Truy được chính xác xuất xứ hàng hóa hiện vẫn là khâu khó nhất trong kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Ngay cả tại chợ Đầu mối Hòa Cường, nơi tập trung bán buôn nông sản lớn nhất Đà Nẵng, cơ quan chức năng cũng gần như bị “đứt gốc” khi chỉ mới chạm tới thực phẩm ở phần lưu thông, tiêu thụ.
Viện Pasteur Nha Trang lấy mẫu su lơ xanh ngẫu nhiên tại chợ Đầu mối Hòa Cường. |
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế nhằm bảo đảm mục tiêu tăng 10% hoạt động thanh tra và giảm 10% vụ ngộ độc thực phẩm trên toàn quốc trong dịp Tết Bính Thân và Lễ hội mùa xuân 2016, từ ngày 12 đến 13-1, đoàn thanh tra liên ngành Trung ương gồm: Cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), Viện Pasteur Nha Trang và Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an), do ông Đinh Thành Phương - Giám đốc Trung tâm Chất lượng nông- lâm-thủy sản vùng 2 làm trưởng đoàn đã có đợt thanh tra an toàn thực phẩm (ATTP) tại thành phố Đà Nẵng.
Trong đó, chợ Đầu mối Hòa Cường là một trong những địa điểm được đặc biệt quan tâm vì hầu hết mặt hàng rau củ quả, trái cây tại các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn thành phố đều có “xuất xứ” từ nơi này.
Lập lờ nguồn gốc
Chợ Đầu mối Hòa Cường đang bước vào thời điểm hoạt động tấp nập nhất trong năm khi nhu cầu thờ cúng, tất niên, sinh hoạt ăn uống tăng lên đột biến dịp trước và trong Tết. Ngay từ 1 giờ, dòng xe tải đổ về giao hàng lấp kín lòng, lề đường tất cả 4 mặt chợ.
Ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng Ban quản lý chợ Đầu mối Hòa Cường cho biết, đây cũng là một trong những khó khăn trong kiểm soát nguồn hàng, vì chợ không có lối vào, lối ra cụ thể, hàng từ các nơi cứ thế vào chợ mà không qua cổng kiểm tra nào. Nguồn hàng cũng do tiểu thương chủ động tìm kiếm, thu mua.
Hiện chợ Đầu mối có 431 hộ kinh doanh và khoảng 800 hàng rong. Bình quân mỗi ngày đêm có từ 310 - 330 tấn rau củ quả, trái cây vào chợ, trong đó trái cây chiếm hơn một nửa với khoảng 170 tấn/đêm.
Những ngày gần rằm, mùng 1 âm lịch hằng tháng, lượng trái cây về chợ có thể tăng gấp 3 lần. Đặc biệt, trong dịp cận Tết, chưa kể rau củ quả, chỉ tính riêng mặt hàng trái cây đã lên đến 1.000 tấn mỗi ngày.
Theo quan sát, hàng về chợ không còn nguyên đai, nguyên kiện với đầy đủ thông tin nguồn gốc, mà đã được phân lẻ ra sọt, thùng hoặc các bao lớn, nhỏ. Trước khi đến chợ, hàng đã qua các khâu mua bán trung gian nên càng xa nguồn gốc. Để biết được thực phẩm trồng từ đâu hoặc ít nhất là mua lại từ cơ sở nào, chỉ có thể dựa vào… niềm tin với chủ hộ kinh doanh.
Điều đáng nói, khi dư luận luôn phản ánh đụng đâu cũng thấy “hàng Tàu”, thì hầu hết các hộ kinh doanh tại đây đều cho biết rau củ quả, trái cây đều có xuất xứ trong nước như Hà Nội, Hải Dương, Đà Lạt, v.v…, xa nhất là… Thái Lan; hiếm có người thừa nhận hàng của mình nhập từ Trung Quốc.
Khi cán bộ Viện Pasteur Nha Trang chọn ngẫu nhiên một quầy bán quýt để mua 3kg làm mẫu kiểm nghiệm vào rạng sáng 13-1, do trên thùng không có bất kỳ thông tin nào nên cán bộ kiểm nghiệm phải thực hiện “phỏng vấn ngắn” người bán.
Kết quả là, trong khi người trực tiếp bán quýt khẳng định “đây là quýt Thái”, thì người bỏ hàng cho chủ hộ này (cũng có quầy hàng sỉ cách đó không xa) thừa nhận “đó là quýt Trung Quốc”!
Ông Thông Anh cho hay, không có cổng ra vào một chiều, không hoàn toàn là lý do khiến vấn đề ATTP ngoài vòng kiểm soát. Bởi Ban quản lý Chợ đã thực hiện việc hỗ trợ kiến thức ATTP cho 70 hộ và tiến tới 100% hộ bắt buộc phải có giấy xác nhận kiến thức ATTP.
Chợ còn yêu cầu các hộ kinh doanh mở sổ sách lưu nguồn hàng. Bên cạnh đó, chợ Đầu mối cũng vừa có một trạm kiểm soát test nhanh thực phẩm được lập từ năm 2015. Tuy vậy, những nỗ lực của cơ quan chức năng thành phố chỉ mới quanh quẩn kiểm soát phần ngọn, trong khi chất lượng từ nông trại, giống, thuốc, điều kiện vận chuyển để có được thực phẩm đó đến chợ thì chưa quản nổi.
