.

Khai mạc trọng thể Đại hội lần thứ XII của Đảng

.

ĐNĐT-  Đúng 8 giờ sáng nay (21-1), tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khai mạc trọng thể.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Thủ đô Hà Nội.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Thủ đô Hà Nội.

Tham dự Đại hội XII có 1.510 đại biểu, đại diện cho hơn 4,5 triệu đảng viên. Chủ đề của Đại hội XII là: "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại".

Nổi bật trên lễ đài là hàng chữ: Đảng Cộng sản Việt Nam - Đại hội XII.

Đúng 7 giờ 55 phút, Đoàn Chủ tịch gồm 17 đồng chí tiến vào hội trường.

Tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI: Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng, Lê Hồng Anh, Tô Huy Rứa, Ngô Văn Dụ, Đinh Thế Huynh, Tòng Thị Phóng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thị Kim Ngân, Phùng Quang Thanh, Trần Đại Quang, Phạm Quang Nghị, Lê Thanh Hải và đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tới dự phiên khai mạc trọng thể này có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa VI trở về trước, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo và đại diện thế hệ trẻ.

Tới dự khai mạc Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam còn có các vị Đại sứ, Đại biện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

Đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và nước ngoài tới đưa tin về Đại hội.

Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên khai mạc.

Trong không khí trang nghiêm và xúc động, Đại hội đã thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.

Đại hội bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các thế hệ cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã cống hiến, lao động, chiến đấu ngoan cường và hy sinh anh dũng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Trong không khí phấn khởi, trang trọng, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đọc Diễn văn khai mạc Đại hội, nêu rõ: Đại hội XII của Đảng là Đại hội "Đoàn kết - Dân chủ- Kỷ cương - Đổi mới", thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường và quyết tâm đi tới của cả dân tộc vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Đại hội XII của Đảng tiến hành vào thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Chúng ta đã trải qua 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 5 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, 2 năm thực hiện Hiến pháp năm 2013.”

Đại hội XII sẽ đi sâu kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, nhìn lại 30 năm đổi mới, rút ra những bài học; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong 5 năm tới. Đại hội XII cũng sẽ kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XI; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII gồm các đồng chí tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực lãnh đạo, bản lĩnh và trí tuệ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trình bày báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm tập trung thảo luận, đóng góp những ý kiến quý báu vào việc hoàn thiện nội dung dự thảo các văn kiện; đồng thời tập trung nhấn mạnh những tư tưởng lớn và nội dung cốt lõi. 

Đánh giá về 30 năm đổi mới, theo Tổng Bí thư, nhìn tổng thể, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đồng thời cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Thực tiễn sinh động, phong phú và thành tựu to lớn cùng các bài học sâu sắc qua 30 năm đổi mới, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI là cơ sở vững chắc để Đảng ta đưa ra những quyết sách sáng suốt, đúng đắn, mở ra thời kỳ phát triển mới, vẻ vang, tốt đẹp của đất nước, dân tộc.

Sự đồng lòng nhất trí, tâm huyết và trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là nguồn sức mạnh vô tận. Chúng ta nhất định thành công trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Đoàn đại biểu Đà Nẵng tham dự Đại hội XII của Đảng.
Đoàn đại biểu Đà Nẵng tham dự Đại hội XII của Đảng.
Các đại biểu tham dự Đại hội
Các đại biểu tham dự Đại hội

Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đọc Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. 

Buổi chiều, các đại biểu làm việc tại Đoàn nghiên cứu, thảo luận các văn kiện Đại hội XII.

Sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ ĐH XII

Một là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Hai là, xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Ba là, tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược; cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; chú trọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công.

Bốn là, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Năm là, thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân; chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sáu là, phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh. 


N. THÀNH - V. DŨNG - BT

;
.
.
.
.
.