Thời gian qua, Đà Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động và ban hành kế hoạch trợ giúp người khuyết tật nhằm giúp họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, để chính sách đi vào cuộc sống thì còn nhiều vấn đề cần bàn.
Đào tạo nghề cho người khuyết tật tại Đà Nẵng. |
Phải cụ thể hóa mới hiệu quả
Ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, cho biết trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 152.000 người khuyết tật, trong đó có hơn 16.000 người có mức độ khuyết tật từ trung bình trở lên. Hiện nay, hầu hết đời sống hộ gia đình người khuyết tật đều khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, cần sự trợ giúp rất lớn của xã hội và cộng đồng.
“Thành phố đã hỗ trợ hàng ngàn người khuyết tật được vay vốn, học nghề và tìm việc làm. Đặc biệt, với hình thức đào tạo “cầm tay chỉ việc”, từ nguồn dự án “chương trình toàn diện và tích hợp trợ giúp người khuyết tật” do USAID tài trợ, chúng tôi đã hỗ trợ 125 người được học nghề theo hình thức nghề kèm nghề, với kinh phí gần 1 tỷ đồng”, ông Hiệp nói.
Trong kế hoạch trợ giúp người khuyết tật thành phố giai đoạn 2016-2020, Đà Nẵng đặt mục tiêu 100% hộ gia đình người khuyết tật thuộc diện nghèo đang ở nhà tạm được hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết. Từ 80-100 hộ gia đình có người khuyết tật đang ở nhà cấp 4 xuống cấp hư hỏng nặng được hỗ trợ sửa chữa.
Trường hợp chưa có nhà ở, đang ở nhà thuê, thật sự bức xúc về chỗ ở được ưu tiên xem xét cho thuê nhà chung cư. Hằng năm, mỗi phường, xã mở 30 ca đưa vào diện quản lý trường hợp đối với người khuyết tật, hỗ trợ từ 80-100 người có đủ sức khỏe, có nhu cầu học nghề được tư vấn, hỗ trợ học nghề miễn phí.
Đồng thời, mỗi năm có khoảng 100 người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ phương tiện sinh kế phù hợp để tự tạo việc làm; 100% hộ gia đình người khuyết tật diện nghèo, cận nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi tạo việc làm, v.v...
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Đà Nẵng, kế hoạch đặt ra nhiều mục tiêu có ý nghĩa nhân văn, nhưng phải đi vào thực tiễn. “Phải giao cụ thể từng nhiệm vụ cho ai làm và làm thế nào. Phải cụ thể hóa mới có hiệu quả”, ông Long nói.
Theo ông Long, người khuyết tật cần nhiều thứ nhưng cần nhất là được hỗ trợ học nghề và tạo việc làm để nuôi sống bản thân. Về vấn đề học nghề, ông Long cho rằng, phải dạy cho họ những nghề đơn giản, phù hợp với từng dạng tật. “Hiện nay, nghề nhang và kết cườm giúp nhiều người khuyết tật “sống khỏe” bởi hàng bán chạy cho thu nhập ổn định”, ông Long cho biết.
Hệ thống giao thông còn hạn chế
Về vấn đề đi lại, anh Dương Minh Trung (33 tuổi, ở quận Hải Châu), bị khuyết tật ở chân thổ lộ: “Mình phải di chuyển bằng xe lăn nên mỗi khi đi đến các nơi công cộng có bậc cao thì gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn, hệ thống xe buýt hay nhà hát hoặc các nhà hàng, khách sạn đều không có đường riêng dành cho xe lăn hoặc thang đi lên”.
Ông Trương Công Nghiêm, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố, cho biết hiện nay rất nhiều người khuyết tật cần sự hỗ trợ để có thể tham gia đầy đủ các dịch vụ xã hội. Đồng thời, hệ thống giao thông chưa tạo điều kiện để người khuyết tật dễ dàng đi lại.
“Việc đi lại khó khăn khiến người khuyết tật “ngại” ra ngoài giao tiếp với xã hội và khó sử dụng các dịch vụ công cộng. Vì vậy, trong quy hoạch cơ sở hạ tầng, cần thiết kế thêm công trình cho người khuyết tật, nhất là khuyết tật vận động”, ông Nghiêm nói, đồng thời cho rằng có như vậy thì mới hoàn thành các tiêu chí trong kế hoạch trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2016-2020 do thành phố đề ra.
Tuy nhiên, một thực tế hiện nay, không ít người khuyết tật chỉ nép mình sau cánh cửa, ít giao tiếp với bên ngoài nên địa phương rất khó hoặc chưa nắm bắt hết để giúp họ kịp thời. Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Đoàn Ngọc Sơn cho rằng, nếu Nhà nước có chính sách tốt mà người khuyết tật tự ti, không chịu tham gia thì chính sách ấy chưa phát huy được hiệu quả. Bởi vậy, địa phương phải thuyết phục, động viên để họ vượt qua mặc cảm và hòa nhập cộng đồng.
Bài và ảnh: KIM NGÂN