Ngày 19-1, UBND huyện Hoàng Sa phối hợp với Hội Khoa học lịch sử thành phố tổ chức hội thảo lần hai lấy ý kiến góp ý nội dung trưng bày hiện vật, hình ảnh tại Nhà trưng bày Hoàng Sa nhân sự kiện 42 năm Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Phối cảnh một gian trưng bày tại Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: S.TRUNG |
Theo đề cương, nội dung trưng bày tại Nhà trưng bày Hoàng Sa gồm 5 chủ đề: Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của Hoàng Sa; bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa thời các chúa Nguyễn; Hoàng Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam thời nhà Nguyễn (1802-1945); bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa (1945-1975); bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa từ năm 1974 đến nay.
Các ý kiến tại hội thảo đều thống nhất quan điểm Nhà trưng bày Hoàng Sa không phải của riêng Đà Nẵng mà còn thể hiện tình cảm của nhân dân cả nước đối với phần lãnh thổ đang bị Trung Quốc chiếm giữ bất hợp pháp.
Các đại biểu góp ý nội dung trưng bày phải làm cho khách tham quan khi vừa bước vào đại sảnh trung tâm đã thấy ngay những bằng chứng khẳng định Việt Nam là nước duy nhất chiếm hữu không có tranh chấp và khai thác, quản lý, thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa liên tục từ thế kỷ 17 đến nay.
Các hiện vật, hình ảnh trưng bày tại Nhà trưng bày Hoàng Sa phải thể hiện được những bằng chứng về lịch sử hình thành chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, bằng chứng pháp lý, bằng chứng địa lý, bằng chứng thực thi chủ quyền… mà chỉ Việt Nam mới có để phản bác phát ngôn của lãnh đạo Trung Quốc cho rằng họ có chủ quyền đối với Hoàng Sa từ thời cổ đại.
Trong nội dung trưng bày cần bổ sung thêm phần trưng bày sách, báo trong nước và quốc tế viết về Hoàng Sa, Trường Sa. Các ý kiến đề nghị trong nội dung trưng bày phải cập nhật thông tin thời sự về tình hình Trung Quốc đang làm gì đối với Hoàng Sa, Trường Sa với ngày, tháng, năm cụ thể; qua đó, tố cáo âm mưu, dã tâm của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Nguyên Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Đặng Công Ngữ đề nghị phần cuối của nội dung trưng bày nên có bài thơ “Nam quốc sơn hà” khẳng định ý chí, quyết tâm của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành lại Hoàng Sa.
Có ý kiến đề nghị nên tách riêng phần trưng bày tàu cá ĐN 90152 (bị tàu Trung Quốc đâm chìm vào tháng 5-2014), miếu Âm linh và ngọn hải đăng ra một không gian riêng. Tại đây có thể tổ chức lễ hội cầu ngư hằng năm, tái hiện lễ khao lề thế lính Hoàng Sa của người dân huyện đảo Lý Sơn.
Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Võ Công Chánh đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành ngay việc tuyển chọn, đào tạo thuyết minh viên cả tiếng Việt và một số ngoại ngữ để kịp phục vụ khi Nhà trưng bày Hoàng Sa dự kiến hoàn thành đi vào hoạt động vào cuối năm nay.
Khách tham quan có thể in tài liệu ngay tại Nhà trưng bày Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho hay sẽ có khoảng 500 tài liệu, hiện vật được trưng bày tại Nhà trưng bày Hoàng Sa. Phần trưng bày gồm hệ thống các tư liệu bằng hình ảnh động và tĩnh, được hỗ trợ bởi kỹ thuật đa phương tiện kết hợp với hệ thống bản đồ, sa bàn tổng quan về vị trí địa lý, tự nhiên, hành chính Hoàng Sa. Nhà trưng bày sẽ bố trí máy in để khách tham quan có thể in và giữ các tài liệu, hình ảnh mình quan tâm. |
S.TRUNG