Chính trị - Xã hội
TIẾNG NÓI ĐẠI BIỂU
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Triển khai đồng bộ các định hướng đối ngoại
Để đưa vấn đề hội nhập quốc tế đi vào chiều sâu, trên cơ sở quán triệt và thực hiện đúng các quan điểm về hội nhập quốc tế được nêu trong Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, đối ngoại cần tập trung làm tốt các công việc sau: Thứ nhất, thực hiện triệt để phương châm “triển khai đồng bộ” các định hướng đối ngoại được Đại hội XII của Đảng thông qua, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình hội nhập quốc tế; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, giữa các ngành, các cấp, các địa phương.
Thứ hai, trên cơ sở bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác, nhất là các khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho đất nước, thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước và quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả hội nhập, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế. Theo đó, cần tăng cường công tác phổ biến các cam kết quốc tế ta đã ký kết, đã nội luật hóa và các quy định trong quá trình triển khai; làm cho mỗi tổ chức, mỗi người dân hiểu rõ thách thức, cơ hội mà họ có được từ hội nhập quốc tế để tham gia một cách chủ động và tích cực; biến quá trình hội nhập từ các hoạt động chủ yếu do các cơ quan Nhà nước tiến hành thành quá trình tham gia chủ động và tích cực của từng địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, người dân.
Thứ tư, triển khai các định hướng lớn về hội nhập được nêu trong Văn kiện Đại hội, tập trung thực hiện Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các đề án, kế hoạch triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; khẩn trương hoàn thiện, nâng cao năng lực các thể chế hội nhập; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ hội nhập; phấn đấu đến năm 2020, mức độ hội nhập trên các lĩnh vực của nước ta ở mức độ cao của các nước ASEAN.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng: Thử thách rất to lớn phải bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền
Trong thời gian tới, chúng ta đứng trước thử thách rất to lớn phải bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo quốc gia trong điều kiện Trung Quốc không từ bỏ âm mưu độc chiếm Biển Đông; cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu ngày càng gay gắt; quan hệ lao động có xu hướng phức tạp; “âm mưu diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch chống phá cách mạng, chống phá Công đoàn Việt Nam.
Thực tế đó yêu cầu vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ngày càng lớn và cấp bách, nhất là khi các Hiệp định thương mại tự do và đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, có thể xuất hiện tổ chức đại diện người lao động ngoài tổ chức Công đoàn Việt Nam cùng tồn tại hoạt động. Điều này đang đặt ra nhiều thách thức không chỉ đối với tổ chức Công đoàn mà còn đối với cả hệ thống chính trị nếu tổ chức Công đoàn hoạt động yếu kém, không hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền: Bảo đảm hài hòa phát triển kinh tế và an sinh xã hội
Dù nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, Đảng và Nhà nước vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các chính sách xã hội. Giai đoạn 2012-2015 đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội của nước ta…
Phát triển tốt kinh tế sẽ có điều kiện tốt hơn để bảo đảm an sinh xã hội và làm tốt an sinh xã hội là điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế. Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế trong giai đoạn tới, cần tiếp tục cải cách thể chế kinh tế, cải cách doanh nghiệp Nhà nước, bảo đảm có nhiều việc làm hơn cho người lao động, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
N.T – V.D ghi