Nỗi oan hàng thật
Hàng hóa thật giả lẫn lộn trên thị trường nên niềm tin đối với hàng thật gần như ngày càng giảm. Thế nên, khi Ban quản lý chợ Đầu mối Hòa Cường đưa ra con số thống kê 94% thực phẩm về chợ là hàng trong nước, chỉ có khoảng 6% hàng ngoại nhập từ 3 quốc gia gồm: Lào (nhãn, măng cụt), Thái Lan (nhãn, bòn bon, măng cụt) và Trung Quốc (nho, táo, lựu, lê, quýt) thì nhiều người có thể sẽ hoài nghi con số khá lý tưởng này.
Vừa qua, khi Trạm giám sát và test nhanh của chợ tiến hành lấy hơn 900 mẫu kiểm tra và kết quả trên 90% mẫu thử đạt tính an toàn, thì chính những người làm công tác giám sát cũng chưa thật sự yên tâm, bởi so với lượng hàng về chợ, vài trăm mẫu như trên chưa phản ánh được tình hình chung.
Ngay cả những người buôn bán gắn bó hàng chục năm với một mặt hàng cụ thể cũng thừa nhận rất khó nhận dạng nguồn gốc chính xác của hàng hóa. Một chủ hộ bán sỉ súp lơ xanh tại chợ Đầu mối cho biết, chị bán hàng Đà Lạt nhiều năm nay, nhưng nếu có súp lơ xanh Trung Quốc xen vào thì rất khó nhận ra đâu là súp lơ xanh Đà Lạt thật, đâu là hàng giả khi hình thức quá giống nhau.
Chỉ có 2 dấu hiệu nhận biết nhưng phải… mất nhiều ngày đợi lá héo chuyển màu mới thấy sự khác nhau, hoặc nấu lên ăn mới cảm nhận sự khác biệt về hương vị.
Có một câu chuyện thật như đùa rằng cách đây không lâu, cam Hàm Yên Tuyên Quang về chợ Đầu mối đã gặp phải sự nghi ngờ từ chính các tiểu thương bán cam, bởi quả “quá mướt, màu vàng quá đẹp”. Giải thích không xong, người từ tận Tuyên Quang phải về Đà Nẵng quảng bá đặc sản quê hương họ thì tiểu thương mới tin đó là cam Việt Nam chính hiệu.
Hiện nay, ngành NN&PTNT thành phố đang xây dựng đề án giám sát rau củ quả liên tỉnh. Đây được xem là hành động tiến gần hơn đến gốc của thực phẩm trong chuỗi kiểm tra, kiểm soát; đồng thời giảm bớt gánh nặng loay hoay của các ban quản lý chợ. Còn việc làm sao để nhận diện được hàng thật trước sự hỗn độn của hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc thì vẫn là vấn đề nan giải.
Không để xảy ra ngộ độc thực phẩm Mục tiêu của thành phố Đà Nẵng là không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân và mùa lễ hội 2016. Ngoài đoàn thanh tra Trung ương, Đà Nẵng còn lập các đoàn thanh tra từ tuyến thành phố đến phường, xã, tập trung vào nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong năm và thực phẩm có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm. Thời gian thanh tra kéo dài từ nay đến hết ngày 6-2-2016. Năm 2015, toàn thành phố có 1 vụ ngộ độc với 9 người mắc, không có tử vong. Nguyên nhân nghi bị nhiễm sinh vật trong thức ăn tại nhà hàng. |
Quản lý an toàn thực phẩm đang bị phân khúc Phát biểu tại Hội nghị tổng kết an toàn thực phẩm (ATTP) thành phố Đà Nẵng năm 2015 vào chiều 13-1, ông Thái Văn Quang, Trưởng phòng Quản lý Kỹ thuật, Sở NN&PTNT cho rằng, ATTP phải quản lý theo chuỗi, nhưng hiện nay lại bị phân khúc. ATTP không chỉ bị phân theo 3 ngành khác nhau mà trong từng ngành cũng bị phân khúc theo gốc và ngọn. Trong đó, “ngọn” là cái đang làm, còn “gốc” thì chưa. Có thể khẳng định gần như tuyệt đối hàng nông sản từ 9 tỉnh, thành phố về chợ Đầu mối đều không thể kiểm soát xuất xứ hàng hóa, vì thành phố hiện chưa thực hiện giám sát liên kết tỉnh, chợ cũng chưa có một hệ thống cụ thể quy định kê khai báo cáo ATTP. Người bán muốn tiết lộ hoặc muốn giấu nguồn hàng cũng không bị xử lý. Hiện nay, quy mô chợ Đầu mối đã quá tải, không đáp ứng về mặt bằng. Sở NN&PTNT đề nghị các ngành chức năng thành phố nghiên cứu, đầu tư phát triển chợ Đầu mối bảo đảm các tiêu chuẩn về điều kiện vệ sinh thực phẩm. |
Bài và ảnh: THU HOA