Chính trị - Xã hội
Đừng lãng phí dịp Tết
Cứ đến Tết, nhà nhà lại sắm sửa nào là bánh kẹo, thịt, dưa, hành... Hộ nào khá giả một tý thì sắm nhiều đã đành, hộ chẳng dư dả gì cũng ráng mua sắm “cho bằng bạn bằng bè”.
Ăn uống vừa phải để tiết kiệm là nét đẹp trong văn hóa người Việt. |
Sắm ít... thấy khó coi
Tết năm nào, chị Nguyễn Thị Hà (33 tuổi, ở quận Hải Châu), cán bộ một ngân hàng trên địa bàn thành phố cũng phải nén thật chặt chiếc tủ lạnh loại lớn bằng vô số thức ăn. Nào là thịt bò, thịt gà, thịt vịt và rau củ quả các loại. Đó là chưa kể 6 cái bánh chưng to đùng và 3 khoanh giò bự bên nội, bên ngoại gói mang sang cho hai vợ chồng.
Trong khi Tết nào hai vợ chồng chị và đứa con gái nhỏ mới 3 tuổi cũng suốt ngày rong ruổi trên đường. Hết qua nhà nội lại đến nhà ngoại và thăm bạn bè, đồng nghiệp hai bên cơ quan. Đến nơi nào cũng bánh, cũng thịt và bia nên hầu như chẳng có mặt ở nhà để “thưởng thức” thức ăn mà chị Hà mua.
“Khổ vậy đó, bánh và thịt cũng còn ê hề vì chẳng ai ăn nhưng mua ít thì thấy khó coi lắm. Ông xã lại bảo mình tiết kiệm quá, mỗi năm có một dịp Tết mà chẳng dám mua cái gì. Mà mua rồi thì năm nào cũng đổ bỏ hết” - chị Hà phân trần.
Dù kinh tế chỉ đủ ăn với đồng lương cán bộ, công chức Nhà nước nhưng chị Nguyễn Thị Trâm (35 tuổi, ở quận Sơn Trà) cũng cẩn thận mua về đủ thứ thực phẩm nào gà quay, nem rán làm sẵn, 5 con cá thu to... Chưa kể chị còn làm thêm nồi chân giò hầm măng nấu theo kiểu bắc và 3 ký thịt heo rim mắm. Còn bánh chưng thì chị đã đặt hàng xóm gói sẵn 15 chiếc loại lớn và 2 đòn bánh tét.
“Tết đến chỉ mong có bạn bè đến để ăn cùng, chứ hai vợ chồng ăn không hết, bỏ phí lắm” - Chị Trâm thổ lộ. Chị cho biết, năm ngoái chị đã phải đổ đi cả 1kg giò và 3 cái bánh chưng còn nguyên do bị ôi thiu. Chị Trâm bảo đổ nhiều quá cũng ngại nên nhét thật kỹ dưới đáy thùng rác bên cạnh những phế liệu khác.
Còn với gia đình anh Lê Quang Hưng (ở quận Thanh Khê), kỹ sư xây dựng thì sau Tết là nhà anh đổ bỏ không chỉ khá nhiều thức ăn mà còn vứt luôn cả chậu mai, đào, hoa hồng khá đẹp. “Mình thì thích hoa mai, đào còn bà xã thì thích hồng, thược dược nên phải mua cho đủ bộ. Chưng được mấy ngày Tết là quăng hết vào sọt rác vì mình đi làm các công trình nên rất bận, bà xã thì lo hai đứa con cũng đủ mệt, thời gian đâu mà chăm cây cảnh. Nói vậy chứ riêng tiền hoa cũng mất đứt hơn triệu bạc mà bỏ đi hết cũng phí” - anh Hưng thở dài nói.
Lãng phí
Năm nào cũng vậy, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng cũng huy động toàn bộ lực lượng và phương tiện để thu gom lượng rác thải dồn ứ trong nhiều ngày. Chỉ riêng Tết âm lịch năm 2015, công ty đã huy động toàn bộ lực lượng gồm 1.250 người, tất cả phương tiện hiện có để tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên mọi tuyến đường, khu dân cư, nơi công cộng.
Không chỉ vậy, đơn vị còn phải thuê thêm 300 nhân công bên ngoài để phối hợp đẩy nhanh công tác thu gom rác trên địa bàn thành phố thì mới hoàn thành công việc.
“Cứ sau Tết là tụi tui làm việc gấp nhiều lần ngày thường mà vẫn không hết việc. Nhiều thức ăn còn nguyên mà lại đổ bỏ rất phí. Có lần tui thu gom nguyên cả con gà quay chín vẫn còn thơm vừa bị bỏ vào thùng rác. Còn hoa thì nhiều vô kể” - chị Phạm Thị Lan (46 tuổi), công nhân vệ sinh Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Đà Nẵng cho biết.
Chị Lan bảo thật sự đáng tiếc vì nhiều đồ ăn ngon mà bị vứt đi. Trong khi đó, nhiều gia đình nghèo ở cạnh nhà chị ở phải ăn uống dè sẻn và sắm sửa rất tiết kiệm trong dịp Tết vì không có tiền. “Thấy mà thương cho nhiều gia đình nghèo. Họ chỉ dám mua một ít thịt và vài cái bánh chưng nhỏ. Trong khi đó, thức ăn thừa lại đổ bỏ quá nhiều.
Vẫn biết mua gì ăn gì là quyền của mỗi người, mỗi gia đình nhưng sao vẫn thấy xót xa. Giá mà người ta tiết kiệm hơn một chút” - chị Lan chua xót nói. Chị Lan bảo năm nào Tết chị cũng chỉ mua sắm vừa phải với nhu cầu, cái gì cần dùng đến và sử dụng mới mua, bởi mồng 2 Tết hầu hết các chợ đã mở cửa nên không việc gì phải mua để dự trữ sẵn vừa dễ ôi thiu không ngon mà vứt đi thì lãng phí.
Bài và ảnh: KIM NGÂN