Hoạt động kinh doanh, buôn bán ở khu vực xung quanh nút giao thông đường Ngô Quyền - Phạm Văn Đồng (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) từ lâu gây cảnh nhếch nhác, ô nhiễm và tiềm ẩn tai nạn giao thông. Vì vậy, quận Sơn Trà đang gấp rút triển khai các hoạt động tháo dỡ, di dời, giải tỏa hàng quán ở khu vực này, tạo bộ mặt đô thị của địa phương thêm khang trang, hiện đại.
Quận Sơn Trà đang gấp rút chỉnh trang, cải tạo lại cảnh quan khu vực nút giao đường Ngô Quyền - Phạm Văn Đồng. |
Ô nhiễm, nhếch nhác đầu tuyến đường du lịch
Các khu đất xung quanh nút giao thông Ngô Quyền - Phạm Văn Đồng, thuộc dự án Mở rộng cảng Tiên Sa, được giải tỏa từ năm 2002, đến năm 2004 thì hoàn tất việc bàn giao mặt bằng cho Ban quản lý dự án công trình Bạch Đằng Đông (nay là Ban Quản lý dự án xây dựng số 3).
Trong hơn 10 năm qua, địa phương đã tạo điều kiện để các hộ dân (đã nhận tiền, đất đền bù) được kinh doanh, buôn bán trên phần đất dự án chưa triển khai. Tuy nhiên thời gian qua, đã phát sinh nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự tại đây.
Bà Nguyễn Thị Hòa, trú tổ 15, phường An Hải Bắc, phản ánh: “Vỉa hè khu vực này đều bị lấn chiếm để kinh doanh, buôn bán. Người dân, du khách đi bộ qua nơi này đều phải xuống dưới lòng đường, trong khi đây lại là đoạn đường có mật độ giao thông lớn nên rất nguy hiểm”.
Ngoài ra, vì xây dựng tạm bợ nên các hộ dân đều không thống nhất về kiến trúc, tùy tiện gia cố, trồng đủ loại cây xanh để tạo bóng mát. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp HĐND thành phố, nhiều cử tri cũng đã phản ánh thực trạng này, đề nghị các cấp chính quyền sớm có kế hoạch chỉnh trang, tháo dỡ, lập lại an ninh trật tự cho khu vực này.
Trên thực tế, tuyến đường Phạm Văn Đồng từ lâu trở thành trục giao thông huyết mạch, nối trung tâm thành phố với các điểm vui chơi, nghỉ dưỡng, ẩm thực nằm dọc bờ biển. Tuy nhiên, trái ngược với sự khang trang, sầm uất ở phía tây cầu Sông Hàn là hoạt động kinh doanh tự phát nhếch nhác, vỉa hè bị lấn chiếm, nước thải tràn xuống lòng đường.
Thời gian gần đây, khi trung tâm thương mại Vincom được đưa vào hoạt động, mật độ giao thông nơi đây càng trở nên nhộn nhịp. Điều đó đặt ra cho địa phương một thách thức về việc cải tạo lại không gian, cảnh quan cho phù hợp với sự phát triển chung của thành phố.
Tạo diện mạo mới, văn minh
Theo ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc, từ năm 2015, địa phương đã tiến hành thông báo cho các hộ dân nơi đây biết chủ trương của thành phố và quận về việc thu hồi, giao trả mặt bằng đã giải tỏa tại khu vực này.
"Đáng lẽ kế hoạch này sẽ thực hiện trước Tết Nguyên đán Bính Thân nhưng xét nguyện vọng của người dân, chúng tôi đã báo cáo lên quận, tạo điều kiện cho người dân được buôn bán trong dịp Tết”, ông Hùng cho biết. Từ ngày 16-2 đến nay, các hộ dân nơi đây đã tự nguyện trả lại mặt bằng. Theo UBND phường An Hải Bắc, có 23 hộ dân buộc phải tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng.
“Hiện tại, địa phương đang hoàn tất báo cáo gửi quận về kết quả thực hiện, đồng thời cũng đề xuất nên sớm triển khai các dự án, hoặc tiến hành san lấp, che chắn vì hiện trạng sau khi tháo dỡ cũng đang rất nhếch nhác”, ông Hùng nói.
Theo Chánh văn phòng UBND quận Sơn Trà Huỳnh Văn Hùng, đây là chủ trương của địa phương nhằm biến nơi này thành một điểm nhấn cảnh quan khang trang, hiện đại, góp phần vào việc xây dựng và phát triển Sơn Trà với ngành du lịch làm mũi nhọn.
Được biết, ngoài việc tháo dỡ các hàng quán nằm trong vệt đất đã giải tỏa từ năm 2002, quận Sơn Trà cũng đang tiến hành giải phóng mặt bằng khu vực hai bên tuyến đường Phạm Văn Đồng để tạo cảnh quan thông thoáng hơn.
Theo khảo sát, hiện còn 86 hộ dân nằm trong diện giải tỏa với kinh phí dự kiến khoảng 25 tỷ đồng.
Về vấn đề giải quyết việc làm cho các hộ dân sau khi đã giải tỏa, ông Huỳnh Văn Hùng khẳng định: “Quan điểm của quận trong việc này là không thể đáp ứng nguyện vọng của người dân bởi đây là khu vực đã được Nhà nước thu hồi, đền bù theo quy định, người dân cũng đã hưởng đầy đủ các quyền lợi của mình.
Hoạt động kinh doanh lâu nay là do địa phương tạo điều kiện, nay quận muốn thay đổi để tạo cảnh quan thông thoáng, văn minh hơn thì đương nhiên người dân phải có trách nhiệm hợp tác vì lợi ích chung của xã hội”. Được biết, sau khi việc tháo dỡ hoàn tất, quận Sơn Trà sẽ tiến hành san ủi mặt bằng, tạo cảnh quan cây xanh để khắc phục tình trạng nhếch nhác bấy lâu nay, trả lại môi trường đô thị xanh - sạch - đẹp theo đúng tinh thần Chỉ thị 43-CT/TU của Thành ủy về “Năm văn hóa, văn minh đô thị”. Về chủ trương đầu tư, xây dựng tại khu vực này, theo ông Hùng, hiện địa phương vẫn chưa có kế hoạch cụ thể.
Bài và ảnh: PHAN CHUNG