* Đề nghị huyện Hoàng Sa có đại diện trong HĐND thành phố khóa IX
Ngày 17-2, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021. Đến dự có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cùng 36 vị đại diện các tổ chức thành viên Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện.
Hội nghị đã nghe trình bày dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII về số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XIV và số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và thành phố được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Theo Nghị quyết số 1140/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, Đà Nẵng được bầu 6 đại biểu Quốc hội khóa XIV, trong đó có 2 đại biểu do Trung ương giới thiệu, 4 đại biểu cư trú và làm việc tại thành phố.
Đại biểu địa phương dự kiến được phân bổ theo cơ cấu định hướng gồm: 1 lãnh đạo chủ chốt của thành phố, 1 đại biểu Quốc hội chuyên trách, 1 đại biểu của Sở Tư pháp; theo cơ cấu hướng dẫn gồm: 1 đại biểu dự kiến giới thiệu thuộc các lĩnh vực: khoa học - công nghệ, giáo dục, văn hóa - nghệ thuật, y tế, lao động-thương binh và xã hội.
Cơ cấu kết hợp do địa phương giới thiệu gồm: 2 đại biểu nữ (giới thiệu ứng cử 4 người), 1 đại biểu trẻ dưới 40 tuổi. Với số lượng đại biểu Quốc hội khóa XIV được phân bổ cho Đà Nẵng, thành phố sẽ giới thiệu ít nhất 10 ứng cử viên. Hội nghị hiệp thương đã thảo luận và biểu quyết 100% thống nhất về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XIV và số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và thành phố được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV theo dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với dự kiến về cơ cấu, thành phần, số lượng người được ứng cử đại biểu HĐND thành phố khóa IX, đã có 12 ý kiến thảo luận tại Hội nghị hiệp thương lần này. Nói về cơ cấu trong HĐND thành phố khóa IX, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố đề nghị phải cơ cấu 1 đại biểu HĐND thành phố khóa IX đại diện cho huyện Hoàng Sa.
Theo ông Tiếng, các khóa HĐND thành phố trước đây, huyện Hoàng Sa chỉ có “một nửa” đại biểu do quận Sơn Trà và huyện Hoàng Sa chỉ được cơ cấu 1 đại diện. Nay để phục vụ công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, cần thiết phải có đại diện của đơn vị hành chính này trong HĐND thành phố khóa IX.
Việc này cần làm ngay trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp lần này, không thể trì hoãn. Đề nghị này ngay lập tức nhận được sự đồng tình của rất nhiều đại diện các tổ chức thành viên Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng.
Đa số ý kiến nhất trí huyện Hoàng Sa phải có đại diện trong HĐND thành phố khóa IX chứ không ghép với quận Sơn Trà hoặc gắn với vai trò Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa.
Nếu phương án này được Quốc hội và Chính phủ đồng ý, thành phố có thể lấy hai phường Thọ Quang và Mân Thái của quận Sơn Trà nhập vào huyện Hoàng Sa để vừa có thực thể, vừa có dân. Như vậy, cả 6 quận và 2 huyện của Đà Nẵng đều có đại diện trong HĐND thành phố khóa IX.
Đại diện các tổ chức thành viên Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã biểu quyết thống nhất giảm 1 đại biểu trong cơ cấu khối quản lý Nhà nước để có 1 đại diện của huyện Hoàng Sa trong HĐND thành phố khóa IX.
Ngoài thay đổi này, Hội nghị hiệp thương đã thống nhất thỏa thuận giữ nguyên cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu HĐND thành phố khóa IX như dự kiến của Thường trực HĐND thành phố khóa VIII. Theo quy định, Đà Nẵng được bầu 50 đại biểu HĐND thành phố khóa IX (nhiệm kỳ 2016-2021). Như vậy, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND thành phố tối thiểu là 88 người.
Căn cứ trên kết quả hiệp thương lần thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII sẽ có điều chỉnh lần thứ nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Cùng với đó, Thường trực HĐND thành phố khóa VIII sẽ điều chỉnh lần thứ nhất về cơ cấu, thành phần số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND thành phố khóa IX.
Đến cuối ngày 17-2, hạn chót theo luật định phải tổ chức hiệp thương lần thứ nhất, 7 quận, huyện và 56 phường, xã của thành phố đã hoàn thành việc tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất thỏa thuận về cơ cấu, thành phần số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND cấp quận, huyện, phường, xã nhiệm kỳ 2016-2021.
S.TRUNG
* Chiều 17-2, tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất do Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hải Châu tổ chức, sau khi thảo luận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được ứng cử đại biểu HĐND quận Hải Châu nhiệm kỳ 2016-2021, Ủy ban Bầu cử quận Hải Châu thống nhất tổng số người được giới thiệu ứng cử là 67.
Trong đó, khối chuyên trách Đảng: 6; chuyên trách HĐND quận: 5; đại diện 13 phường: 20; cơ quan quản lý Nhà nước: 6 người; chuyên trách Mặt trận, đoàn thể chính trị-xã hội: 9; sản xuất-kinh doanh-dịch vụ: 7; trí thức và các hội, tổ chức xã hội: 8; lực lượng vũ trang: 4; đại diện các tôn giáo: 2. Về cơ cấu nữ chiếm 35%: 23 người, trẻ dưới 35 tuổi chiếm 15%: 10 người; ngoài Đảng chiếm 10%: 7 người. Theo quy định, quận Hải Châu được bầu 40 đại biểu HĐND quận nhiệm kỳ 2016-2021.
ĐOÀN LƯƠNG