Cuộc “vượt cạn” của người phụ nữ là một hành trình đầy gian nan. Thương và lo lắng cho vợ là tâm trạng chung của bất cứ người chồng nào. Với sự quan tâm, chia sẻ của người chồng, niềm vui của các chị em được nhân lên khi gia đình chào đón thành viên mới bụ bẫm và khỏe mạnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng có niềm vui trọn vẹn, bởi trong quá trình mang thai có thể xảy ra bất trắc cho cả mẹ và con vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Xe cổ động tuyên truyền công tác dân số. |
Trong giai đoạn mang thai, người phụ nữ có thể gặp các tai biến như: chửa ngoài dạ con, thai chết lưu, sẩy thai, nhiễm độc thai nghén… Những tai biến này có thể ảnh hưởng trực tiêp đến tính mạng của mẹ và em bé. Mặc dù ai cũng hiểu những rủi ro đó nhưng một số gia đình vẫn xem việc sinh con, chăm sóc và nuôi dưỡng con trẻ là chuyện của riêng phụ nữ.
Thực tế, quá trình sinh nở dưỡng dục con cái là một hành trình gian nan. Trong hành trình ấy, người phụ nữ rất cần sự chia sẻ từ phía người chồng. Nam giới luôn có vai trò quan trọng khi tham gia thực hiện các chính sách liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS).
Xuất phát từ vai trò không thể thiếu của người chồng trong việc trong quá trình sinh nở của vợ, nên từ ngày 1-1-2016, Luật Bảo hiểm xã hội quy định lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con cũng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 5-14 ngày.
Lần đầu tiên pháp luật Việt Nam quy định lao động nam được nghỉ thai sản. Quy định này góp phần hỗ trợ các gia đình trong việc chăm sóc trẻ em, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và mang đầy tính nhân văn.
“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” là câu nói trước đây ông bà ta vẫn hay dùng để chỉ vai trò của người chồng và người vợ trong gia đình. Ngày nay, với sự phát triển của xã hội, người phụ nữ càng có nhiều hơn những cơ hội để khẳng định vị trí của mình. Tuy nhiên, trong tiềm thức của nhiều người dân vẫn quan niệm rằng “đàn ông là trụ cột gia đình”, phần lớn mọi việc trong gia đình đều do người chồng quyết định, kể cả việc quyết định số con, thời điểm sinh con, việc chấp nhận hay không chấp nhận các biện pháp tránh thai, phá thai để lựa chọn giới tính…, mà những quyết định này ảnh hưởng trực tiếp đến SKSS của người phụ nữ.
Đàn ông cũng thường là người quyết định tài chính trong gia đình. Do đó, nếu người đàn ông có một nền tảng vững chắc về thu nhập và hiểu biết, thông cảm với người vợ thì có thể cải thiện được tình trạng mang thai, sinh nở của vợ; đồng thời, có tầm quan trọng quyết định trong vấn đề chăm sóc SKSS của vợ, có trách nhiệm hơn trong kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc thai sản và đóng góp vào thu nhập chung của gia đình.
Thay đổi quan niệm, hành vi của nam giới trong việc chăm sóc SKSS cho phụ nữ là điều kiện cần thiết để đạt được sự hài hòa trong xã hội, tiến tới bình đẳng giới trong gia đình và trong cộng đồng. Nỗ lực của người phụ nữ được làm mẹ an toàn cũng là mang lại niềm hạnh phúc trọn vẹn cho gia đình, cho bản thân của mỗi người đàn ông, góp phần vào sự bảo tồn và duy trì giống nòi.
Vì thế, trong các chương trình dân số, cần có các hoạt động thiết thực để có thể lôi kéo đàn ông cùng tham gia, qua đó nâng cao nhận thức của người chồng trong việc chia sẻ, gánh vác trách nhiệm với người phụ nữ.
Bài và ảnh: MINH TUẤN