Chính trị - Xã hội

Chuyện tổ, chuyện thôn

Tiệc tất niên tiết kiệm

08:15, 27/01/2016 (GMT+7)

Hôm mừng 40 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng (29-3-2015), được thành phố cho tiền, các tổ dân phố tổ chức liên hoan tưng bừng, đặc biệt là mọi người trong tổ đều tham dự đông đủ. Chẳng như mọi năm gặp mặt tất niên xóm tôi lúc nào cũng có nhiều người vắng mặt.

Những người bận không đến được đã đành, còn những người không bận thì lại không đến. Lý do đơn giản là những hộ nghèo thấy mặc cảm vì không có tiền đóng góp hoặc đóng ít mặc dù tổ trưởng và mọi người trong tổ đều thống nhất ai có bao nhiêu thì đóng bấy nhiêu.

Để mọi người khỏi mặc cảm và tham dự đông đủ, nhân dịp gặp mặt hôm liên hoan mừng ngày giải phóng, cả tổ tôi thống nhất mỗi tháng thu 20.000 đồng và sau 10 tháng sẽ thu mỗi gia đình tổng cộng 200.000 đồng.

Anh Q. xung phong đi thu từng hộ vào đầu mỗi tháng và dự định cuối năm sẽ thuê dàn âm thanh về đàn hát xôm tụ như những tổ khác trong phường. Tuy nhiên, vẫn có người không đồng tình vì cho rằng làm như vậy sẽ ồn ào, tốn kém, nhất là mấy bác hưu trí phản đối thẳng.

Xóm toàn hộ nghèo, chủ yếu là lao động phổ thông, buôn bán nên chủ trương đưa ra là càng tiết kiệm càng tốt. Đặc biệt, những ngày cận Tết, hầu hết các chị trẻ trong tổ đều bận lo làm ăn. Chỉ còn lại tổ trưởng và mấy bác hưu trí già thường xuyên đau yếu nên năm nay tổ trưởng đề nghị xin thôi khoản nấu nướng và thuê người về làm cho đỡ vất vả.

Không chỉ khỏi đi chợ, suy nghĩ đau đầu về việc chọn món ăn mà các bác còn đỡ luôn cả khâu rửa chén bát, quét dọn, sắp xếp bàn ghế. Tuy nhiên, cái khoản đặt suất ăn phải được tổ bàn thảo kỹ lưỡng vì nếu không đến dự đông đủ thì sẽ dư thừa nhưng nếu đặt thiếu suất sẽ làm mất lòng bà con lối xóm.

Sau khi thảo luận sôi nổi, mọi người thống nhất đặt mỗi suất ăn 100.000 đồng, chưa tính tiền nước uống và quy định mỗi hộ chỉ đi một người đại diện dù đóng nhiều hay ít. Tổ có 30 hộ và mời thêm 5 khách, vị chi hết 3,5 triệu đồng. Bác tổ trưởng cho biết, ngoài khoản đóng góp liên hoan của bà con, tiền quỹ tổ còn dư hơn 4 triệu đồng và có thể chi cho nước uống nếu thiếu.

Tuy nhiên, một số bác cho rằng, miếng ăn không quan trọng. Có bác còn ví von “ngày xưa đám cưới chỉ có bánh kẹo và nước trà mà người ta cũng hạnh phúc đấy thôi”. Điều quan trọng là phải có thêm phần cúng tất niên cho đủ lễ. Còn số tiền quỹ của tổ nên để dành thăm bà con chòm xóm lúc ốm đau, đám tang, sinh nở...

Về khoản sử dụng tiền quỹ tổ cho liên hoan sao cho tiết kiệm coi như đã được thống nhất. Nhưng để dọn ít nhất 4 bàn cho 35 người thì cần có sân ở khu vực thuận tiện. Một lần nữa các ý kiến được đưa ra là chọn nhà bác P. vì có sân rộng nằm ngay ở trung tâm xóm, tổ tiết kiệm thêm một khoản tiền thuê địa điểm tổ chức. Mặt khác, năm nay, thành phố không cho đấu nối dây điện trang trí kiệt hẻm vào đường dây điện thành phố nên cái khoản bắt đèn led bị cắt…

Cuộc họp kết thúc, hầu hết mọi người dân trong tổ đều vui mừng, nhất là các hộ nghèo vì họ không phải đóng thêm tiền mua dây điện, đèn led, cờ bướm, lại không mất thời gian ra đường giăng dây trang hoàng vất vả như mọi năm.

Hơn nữa, vì đặt người nấu đến phục vụ nên buộc mọi người phải tham dự đúng giờ. Đặc biệt, riêng việc cắt giảm khoản thuê âm thanh hát hò cũng đỡ tốn ít nhất từ 1,5 - 2 triệu đồng. Một tiệc tất niên đơn giản, gọn nhẹ, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bà con lối xóm vẫn là cái tất niên đầy ý nghĩa và ấm cúng, nhất là trong lúc toàn thành phố đang thực hiện Chỉ thị 43-CT/TU của Thành ủy về “Năm văn hóa, văn minh đô thị” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

GIA HUY

.