Một bộ phận cán bộ Đoàn phường, xã hiện nay rơi vào tâm trạng hoang mang khi hết tuổi Đoàn mà không được bố trí công tác khác.
Đoàn viên thanh niên hỗ trợ thí sinh trong chương trình Tiếp sức mùa thi 2015. |
37 tuổi vẫn phụ trách công tác Đoàn (!?)
Anh Huỳnh Duy Linh (SN 1979), Bí thư Đoàn phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), chỉ biết “cười trừ” khi được gọi là “bô lão” của đội ngũ cán bộ Đoàn. Mặc dù hết tuổi Đoàn đã 2 năm nay (quy định là 35 tuổi) nhưng do chưa có “đầu ra” nên anh Linh được lãnh đạo động viên đi học tiếp bằng đại học Luật - hệ chính quy. Trước đó, anh Linh đã tốt nghiệp đại học - ngành Quản trị kinh doanh, hệ tại chức, nhưng không đúng yêu cầu để luân chuyển cán bộ nên vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Tham gia công tác Đoàn từ nhỏ và giữ chức Bí thư Đoàn phường Mỹ An từ năm 2004 đến nay, bản thân anh Linh không toan tính tương lai mình sẽ ngồi “ghế” nào mà chỉ tự nhủ “học xong, lãnh đạo bố trí ở đâu làm ở đó”. Song, với mức thu nhập hiện tại gần 4 triệu đồng/tháng, anh khó xoay xở để chăm lo cho gia đình, nhất là khi có 2 con nhỏ.
Nếu khi anh học xong, được (bị) bố trí vị trí bán chuyên trách thì đồng nghĩa với việc anh Linh sẽ bắt đầu lại với mức thu nhập chỉ gần 2 triệu đồng/tháng. “Các bạn trẻ làm công tác Đoàn sau tôi, thấy tôi đã cống hiến suốt mười mấy năm mà cuối cùng được phân công như vậy, họ sẽ hoang mang và liệu có còn muốn cống hiến nữa không?”, anh Linh bày tỏ.
Một trường hợp khác là anh Lê Thành Nhân, nguyên Bí thư Đoàn phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu), cũng rơi vào tình trạng “không có chỗ để đi” nên được chuyển sang đội quy tắc đô thị phường 6 tháng nay với hợp đồng ngắn hạn. Anh Nhân nói: “Anh em cán bộ Đoàn chúng tôi thường nói đùa với nhau rằng, làm công tác Đoàn thì về hưu ở... tuổi 35”.
Cần kế hoạch quy hoạch cán bộ lâu dài
Toàn thành phố Đà Nẵng hiện có 56 Bí thư Đoàn phường, xã. Một số địa phương có Bí thư Đoàn đang “ngấp nghé” hết tuổi Đoàn là: quận Thanh Khê : 5 người (các phường Hòa Khê, An Khê, Thanh Khê Đông, Tam Thuận, Chính Gián); quận Sơn Trà: 4 người (các phường Thọ Quang, Nại Hiên Đông, An Hải Tây, Mân Thái); quận Liên Chiểu: 1 người (phường Hòa Hiệp Bắc); quận Ngũ Hành Sơn: 2 người (các phường Mỹ An, Khuê Mỹ); huyện Hòa Vang: 1 người (xã Hòa Sơn). Nhiều nơi xảy ra tình trạng “không có chỗ để đi”, tạo ra tâm lý chán nản, lo lắng cho bản thân cán bộ Đoàn cũng như đội ngũ kế cận.
Theo quy định, Bí thư Đoàn phường khi hết thời gian công tác sẽ được xem xét luân chuyển qua 21 chức danh cán bộ phường, xã chuyên trách với điều kiện phải có bằng đại học chính quy tương xứng với vị trí đó. Hầu hết cán bộ Đoàn phường, xã hiện nay đều có bằng đại học hệ tại chức hoặc bằng cao đẳng.
Thực tế, những người tốt nghiệp đại học hệ chính quy đều có chung tâm lý không muốn làm công tác Đoàn bởi mức thu nhập quá thấp. Đó là chưa kể họ phải bắt đầu từ chỗ học việc. Trong khi đó, để làm tốt công tác Đoàn đòi hỏi phải có sự say mê, tâm huyết, phải được nuôi dưỡng và trưởng thành từ phong trào thì mới có kinh nghiệm tổ chức, thu hút thanh niên.
Bất cập này đang xảy ra tại phường Tân Chính (quận Thanh Khê) khi lãnh đạo phường yêu cầu phó bí thư Đoàn phường phải trẻ, tốt nghiệp đại học hệ chính quy. “Chịu, tìm không ra người nào cả”, anh Trương Thanh Toàn, Bí thư Quận Đoàn Thanh Khê cho hay.
Một trường hợp khác là anh Nguyễn Văn Hiệp, Bí thư Đoàn phường Hòa Khê (quận Thanh Khê). Kể từ khi anh Hiệp đảm nhận vị trí bí thư từ năm 2007 đến nay, Hòa Khê liên tiếp là đơn vị dẫn đầu phong trào Đoàn của quận Thanh Khê, có nhiều đóng góp trong việc xây dựng chính quyền, xây dựng địa phương.
Năm nay, anh Hiệp gần 33 tuổi. Anh cho biết, mặc dù được lãnh đạo phường quan tâm nhưng đội ngũ công chức phường đã “cứng ngắc”, chưa kể sang năm sẽ tiếp tục cắt giảm biên chế. “Ai ra cho mình vào? Nếu mấy năm nữa cũng không có đường đi, chuyển sang làm cán bộ bán chuyên trách thì chắc tôi xin nghỉ, chứ mức lương đó không thể đủ sống”, anh Hiệp nói.
Một trường hợp đáng lưu ý khác là anh Nguyễn Ngọc Vĩnh Kính, Bí thư Đoàn xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang). Năm nay, anh Kính 36 tuổi, có bằng Cử nhân Luật hệ tại chức và theo lời của lãnh đạo xã là phải đợi khi anh hết nhiệm kỳ, tức năm 2017, mới có thể sắp xếp công tác. “Có tuổi rồi, mình không còn nhiệt huyết như trước, mà như vậy thì ảnh hưởng đến phong trào”, anh Kính bộc bạch.
Anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Quận Đoàn Hải Châu, cho rằng lãnh đạo địa phương cần có kế hoạch quy hoạch cán bộ lâu dài, không thể đợi cán bộ Đoàn gần tới tuổi “về hưu” rồi mới lo. Thêm vào đó, cần cơ chế mở cho cán bộ Đoàn trong vấn đề quy định chuẩn bằng cấp.
Về phía lãnh đạo Thành Đoàn, anh Trần Vũ Duy Mẫn, Phó Bí thư Thường trực cũng thừa nhận: “Đây là một bài toán quá nan giải!”.
Bài và ảnh: BÌNH AN