Bài 1: Diện mạo mới
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND thành phố, sự giám sát chặt chẽ của HĐND thành phố, tinh thần vào cuộc tích cực của các sở, ban, ngành, quận, huyện và sự hưởng ứng của người dân, “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” được thực hiện theo Chỉ thị 43-CT/TU đã làm thay da đổi thịt bộ mặt đô thị Đà Nẵng.
Người dân lắp đặt bo viền các gốc cây để mang lại diện mạo sạch đẹp cho phố phường. |
Thay đổi mỹ quan, trật tự đô thị
Cách đây một năm trở về trước, trên các tuyến đường trung tâm Đà Nẵng, dễ dàng bắt gặp hình ảnh trụ điện, gốc cây chi chít tờ quảng cáo; người phát tờ rơi đứng giữa lòng đường; các thùng rác nửa trong nửa ngoài nhếch nhác; xe cộ tràn hết vỉa hè, không còn lối cho người đi bộ; người dân lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán; dây cáp, dây điện như ma trận trên không...
Từ khi có Chỉ thị 43-CT/TU, mọi chuyện bắt đầu khác. Bây giờ, các tuyến đường chính hầu như “sạch” quảng cáo; các gốc cây được lắp đặt bo viền; vỉa hè được kẻ vạch để phân chia khu vực kinh doanh, khu vực để xe máy theo quy định; dây cáp, dây điện được bó gọn. Đặc biệt, đường Lê Duẩn được xem là con đường kiểu mẫu của đô thị hiện đại nhờ ngầm hóa cáp thông tin, cáp, lưới điện trong năm 2015.
Để có được bộ mặt tinh tươm, một năm qua, phong trào phát động tạo mảng xanh rầm rộ ở các địa phương. Quận Hải Châu đã vận động các hội, đoàn thể phường và nhân dân trồng cây, hoa vào các hố trồng cây có sẵn ở mặt tiền nhà nhằm tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp trên các tuyến đường, thay thế hàng rào bo viền gỗ bằng hàng rào bê-tông trên vỉa hè trước Trung tâm Hành chính quận và trên các tuyến đường 3 tháng 2, Hoàng Văn Thụ, Yên Bái, Thái Phiên, Trần Phú. Quận Ngũ Hành Sơn khớp nối, thảm nhựa và hoàn thiện vỉa hè tại 105 tuyến đường thuộc 15 dự án tái định cư. Quận Thanh Khê lắp đặt hơn 700 bo viền cây xanh toàn quận...
Bên cạnh công tác chỉnh trang đô thị, công tác xử phạt cũng được các sở, ban, ngành, quận, huyện thực hiện quyết liệt để lập lại trật tự, mỹ quan đô thị. Ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu phấn khởi nói: “Điểm nổi bật nhất của quận Hải Châu trong việc thực hiện Chỉ thị 43 là công tác trật tự đô thị. Chúng tôi bố trí lực lượng kiểm tra thường xuyên. Đội quy tắc đô thị quận và quy tắc phường tỏa đều ở các tuyến đường trung tâm từ 6-22 giờ trong ngày, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm lấn chiếm vỉa hè, làm nơi kinh doanh hoặc đậu đỗ xe sai quy định, sai mục đích sử dụng; đẩy đuổi, xử lý trường hợp buôn bán ở lòng đường tại chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Hòa Cường…; đồng thời, bước đầu tiến hành xử lý nghiêm các cá nhân có hành vi phóng uế bừa bãi, gây mất mỹ quan”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết, địa phương này khá gian nan trong công tác lập lại trật tự đô thị. Tuy nhiên, công tác chỉ đạo xử lý khá quyết liệt nên đến nay cơ bản đã giảm đáng kể tình trạng vi phạm trật tự đô thị, lấn chiếm lòng lề đường, chèo kéo khách. Đồng thời, xử lý những vấn đề gây bức xúc dư luận như: để xe máy dưới lòng đường khu vực công viên Biển Đông, các nhà hàng quán ăn tại đường Võ Nguyên Giáp chiếm dụng vỉa hè để xe; giữ xe, bán hàng nâng giá tại khu vực cầu Rồng, bến du thuyền DHC...
Thống kê của Sở VH-TT&DL cho thấy, trong năm 2015, các cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 9.676 trường hợp vi phạm về trật tự vỉa hè, trật tự xây dựng với tổng số tiền xử phạt hơn 7,6 tỷ đồng (tăng 2 lần số vụ và gấp 3 lần số tiền phạt so với năm 2014).
Giải quyết vấn đề “nóng” về môi trường
Dù chưa giải quyết dứt điểm nhưng vấn đề rác thải, đặt để thùng rác được các ngành chức năng tập trung xử lý và đã có những dấu hiệu khả quan. Thời gian qua, các quận phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường rà soát, thay thế các thùng rác hư hỏng nặng trên địa bàn thành phố, xóa các điểm tập kết thùng rác gây ô nhiễm môi trường, nhất là điểm nóng tập kết rác tại bờ hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung; đồng thời, kiểm tra định kỳ công tác thu gom rác theo giờ, qua đó điều chỉnh thời gian thu gom rác thải phù hợp với từng khu vực khác nhau (quận Hải Châu đã triển khai lùi giờ thu gom rác tại 10 phường).
Bên cạnh đó, việc xử lý ô nhiễm môi trường tại các lô đất trống cũng được các quận, huyện đặc biệt quan tâm. Riêng quận Thanh Khê đưa vấn đề này vào trong nhóm các hành vi cần xóa triệt để. Theo ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, hiện quận có 545 lô đất trống.
Trong năm 2015, quận đã tổ chức ra quân 19 đợt tổng dọn vệ sinh, thu gom và vận chuyển 2.110m3 đất đá, xà bần, rác thải. Đối với kênh hở Phần Lăng, ra quân nạo vét, khơi thông cống rãnh; sau đó bàn giao cho hội đoàn thể quản lý, vận động người dân làm bồn trồng cây, tạo diện mạo mới tại các nơi này.
Cũng trong năm qua, các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, xử phạt 461 trường hợp vi phạm về môi trường với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng (so với năm 2014, tăng 6 lần về số vụ, gấp 5 lần về số tiền), chủ yếu là các vi phạm về hoạt động kinh doanh vượt quy chuẩn tiếng ồn theo quy định; thải mùi hôi, bụi vào môi trường, đổ chất thải không đúng nơi quy định.
Đồng thời, giải quyết kịp thời những điểm nóng ô nhiễm môi trường gây bức xúc dư luận như: quận Ngũ Hành Sơn xử lý dứt điểm 17 trường hợp kiến nghị về môi trường tại các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ, khu vực canh tác nông nghiệp, chăn nuôi; quận Thanh Khê xử lý nuôi gia cầm ngay trong lòng thành phố gây ô nhiễm, sử dụng kiệt hẻm làm nơi đun nấu, di dời điểm tập kết phế liệu sai quy định, xử phạt cơ sở rán mỡ heo, sơn xịt, cơ khí...
Sự nỗ lực của các sở, ban, ngành, quận, huyện đã mang lại diện mạo mới cho đô thị Đà Nẵng và nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của người dân.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