Sáng 5-2, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố báo cáo Phát triển con người Việt Nam về tăng trưởng bao trùm và báo cáo phát triển con người toàn cầu năm 2015.
Đại biểu tham dự Lễ công bố báo cáo Phát triển con người Việt Nam về tăng trưởng bao trùm và báo cáo phát triển con người toàn cầu năm 2015 |
Báo cáo cho thấy, ở cấp quốc gia, tiến bộ của Việt Nam về phát triển con người rất ấn tượng trong 35 năm qua nhưng không đồng đều qua các thời kỳ và đang chậm lại trong vài năm gần đây.
Vào cuối những năm 1980, tiến bộ chậm về Chỉ số Phát triển Con người (HDI – đo lường thành tựu tổng quan về thu nhập, giáo dục và sức khỏe) đã tạo ra khoảng cách giữa Việt Nam và các nước có mức phát triển tương đồng. Chỉ số này sau đó tăng nhanh và Việt Nam trở thành ngôi sao trong giai đoạn 1990-2000. Tuy nhiên, thành tích của Việt Nam đã chững lại kể từ khủng hoảng tài chính 2008.
Tương tự các Báo cáo quốc gia về Phát triển Con người trước đây, báo cáo 2015 xem xét tiến bộ phát triển con người trên toàn quốc. Báo cáo cho thấy, các tỉnh đều có tiến bộ tích cực nhưng không đồng đều, một số tỉnh tiến nhanh hơn các tỉnh khác. Những tỉnh tiến bộ nhất đều phát triển kinh tế cân bằng với tiến bộ xã hội.
TP HCM và Đà Nẵng có mức phát triển con người cao tương tự như Ba Lan hoặc Croatia. Các tỉnh nghèo như Hà Giang hay Lai Châu có mức phát triển con người tương đương với những nước như Guatemala và Ghana.
Báo cáo cũng cho thấy, các tỉnh: Hậu Giang, Tiền Giang, Bình Phước, Thái Nguyên và Phú Yên được đánh giá là “các ngôi sao đang lên” có phát triển vượt bậc. Còn các tỉnh khác như: Hà Nam, Nghệ An, Phú Thọ và Hà Tĩnh là những tỉnh có tiến bộ chậm hơn.
Tại buổi công bố, UNDP cũng giới thiệu những phát hiện chính trong Báo cáo Phát triển con người 2015. Bên cạnh việc báo cáo tình hình phát triển con người quốc tế, bản báo cáo toàn cầu còn đánh giá thế giới việc làm và đóng góp cụ thể của việc làm cho phát triển con người.
Báo cáo đưa ra nhiều thông điệp bổ sung về việc làm có năng suất, trong đó việc làm được hiểu theo nghĩa rộng là bao gồm cả các hoạt động được trả công và không trả công. Báo cáo cho thấy, công việc nội trợ không công, chủ yếu do phụ nữ thực hiện khi chăm sóc gia đình, có vai trò quan trọng cho phát triển con người không khác gì việc làm được trả công. Báo cáo cũng trình bày các cơ hội và đe dọa từ cuộc cách mạng số và hội nhập toàn cầu nhanh chóng.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, báo cáo nhìn lại 30 năm đổi mới và định hình mô hình tăng trưởng mới qua lăng kính phát triển con người nhằm bảo đảm mọi công dân Việt Nam có thể phát huy đầy đủ tiềm năng và tận hưởng cuộc sống thịnh vượng.
Báo cáo phân tích chi tiết ba trụ cột chính sách cho thấy nền kinh tế, giáo dục và y tế, bảo trợ xã hội đã có những chuyển đổi tích cực và đạt thành tích đáng kể trong 30 năm qua, kể từ khi bắt đầu đổi mới. Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh những vấn đề đang nổi lên và khuyến nghị Việt Nam cần một loạt cải cách để đẩy nhanh tăng trưởng bao trùm và thúc đẩy phát triển con người trong tương lai.
Để tăng việc làm có năng suất, Việt Nam cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; tăng hiệu suất kinh tế và sự kết nối công nghệ cũng như nuôi dưỡng sáng tạo.
Để cải thiện hệ thống giáo dục và y tế, Việt Nam cần cải thiện chất lượng và mở rộng tiếp cận giáo dục trước tiểu học, giáo dục bậc cao và đào tạo nghề; đồng thời cần tiến hành đánh giá toàn diện các cải cách xã hội hóa trước khi nhân rộng.
Để đổi mới hệ thống bảo trợ xã hội, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp khuyến khích để đạt mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân; hệ thống bảo hiểm xã hội tự chi trả và xây dựng hệ thống trợ giúp xã hội dựa trên nguyên tắc “vòng đời”.
Phát biểu tại lễ công bố, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc và Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam cần phải tập trung vào cả nhóm người nghèo và nhóm thu nhập trung bình thấp, những người có thu nhập không cao hơn nhiều so với chuẩn nghèo, những người làm việc trong khu vực không chính thức, người di cư đến đô thị và nông dân. Sự tham gia làm việc và năng suất lao động của họ rất quan trọng đối với phát triển thành công ở Việt Nam.
Tuy nhiên, năng lực của những nhóm người trên chưa được sử dụng hết. Cơ hội phát triển và được bảo vệ của những nhóm người trên còn hạn chế.
Ngoài ra, bà Pratibha Mehta còn cho rằng, Việt Nam có tiếp tục phát triển thành công hay không phụ thuộc vào khả năng xây dựng một nền kinh tế vì mọi người và công bằng. Điều này bắt nguồn từ khả năng cung cấp việc làm đầy đủ, cơ hội và bảo trợ cho tất cả mọi người.
Những khuyến nghị của bà Pratibha Mehta được đánh giá là rất quan trọng, đưa ra vào đúng thời điểm Việt Nam đang xây dựng kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội cho giai đoạn 2016-2020 và chuẩn bị triển khai Chương trình Nghị sự Phát triển Bền vững đến năm 2030, trong đó trọng tâm là tăng trưởng bao trùm và xóa bỏ nghèo đói”.
Theo VOV