.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng

.

● Điều chuyển, thay thế cán bộ, công chức có dư luận xấu

Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng vừa ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 5-1-2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực.

Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cần đưa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực vào nhiệm vụ trọng tâm hằng năm, với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, quyết tâm tạo chuyển biến rõ rệt trên công tác này; thường xuyên quán triệt nhằm nâng cao nhận thức trong đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tập trung vào những chủ trương, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được xác định trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-5-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 3-1-2014 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản”; Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố; nội dung “5 xây”, “3 chống” theo Chỉ thị số 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, xác định đây là nội dung kiểm điểm theo định kỳ của cấp ủy các cấp, là tiêu chí để đánh giá, phân loại hằng năm đối với tổ chức Đảng, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu.

Trong các cuộc họp và báo cáo định kỳ của cấp ủy, tổ chức Đảng phải có nội dung về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thật sự gương mẫu và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực; có giải pháp quản lý chặt chẽ, ngăn ngừa đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm; kịp thời điều chuyển, thay thế, cho thôi việc đối với những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có dư luận xấu, biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, uy tín giảm sút, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; xây dựng chương trình, kế hoạch phòng, chống tham nhũng hằng năm và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc tổ chức thực hiện; chịu trách nhiệm trước cấp trên về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý; xây dựng quy định cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức chủ động kiểm tra, xác minh kết quả kê khai tài sản, thu nhập đối với những người thuộc quyền quản lý.

Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định, thủ tục hành chính; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt là trên các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí và tiêu cực, như: quản lý, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản; quy hoạch, thu hồi, bồi thường, giao đất, cho thuê đất, định giá, đấu giá quyền sử dụng đất; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý ngân sách; thu thuế, phí, lệ phí; sử dụng vốn, tài sản trong doanh nghiệp Nhà nước; tin dụng ngân hàng; công tác cán bộ; công tác tư pháp; quan hệ giữa các cơ quan Nhà nước với người dân, doanh nghiệp.

Xử lý kiên quyết, kịp thời các hành vi tham nhũng, không để vụ việc tham nhũng, tiêu cực xảy ra ở bất cứ mức độ nào mà không được xử lý. Đối với các vụ án tham nhũng xảy ra trên địa bàn, ngay sau khi khởi tố, các cơ quan tiến hành tố tụng phải chủ động báo cáo cấp ủy để cho chủ trương xử lý, bảo đảm khẩn trương, đúng quy định của pháp luật.

Đối với các thông tin về dấu hiệu tham nhũng có liên quan đến cán bộ thuộc diện Ban thường vụ cấp ủy quản lý, các cơ quan nắm thông tin báo cáo ngay cho thường trực cấp ủy cấp đó xin chủ trương xử lý. Nghiêm cấm và có biện pháp xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với cán bộ, đảng viên có hành vi can thiệp vào quá trình xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực dưới bất cứ hình thức nào.

Đưa nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trách nhiệm cấp ủy và người đứng đầu về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực vào chương trình công tác kiểm tra hằng năm của các cấp ủy Đảng. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với một số lĩnh vực trọng điểm, dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí và tiêu cực; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, hạn chế tối đa việc cho bị can tại ngoại trong quá trình điều tra hành vi tham nhũng và việc áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc xử dưới khung hình phạt khi không có tình tiết giảm nhẹ thuyết phục hoặc khi dư luận không đồng thuận đối với đối tượng phạm tội tham nhũng.

Phát huy vai trò giám sát của HĐND, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và nhân dân trong việc phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng. Có biện pháp bảo vệ an toàn người tố cáo, cung cấp thông tin và kịp thời biểu dương, khen thưởng, hỗ trợ kinh phí thích đáng cho những tập thể, cá nhân có thành tích đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực.

B.T

;
.
.
.
.
.