.

Đấu tranh, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển

* Tàu bay Trung Quốc uy hiếp an toàn hoạt động bay trong khu vực

Ngày 8-1, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị tổng kết công tác biên phòng năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016. Đến dự có Thiếu tướng Nguyễn Tiến Thắng, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tư lệnh BĐBP; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh.

Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2015, Trung Quốc thường duy trì các loại tàu quân sự, tàu chấp pháp, máy bay tuần tra xua đuổi, bắt giữ tàu cá, cản trở các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, hoạt động thăm dò dầu khí trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam; đơn phương cấm đánh bắt hải sản trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đặc biệt, số lượng lớn tàu cá Trung Quốc thường xuyên xâm phạm chủ quyền đánh bắt hải sản kèm theo đó là các tàu trinh sát giả dạng tàu cá vào sâu trong lãnh hải trinh sát, nắm tình hình.

Qua công tác nắm tình hình, BĐBP đã phát hiện 264 lượt tàu thuyền Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển. Trong đó có 207 lượt tàu cá xâm phạm chủ quyền đánh bắt hải sản ở khu vực đông bắc quận Sơn Trà 45-50 hải lý, 1 tàu Trung Quốc vào sâu trong vùng nội thủy Việt Nam; 57 lượt tàu chấp pháp của Trung Quốc hoạt động trinh sát tại các lô dầu khí 116, 114, 145 thuộc chủ quyền vùng biển  Việt Nam; 4 trường hợp tàu quân sự, tàu chấp pháp xua đuổi tàu cá của Đà Nẵng, Quảng Ngãi khi hoạt động khai thác hải sản tại khu vực Hoàng Sa.

Trước tình hình đó, BĐBP thành phố đã xây dựng các kế hoạch, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ, làm tốt công tác tham mưu cho các cấp có thẩm quyền xử lý có hiệu quả các hoạt động xâm phạm chủ quyền, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới; kịp thời tham mưu các cấp xử lý tốt tình hình trên biển, không để xảy ra bị động, bất ngờ. Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, BĐBP thành phố đã bắt giữ, xử lý 121 vụ/210 đối tượng…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh phát biểu đánh giá cao việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng BĐBP; đồng thời nhấn mạnh, BĐBP là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo; vì vậy cần tiếp tục đẩy mạnh công tác nắm tình hình, đề xuất xử lý tình hình trên biển; phối hợp với các lực lượng, các ngành triển khai đồng bộ các biện pháp hỗ trợ ngư dân bám biển, kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền biển, đảo.

Chú trọng đấu tranh các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, vận dụng linh hoạt, đúng đắn các quy định của pháp luật, các biện pháp nghiệp vụ vào nhiệm vụ của mình. Phối hợp với các lực lượng quản lý chặt chẽ hoạt động của người nước ngoài tại khu vực biên giới biển nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về an ninh trật tự…

Với những thành tích nổi bật trong năm 2015, BĐBP thành phố được Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua Quyết thắng. Bộ Tư lệnh BĐBP tặng danh hiệu Thi đua Quyết thắng cho 5 tập thể; công nhận Chiến sĩ thi đua cơ sở cho 6 cá nhân; UBND thành phố tặng Cờ thi đua cho 2 tập thể, tặng Bằng khen cho 5 tập thể, 8 cá nhân. (NGỌC PHÚ)

* Cục Hàng không Việt Nam vừa chính thức có văn bản gửi Văn phòng Tổ chức hàng không dân dụng thế giới (ICAO) khu vực châu Á-Thái Bình Dương thông báo việc một số tàu bay hoạt động trong vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh nhưng không liên lạc với cơ quan không lưu phụ trách theo quy định quốc tế về an toàn bay.

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, từ ngày 1 đến 6-1-2016, một số tàu bay không được xác định hoạt động trong Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh cắt ngang các đường hàng không L625, N892 (mực bay từ FL135 đến FL460), M771 (mực bay từ FL250 đến FL460), từ điểm báo cáo DONA đến ALDAS. Theo lưu trữ radar của Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh, các tàu bay này hoạt động từ mực bay FL180 đến FL265, cao hơn mực bay tối thiểu của các đường hàng không nêu trên nhưng không nộp kế hoạch bay cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan của Việt Nam và không thiết lập liên lạc thoại với Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh.

Liên quan tới hoạt động an toàn bay, từ ngày 28-12-2015 đến nay, các cơ quan quản lý bay của Việt Nam không hề nhận được bất kỳ thông báo bay nào của phía Trung Quốc liên quan đến hoạt động bay của các tàu bay bay trái phép đến Đá Chữ Thập của Việt Nam.

“Hoạt động của các tàu bay Trung Quốc nêu trên đã vi phạm các quy định của ICAO trong Phụ lục 2, Mục 3.3, Phụ lục 11, Mục 2.6, Phụ đính 4; Tập Thông báo tin tức hàng không, Phần ENR, Mục 1.4 của Việt Nam (AIP Vietnam ENR); ảnh hưởng nghiêm trọng và uy hiếp an toàn đến các hoạt động bay trong khu vực”, ông Lại Xuân Thanh khẳng định.

Liên quan tới hoạt động bay của các tàu bay bay qua Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh do Việt Nam quản lý đáp xuống Đá Chữ Thập (Trường Sa của Việt Nam), ngày 7-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã tuyên bố phản đối Trung Quốc đáp máy bay xuống sân bay xây dựng trái phép trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh một lần nữa, Việt Nam mạnh mẽ phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc. Đây là hành động xâm phạm một cách nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

“Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động tương tự, không có thêm những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, không có những hành động làm mở rộng và phức tạp hơn tranh chấp. Việt Nam khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế”, ông Lê Hải Bình khẳng định.

Đường băng trên Đá Chữ Thập (Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử) dài 3.000m, là một trong ba đường băng Trung Quốc đã tiến hành xây dựng bất hợp pháp từ năm 2014 sau hoạt động bồi đắp trái phép các đảo đá và rạn san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

TTXVN

;
.
.
.
.
.