.

Xã hội hóa đơn vị sự nghiệp văn hóa công lập: Xu thế tất yếu

.

Lâu nay, cơ chế bao cấp đối với một số đơn vị sự nghiệp văn hóa công lập đã dẫn đến tình trạng hoạt động ì ạch, không hiệu quả. Do đó, xã hội hóa là xu thế tất yếu để từng bước thực hiện lộ trình về cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Nằm tại vị trí trung tâm thành phố, Nhà hát Trưng Vương là nơi lý tưởng để tổ chức những sự kiện lớn.
Nằm tại vị trí trung tâm thành phố, Nhà hát Trưng Vương là nơi lý tưởng để tổ chức những sự kiện lớn.

Bài 1: Nhà hát Trưng Vương -  đìu hiu hoạt động biểu diễn nghệ thuật

Nhà hát Trưng Vương, một trong những đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở VH-TT&DL thành phố Đà Nẵng, có cơ ngơi ở vị trí đắc địa. Những năm qua, tuy nhà hát được quan tâm đầu tư nhưng mức thu của đơn vị này vẫn không đủ bù chi và hiện trở thành gánh nặng đối với ngân sách thành phố.

Năm 2015: cấp 11 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính của Nhà hát Trưng Vương, năm 2015, ngân sách thành phố cấp cho nhà hát hơn 11 tỷ đồng. Trong đó, chi trả lương cho cán bộ, diễn viên, nhân viên... hơn 3,5 tỷ đồng, kinh phí bổ sung các nhiệm vụ đột xuất hơn 3,7 tỷ đồng (gồm 3 tỷ đồng chi tổ chức chương trình nghệ thuật pháo hoa 2015); còn lại là các kinh phí duy trì chế độ đãi ngộ diễn viên, bảo hiểm tài sản, thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn...

Từ nguồn kinh phí này, Nhà hát Trưng Vương đã đầu tư dàn dựng và thực hiện nhiều chương trình nghệ thuật lớn của thành phố như: chương trình nghệ thuật đêm giao thừa Tết Nguyên đán; các chương trình kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng, 40 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng, sinh nhật Bác Hồ, Quốc khánh 2-9…; bên cạnh đó, biểu diễn phục vụ nhiều sự kiện chính trị, đối nội, đối ngoại của thành phố.

Đặc biệt, báo cáo tài chính cũng cho thấy năm 2015, doanh thu từ dịch vụ của Nhà hát Trưng Vương ước đạt 5 tỷ đồng (vượt kế hoạch thành phố giao 3,6 tỷ đồng); trong đó, thu biểu diễn của Đoàn ca múa nhạc hơn 2,4 tỷ đồng (tăng gấp 8 lần so với năm ngoái), thu tổ chức biểu diễn - sự kiện hơn 2,3 tỷ đồng, thu cho thuê mặt bằng tầng hầm 240 triệu đồng.

Tuy nhiên, trong 2,4 tỷ đồng doanh thu của Đoàn ca múa nhạc thì 2,2 tỷ đồng có được nhờ 3 hợp đồng biểu diễn cho Quảng Nam và Quảng Ngãi (chiếm 90% doanh thu).  

Như vậy, xuyên suốt hoạt động của Nhà hát Trưng Vương, không hề thấy “bóng dáng” hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại nhà hát, trong khi đây cũng là một trong những nhiệm vụ của nhà hát nhằm đáp ứng yêu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả; nâng cao trình độ thưởng thức và sự hưởng thụ nghệ thuật trong công chúng theo Quyết định số 64/2002/QĐ-UB của UBND thành phố.

Không dám làm theo kiểu “lời ăn lỗ chịu”

Giải thích về việc “vắng bóng” hoạt động biểu diễn nghệ thuật, ông Nguyễn Đình Thậm, Giám đốc Nhà hát Trưng Vương, cho biết số buổi biểu diễn tại nhà hát ít vì đơn vị này cũng đã nhiều lần mạnh dạn tổ chức biểu diễn bán vé nhưng hầu như lỗ, may ra thì huề vốn nên không dám làm.

“Muốn tổ chức các chương trình biểu diễn bán vé, phải như các đơn vị tư nhân, chấp nhận tuân theo quy luật của thị trường, có lãi, có lỗ. Nếu họ lỗ, họ còn làm cái này cái kia, bù qua đắp lại. Chứ nhà hát hoạt động bằng ngân sách thành phố thì chúng tôi không dám lấy tiền Nhà nước làm theo kiểu “lời ăn lỗ chịu”. Vì lỗ thì lấy đâu mà bù vào; ngân sách thâm hụt, tiền đâu trả lương diễn viên, tiền đâu chi hoạt động khác”, ông Đình Thậm phân trần.

Nhưng một nhạc sĩ hoạt động lâu năm trong ngành (đề nghị giấu tên), đặt ngược vấn đề rằng, Nhà hát Trưng Vương đã thực sự đầu tư chương trình nghệ thuật hay, hấp dẫn để thu hút người dân chưa. Vì bao cấp 100% như lâu nay nên các đơn vị nghệ thuật công lập ỷ lại, không chịu tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật; không cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Khán giả chỉ đến rạp xem nếu chương trình đó xứng đáng với đồng tiền, bát gạo họ bỏ ra.

“Đoàn ca múa nhạc hiện tại quá cồng kềnh, hơn 40 người. Thật ra, trong đó cũng có không ít người tài năng, khát vọng cống hiến. Nhưng thời gian về Đoàn ca múa nhạc, họ đã bị “thui chột”  tài năng bởi “cơ chế”, đến nay ngoảnh lại thì tuổi tác không còn. “Cơ chế” mà tôi muốn nói đó chính là áp đặt trong biểu diễn, họ phải hát những bài hát, dòng nhạc không đúng sở trường, không có đất diễn, ví như anh tiền đạo đưa xuống đá hậu vệ vậy”, nhạc sĩ này nói.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.