ĐNĐT - Người dân tổ 62, khu vực Xuân Đán 5, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng gọi tổ trưởng của mình bằng tên thân thương: anh “chủ tịch xóm”.
Hơn 3 năm làm tổ trưởng, anh Bùi Thúc Quý, 46 tuổi được lòng bà con đến mức có lần anh xin “từ chức” do quá bận việc mưu sinh, nhưng cả tổ nhất quyết không chịu thay người khác.
Anh Quý làm nghề mộc, vợ là cán bộ phường. Ngôi nhà bé xíu của anh tại 379/8 Trần Cao Vân chỉ đơn sơ những vật dụng bình dân, mấy hôm nay càng quá tải vì đủ thứ đồ nghề chuẩn bị làm cho xóm.
Con đường dài 300 mét của kiệt 379 ngập tràn sắc màu với gần 100 bức tranh khổ 1x2m, 30 đèn lồng và 12.000 bóng đèn led. Nhà của tổ trưởng cũng trở thành “tổng hành dinh” tập kết lá, lạc và 3 tạ nếp nấu bánh chưng, bánh tét chia cho từng hộ trong tổ và cho người nghèo toàn khu vực Xuân Đán 5 (gồm 10 tổ).
Đặc biệt, tất cả đồ trang trí và bánh Tết đều do chính đôi bàn tay của “chủ tịch xóm” trực tiếp làm ra cùng tiền dành dụm từ “chức” tổ trưởng.
Anh tổ trường Bùi Thúc Quý trực tiếp đi lắp từng dây điện kéo dài hết 300 mét đường. Mục đích của anh Quý là toàn bộ điện trang trí sẽ được dùng cho Tết này và nhiều Tết sau đó nên anh mua loại led cao cấp. Khi 12.000 bóng đèn nhấp nháy lung linh về đêm, bà con nơi đây gọi xóm nhỏ của mình là “con đường tổng thống”. |
Kiệt 379 đường Trần Cao Vân (khu vực của tổ 62) những ngày giáp Tết rộn vui hơn bao giờ hết. Lương tổ trưởng trong suốt 3 năm qua dồn lại được 25 triệu, anh Quý lên kế hoạch… không tiêu một đồng, tất cả bỏ ống heo đến hôm nay làm Tết cho cả xóm.
30 chiếc đèn lồng treo dọc lối vào xóm cũng được anh Quý tự làm thủ công. Đèn làm bằng gỗ, vải lụa và vẽ thư pháp trên vải. Phần xốp trang trí trụ đèn trông đơn giản nhưng phải thật khéo léo mới có thể cắt được những họa tiết cầu kỳ như vậy. |
“Choáng ngợp” nhất khi bước vào con xóm là gần 100 bức tranh cổ động tuyên truyền về chiến lược quốc gia, khổ 1x2 mét treo dọc lối vào. Tất cả số tranh này đều do một tay anh Quý vẽ trong 5 tháng.
Từng học về mỹ thuật, điêu khắc và nay làm đồ mộc nên anh Quý có thể thỏa sức “tung chiêu” với hội họa. Tranh được làm bằng chất liệu khung gỗ, vải, sơn nước và màu wat. Cũng như đèn lồng, tranh treo ngoài trời nên anh Quý đã tính đến yếu tố mưa, nắng tác động trực tiếp lên sản phẩm. Do đó, khung gỗ đều được xịt PU, dán kỹ lưỡng, phần vải cũng là loại cao cấp, hạn chế bạc màu. Vì nhà riêng quá nhỏ, anh Quý phải liên hệ 3 nhà dân gửi tranh và đèn lồng sau Tết để tiếp tục dùng trang trí cho nhiều năm sau.
Tranh chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII |
Anh vui vẻ nói: Nhiều tháng nay tôi chỉ ngủ mỗi đêm nhiều nhất 4 tiếng đồng hồ để dành thời gian vẽ tranh. Ban ngày đi làm, tối lại vẽ. Những bức tâm huyết về đảo Trường Sa, bác Hồ, Hà Nội, Đà Nẵng, mất 20 giờ đồng hồ cho mỗi tác phẩm. Thiếu ngủ mà không mệt chi cả, chỉ thấy lòng đầy hân hoan.
Anh tổ trưởng cùng bà con chuẩn bị tiệc tất niên và làm chủ lễ cúng xóm. Bữa tiệc cuối năm này cũng được trích một phần từ “quỹ lương” tổ trưởng. Anh Quý tâm niệm, cúng kính phải trang nghiêm, đúng lễ, còn việc ăn uống chỉ nên đơn giản, gọn nhẹ. Bà con quây quần bên nhau vui vẻ là chính, không kèn trống ồn ào và tránh kéo dài dẫn đến quá chén không hay.
Mỗi cái Tết, anh Quý đều gói bánh chưng, bánh tét cho các hộ trong xóm và cho người nghèo. Riêng năm nay, anh nấu nhiều hơn với 300 kg nếp. Để tiết kiệm chi phí, anh Quý đã mua cây lạc về rồi dành ra 2 ngày ngồi tỉ mẩn tự chẻ và tước ra thành…2000 sợi. Anh tính, nếu mua lạc tước sẵn thì tốn 1,2 triệu đồng mới gói đủ 500 cặp bánh tét và bánh chưng, nhưng tự làm thì chỉ tốn 160 nghìn đồng tiền lạc.
Những năm trước, anh Quý cũng nấu bánh chưng, bánh tét. Đợi bánh ra lò, anh mang tặng bà con trong xóm chung vui. Anh chia sẻ: Những việc mình làm được đều nhờ có một “nguồn sức mạnh”, đó chính là bà xã. Vợ anh-chị Nguyễn Thị Kim Tiến, một cán bộ phường luôn sẵn lòng làm “thủ quỹ” giúp anh chồng tổ trưởng dồn tiền lo Tết cho xóm.
Bên cạnh đó, bà con trong tổ cũng hết sức ủng hộ về thời gian, công sức và vật chất để anh Quý hoàn thiện được “công trình”. Kinh phí trang trí xóm năm nay khá lớn với 40 triệu đồng, trong đó có 25 triệu của anh Quý, bà con với 30 hộ đóng góp phần còn lại. Tuy vậy, mọi người cho đây là việc làm tiết kiệm về lâu dài, bởi với những vật dụng chất lượng và được bảo quản kỹ, ít nhất toàn bộ sản phẩm này sẽ được dùng lại trong vòng 5 năm.
THU HOA thực hiện