.

Chiều của mẹ Thúy

.

Lặng lẽ thắp nén hương thơm, mẹ Thúy lụi cụi cắm lên bàn thờ, chậm rãi lau hai bức di ảnh của chồng và con trai bằng đôi tay chai sần. Mẹ xuống bếp đơm mâm cơm, ít trái cây, bình hoa cúc, chuẩn bị cho lễ cúng tất niên rồi thong thả quệt vôi, têm trầu, bỏm bẻm nhai, ánh mắt nhìn về phía thượng nguồn, như chờ ai đó sẽ về cùng hơi ấm chiều xuân…

Mẹ Việt Nam anh hùng Phùng Thị Thúy kể chuyện xưa cho cán bộ địa phương nghe trong căn nhà vừa được hỗ trợ sửa chữa khang trang.
Mẹ Việt Nam anh hùng Phùng Thị Thúy kể chuyện xưa cho cán bộ địa phương nghe trong căn nhà vừa được hỗ trợ sửa chữa khang trang.

Chầm chậm lau đôi mắt mờ đục, mẹ Phùng Thị Thúy (81 tuổi, ở tổ 20, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) kể chuyện xưa, chuyện nay. Điều mẹ vui nhất là không còn phải lo lắng mỗi khi có mưa to, gió lớn.

Chỉ mới năm ngoái thôi, hễ trời mưa, một mình mẹ lụi cụi bày nào xô, chậu, thùng… hứng nước từ mái tôn dột chảy khắp nhà. Ngày nắng, nằm trong phòng cũng thấy những giọt nắng to như trứng gà, trứng vịt rọi trên tường, dưới đất.

Ngừng nhai trầu, mẹ cười móm mém bảo, cũng may vẫn còn khỏe, tự lo được cho mình. Cô con gái nhà ở sát vách nhưng suốt ngày đi làm phụ hồ, một mình lo toan nuôi 3 con nhỏ. Căn nhà tình nghĩa được xây đã hơn 15 năm, gắn bó với mẹ nhiều kỷ niệm nhưng nay đã xuống cấp, hư hỏng.

Ba người con của mẹ cũng bảo ừ thì mỗi người góp một ít tiền thay mái tôn cho nhà mẹ đỡ dột nhưng mẹ cứ gạt đi bảo không sao, một mình mẹ ở thế là được. Rồi gần 6 triệu đồng tiền chế độ, mẹ lại dành dụm cho đứa cháu này một ít, đứa cháu kia một ít để mua sách vở, quần áo… bởi “ba mẹ tụi nó khó khăn quá”.

Chỗ lành lặn, khô ráo duy nhất trong nhà, mẹ dành để đặt bàn thờ chồng và con trai trên chiếc tủ gỗ cũ kỹ. Một mình loay hoay với những vất vả, lo toan: “Mẹ khổ nhiều nên quen rồi, bây giờ khổ có thấm thía chi với ngày xưa đâu con!”.

Dù mắt mờ đục, tai không còn nghe rõ nhưng cái ngày xưa ấy đối với mẹ vẫn như mới đây thôi. Cô Thúy ngày ấy nổi tiếng xinh xắn trong vùng, mới 14 tuổi đã lên đường theo cách mạng. Sự dũng cảm, gan góc của người con gái nhỏ nhắn, xinh xắn đã khiến anh Bí thư xã Hòa Phụng (cũ) Hồ Thăng Phúc thương mến.

Sau đó, một đám cưới bí mật, đơn sơ đã được tổ chức. Sau những ngày hạnh phúc ngắn ngủi, chồng hoạt động bí mật, khi lên rừng, khi về vùng tề ngụy, cô Thúy bụng mang dạ chửa vẫn một mình băng đồng, lội sông chuyển công văn, thư từ cho cách mạng. Lần lượt 4 đứa con ra đời, một mình mẹ nuôi nấng, chăm sóc, thuốc thang cho con khi đau ốm để chồng yên tâm hoạt động cách mạng.

Sau 3 tháng biền biệt tin chồng, trong lòng mẹ vẫn đinh ninh chồng đi công tác bí mật như lời của những người đồng đội. Và sau đó, tin báo tử ông hy sinh khi đang làm nhiệm vụ dưới hầm công sự do bị trúng bom. Nhiều đêm liền thức trắng ôm đứa con gái mới tròn 7 tháng tuổi vào lòng, nước mắt mẹ ướt đẫm gối. Rồi mẹ đi tìm mộ chồng được chôn vội trên một ngọn đồi để đưa hài cốt ông về gần.

