Chính trị - Xã hội
Dân chủ, khách quan trong giới thiệu người ứng cử
“Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND thành phố khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021, Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất do Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tiến hành đã phát huy tối đa dân chủ để thỏa thuận cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
Tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, đại diện 36 tổ chức thành viên Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã thảo luận thực sự sôi nổi, phát huy dân chủ và thống nhất về số lượng đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị thành phố Đà Nẵng được phân bổ, trong đó do Trung ương giới thiệu về 2 đại biểu và 4 đại biểu Quốc hội được bầu là người làm việc và cư trú tại thành phố.
Để có 6 đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị thành phố Đà Nẵng (trong đó cơ cấu có 2 đại biểu nữ, 1 đại biểu trẻ dưới 40 tuổi), Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đã thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu người ứng cử và phải có ít nhất 10 ứng cử viên.
Cùng với đó, trên cơ sở số lượng 50 đại biểu HĐND thành phố được bầu cho khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021, hiệp thương lần thứ nhất của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cũng phát huy tối đa tinh thần dân chủ trong thảo luận thống nhất điều chỉnh về cơ cấu, thành phần, số lượng người ra ứng cử.
Trong đó, nhiều ý kiến thảo luận và thống nhất điều chỉnh cơ cấu có đại diện huyện Hoàng Sa trong HĐND thành phố khóa IX nhằm phục vụ công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Số lượng người ứng cử đại biểu HĐND thành phố dự kiến ban đầu là 88 người cũng được điều chỉnh lên 94 người nhằm đảm bảo số dư.
Để có nhiều người ngoài Đảng tham gia ứng cử đại biểu HĐND thành phố, hội nghị nhất trí khuyến khích các tổ chức: Khối doanh nghiệp, Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật, Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật và tôn giáo giới thiệu người ngoài Đảng có đủ tiêu chuẩn, năng lực và điều kiện làm đại biểu HĐND thành phố tham gia ứng cử đại biểu HĐND thành phố khóa IX.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cũng đã chỉ đạo Mặt trận các cấp tuyên truyền về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhằm khuyến khích người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện nộp hồ sơ ứng cử.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng giải thích, việc tăng số lượng tối thiểu người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND thành phố khóa IX nhằm tránh tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong giới thiệu người ra ứng cử để đạt được mục tiêu đảm bảo hợp lý về cơ cấu, thành phần. Ai trúng cử cũng được nhưng phải bảo đảm chất lượng đại biểu được bầu.
Thông tin từ Mặt trận 7 quận, huyện và 56 phường, xã cho hay, công tác hiệp thương bước 1 thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử HĐND cấp quận, huyện, phường, xã đều diễn ra nghiêm túc, dân chủ, đúng quy định pháp luật.
Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở nhiều địa phương đã căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương mình để thảo luận đi đến thống nhất có sự điều chỉnh về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hải Châu Nguyễn Thị Thừa cho hay: Hiệp thương lần thứ nhất của quận thỏa thuận có tăng, có giảm số lượng người ở các thành phần được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND quận nhiệm kỳ 2016-2021 so với dự kiến phân bổ số lượng của Thường trực HĐND thành phố.
Trong đó, hội nghị chú trọng thảo luận và thống nhất tăng số lượng người ứng cử ở thành phần trí thức, các hội xã hội, nghề nghiệp từ 4 lên 8 người; thành phần doanh nghiệp từ 4 lên 7 người. Lý do là hai thành phần này có lực lượng đông đảo trong các tầng lớp nhân dân của quận.
Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất của Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê cũng đã thảo luận kỹ và thống nhất cao về điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu HĐND quận nhiệm kỳ 2016-2021.
Theo đó, tỷ lệ của khối chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước giảm lần này rất nhiều, chỉ 4/40 đại biểu (10%), trong khi khối Mặt trận, đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội… lại tăng lên nhiều. Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê, sự thay đổi lần này kỳ vọng sẽ bầu được các đại biểu HĐND quận tâm huyết, có bản lĩnh, nói lên được tiếng nói của nhân dân, thể hiện tốt năng lực giám sát của mình.
Tại quận Sơn Trà, Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất của Ủy ban MTTQ Việt Nam quận đã thỏa thuận giới thiệu 65 người ứng cử để bầu 37 đại biểu HĐND quận nhiệm kỳ 2016-2021.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Nguyễn Văn Cửu, trong cuộc bầu cử lần này, số dư của mỗi đơn vị bầu cử lớn hơn so với trước. Điều này thể hiện tính dân chủ trong công tác bầu cử, số dư càng nhiều, quyền lựa chọn càng cao, nhân dân có nhiều quyền bầu chọn trong số các ứng cử viên.
Quan điểm của quận Sơn Trà là không giới thiệu theo kiểu “quân xanh, quân đỏ”. Và đây cũng là quan điểm chung của Ủy ban bầu cử thành phố khi đề cập đến công tác giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND thành phố khóa IX nhiệm kỳ 2011-2016.
SƠN TRUNG - PHAN CHUNG