên gọi R20, thuộc lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Quảng Đà được thành lập vào ngày 19-5-1965. Đúng 10 ngày sau khi ra đời, Tiểu đoàn đã đánh thắng trận đầu giòn giã tại thôn Văn Quật, xã Xuyên Tân, huyện Duy Xuyên.

Năm 1965, để đánh bại âm mưu lấn chiếm vùng giải phóng nam sông Thu Bồn của địch, cắt đứt từng đoạn trên quốc lộ 1, không cho địch vận chuyển an toàn; đồng thời qua đó nâng cao trình độ đánh tập trung cấp tiểu đoàn, góp phần xây dựng truyền thống “đánh thắng, diệt gọn” cho đơn vị chủ công của tỉnh, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Đà chỉ đạo Tiểu đoàn bộ binh 1 lập phương án, kế hoạch tiến công địch trên địa bàn huyện Duy Xuyên. Nhiệm vụ của đơn vị là tập trung toàn bộ lực lượng phối hợp chặt chẽ với Đại đội 1 Duy Xuyên cùng du kích 3 xã Xuyên Tân, Xuyên Thái, Xuyên Quang tổ chức phục kích địch trên quốc lộ 1A - đoạn nam cầu Câu Lâu cho đến nam đường 104, trong phạm vi 1,5km, tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch cơ động.

Từ địa bàn đứng chân, Tiểu đoàn bộ binh 1 hành quân vượt sông Thu Bồn, rồi qua dốc Bà Son, xuống Xuyên Hiệp, Xuyên Trà; đêm đến bí mật vượt qua quốc lộ 1, đến Quế Xuân rồi vòng lại xã Xuyên Tân. Đến nơi an toàn, các đại đội nhanh chóng triển khai trận địa phục kích. Tuy nhiên, thời điểm đó, địch lại không hành quân vận chuyển trên quốc lộ 1 do biết được ý định của ta. Vì vậy, chúng sử dụng liên đội biệt kích bảo an và Tổng đoàn dân vệ mở đợt càn quét đánh phá xã Xuyên Tân nhằm thọc sâu, bao vây tiêu diệt Đại đội 1 bộ đội địa phương Duy Xuyên.

Lúc 2 giờ ngày 29-5-1965, toàn bộ lực lượng địch tập trung tại chi khu quận lỵ Duy Xuyên, theo trục đường 104 hành quân xuống hướng Bàn Thạch rồi chia 2 mũi bao vây lực lượng ta. 5 giờ 30, một bộ phận địch lùng sục gặp bộ đội ta đang bố trí trận địa phục kích, Đại đội 2 đã tổ chức cho một tiểu đội nổ súng ngăn chặn địch. Trước tình hình đó, Tiểu đoàn đã xin ý kiến của trên chuyển sang phương án 2.

7 giờ 30, đại đội biệt kích của địch và 5 trung đội của Tổng đoàn dân vệ đã tiến sâu vào hai thôn Văn Quật và Thi Thai. Sau khi kiểm tra các đơn vị lần cuối, đúng 7 giờ 32, tiểu đoàn hạ lệnh nổ súng tiến công. Lập tức 4 khẩu cối 81 ly, cối 60 ly của 3 đại đội và hỏa lực tiểu đoàn bắn dồn dập vào đội hình quân địch. Sau 5 phút, bộ đội đã dùng tiểu liên, lựu đạn đánh ngay vào giữa đội hình của đại đội biệt kích. Đại đội 3 cơ động đánh sườn bên trái, đại đội 2 đánh mạnh từ phía sau lên làm địch hoảng hốt bỏ chạy tán loạn.

Sau 30 phút chiến đấu, Tiểu đoàn bộ binh 1 đã diệt gọn 1 đại đội biệt kích và 5 trung đội tổng đoàn dân vệ. Hai đại đội biệt kích bảo an còn lại co cụm ngay trên các khu gò mả hai thôn Văn Quật, Thi Thai chống đỡ yếu ớt và gọi phi pháo chi viện. Đến 9 giờ 30, ta đã tiêu diệt và bắt sống gần 50% quân số của liên đội này. Do bị đánh bất ngờ nên phi pháo của địch chi viện chậm, tiểu đoàn thu dọn chiến trường và tổ chức chiến đấu tiếp. Đến 10 giờ 30, Đại đội 1 và 2 được lệnh vừa tổ chức lực lượng bao vây vừa tiến công 2 đại đội còn lại của địch. Lúc này, máy bay từ Đà Nẵng và các trận địa pháo của địch gần khu vực bắn dồn dập vào chung quanh trận địa, nhưng do cự ly chiến đấu giữa ta và địch gần như áp sát nên bộ đội ít bị thương vong.

Từ 11 giờ 30 đến 15 giờ 30, các đại đội tiếp tục tấn công diệt toàn bộ quân địch còn co cụm, làm chủ toàn bộ trận địa.

Kết quả trận đánh, ta đã làm thiệt hại nặng liên đội biệt kích bảo an và tổng đoàn dân vệ gồm 2 đại đội biệt kích Tây Hồ, 1 đại đội bảo an và 8 trung đội, tiêu diệt và làm bị thương 250 tên, bắt sống hơn 100 tên, thu 350 khẩu súng các loại, 6 máy PRC 10, 5.000 viên đạn các loại, bắn bị thương 1 trực thăng vũ trang.

50 năm trôi qua nhưng chiến thắng giòn giã của trận đầu ra quân vẫn vang vọng mãi, là niềm tự hào của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn cho đến hôm nay. Thắng lợi của trận Văn Quật là tiền đề cho các trận đánh xuất sắc của đơn vị trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ như: trận Gò Hà, Xuân Diệm, Kiểm Bền, Bầu Hưng, cầu Ông Nở, Cây Da Lý, Xuân Mậu Thân, Non Nước, Đức Dục, Đá Đen và nhiều trận khác, làm nức lòng nhân dân và LLVT Quảng Nam- Đà Nẵng với câu ca “Lấy xác Mỹ xây cầu Ông Nở - cho Long An nối lại Phú Bình”. Truyền thống ấy tiếp tục được lớp lớp cán bộ, chiến sĩ hôm nay học tập và phát huy trong xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh toàn diện, xứng đáng là tiểu đoàn cơ động chủ lực của LLVT thành phố trong thời kỳ mới.

CÁT TƯỜNG

;
.
.
.
.
.