Người con trai thứ ba Hồ Thăng Cư khi đó mới 13 tuổi gạt nước mắt nói với mẹ: “Con đi trả thù cho cha, cho đất nước, mẹ ở lại giữ gìn sức khỏe”. Và mùa đông năm sau, mẹ lại nhận được tin báo tử của đứa con trai mà mẹ yêu quý nhất. Nước mắt mẹ đã lặn vào trong. Nỗi đau cũng đã lặn vào trong. Mẹ lại gồng mình lên trước những đòn thù của quân giặc để bảo vệ các con. Giặc bắt, đánh rồi tra hỏi nhưng không khai thác được gì, chán rồi cũng thả.

Mẹ bảo, ngày đó, giặc ném bom dữ lắm. Cá bị bom chết nổi đầy sông. Chiếc vại nước trước nhà cũng vỡ không biết bao lần. Vại vỡ rồi, mẹ lại lọ mọ ra nhặt mảnh vỡ lớn múc nước mang xuống hầm cho các con uống. Ấy vậy mà kỳ lạ thay, cây mít mà chồng của mẹ trồng ở trước nhà vẫn sừng sững, vững chãi như không hề run sợ trước bom đạn.

Hòa bình, mẹ lại tất tả với 3 sào ruộng nuôi các con khôn lớn thành người. Anh Nguyễn Tri Đương (53 tuổi), cán bộ phụ trách công tác LĐ-TB&XH quận Ngũ Hành Sơn cho biết, sau này, quận và phường nhiều lần cùng cô con gái là Hồ Thị Quýt lục hết mấy chiếc rương, hòm cũ, tìm giấy tờ để làm chế độ chính sách. Nhưng mẹ gạt đi, bảo: “Chồng, con không còn nữa, với lại hồi đó chiến tranh, giặc giã, giữ mấy giấy tờ để làm gì”.

Thấy nhà mẹ xuống cấp, địa phương cũng khảo sát nhiều lần để đề nghị sửa chữa nhưng mẹ cứ bảo: “Mẹ khó nhưng nhiều người còn khó hơn”. Năm nay, căn nhà đã xuống cấp nặng, địa phương hỗ trợ 60 triệu đồng giúp mẹ sửa lại nhà, các con cũng góp thêm 10 triệu đồng. Vậy là Tết này, mẹ được đón giao thừa trong nhà mới, không phải lo lắng chuyện gió mưa. Mẹ dành toàn bộ căn gác lửng làm nơi đặt bàn thờ chồng và con trai.

“Thành phố tặng mẹ chiếc ti-vi mới nữa. Có ti-vi rồi mẹ coi chương trình thời sự để nắm bắt chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, để thấy thành phố mình đổi thay từng ngày, không phải qua hàng xóm xem nhờ nữa”, mẹ Thúy vui vẻ nói.

Chia tay mẹ, thấy chúng tôi nấn ná, mẹ bảo: “Chiều muộn rồi, các con về đi, mẹ không cô đơn đâu, lát nữa các bác, các chị trong tổ lại đến chơi. Với lại, năm nay vui lắm, mẹ thắp hương khấn đón chồng, con về ăn Tết cùng mẹ trong nhà mới”.

Ngoài kia, lúa đã lên xanh trên cánh đồng; mùi bánh chưng, bánh tét thơm nức ngõ xóm. Len trong gió, xuân ấm đã về trong lao xao gợn sóng sông Hàn. Như ngọn núi Ngũ Hành Sơn vững vàng qua năm tháng, những Bà mẹ Việt Nam anh hùng luôn là điểm tựa, là hơi ấm, là niềm tin cho lớp lớp cháu con.

Năm 2015, Đà Nẵng đi đầu so với nhiều địa phương khác trong việc hoàn thành hỗ trợ sửa chữa và xây mới 1.189 nhà cho đối tượng chính sách (trong đó hỗ trợ xây mới 202 nhà, sửa chữa 987 nhà) với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 32 tỷ đồng.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.