ĐNĐT - Thời khắc giao thừa, người người hồi hộp chào đón hàng ngàn đóa hoa sáng rực trên bầu trời. Nhà nhà tất bật với mâm cỗ cúng đầu xuân. Trong giờ phút thiêng liêng đó, lòng người chợt lắng lại khi nghe lời chúc năm mới của Chủ tịch nước.
Đã bốn mươi sáu năm, đến giao thừa chúng ta không còn được nghe Bác Hồ chúc tết, song tiếng Bác ngày nào như vẳng bên tai: "Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mĩ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn".
“Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội ”. Mùa xuân đem lại sức trẻ, niềm hứng khởi mới cho con người. Vào dịp đầu xuân, Bác Hồ thường làm thơ mặc dù thơ ca không phải là sự nghiệp chính của Người.
Trong hai mươi hai bài thơ chúc tết được sáng tác từ năm 1946 đến 1969, Bác đã nêu rõ mục đích sáng tác của mình: Mấy lời thân ái nôm na - Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân. Bài thơ chúc xuân cuối cùng trước lúc qua đời của Hồ Chủ tịch cũng được viết không ngoài mục đích ấy.
Thơ chúc tết của Bác là món quà đầu xuân được bọc bởi tấm lòng và niềm tin của một vị Cha già dân tộc gửi tới nhân dân trên khắp mọi miền. Xuân 1969 là mùa xuân cuối cùng, cả nước ở phút giao thừa hạnh phúc được nghe giọng đọc ấm áp của Bác. Bài thơ mãi mãi là nguồn cổ vũ lớn đối với đồng bào, chiến sĩ ta: "Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to".
Hai câu thơ là lời tổng kết thắng lợi của chiến dịch mùa xuân Mậu Thân 1968. Chỉ một năm trước, khi lời thơ chúc mừng năm mới của Bác vừa dứt cũng là lúc cuộc tổng tiến công và nổi dậy rền vang tiếng súng khắp miền Nam, đặc biệt là ngay giữa Sài gòn.
Ý thơ lấp lánh niềm tự hào về chiến thắng vẻ vang của mùa xuân năm trước. Đây cũng là thời điểm mà Lê Anh Xuân đã “tạc vào thế kỉ” một “dáng đứng Việt Nam” oai hùng giữa sân bay Tân Sơn Nhất, để cho Tổ quốc Việt Nam “bay lên bát ngát mùa xuân”.
Bên cạnh niềm phấn khởi, tự hào về thành công năm qua, ý thơ Bác sang sảng một niềm tin về một thắng lợi mới: Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to. Là người lãnh đạo phong trào đấu tranh của cả nước, Bác luôn mong mỏi thắng lợi. Điều này không phải là hào quang chiến thắng mà với Bác, thắng lợi nghĩa là chiến tranh sớm kết thúc, đất nước hòa bình, Bắc Nam sum họp.
Bác đã từng tâm sự: Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước nhà được độc lập, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Xuất phát từ sự chân thành giản dị đó, trong những bài thơ chúc tết Bác để lại, không thể thiếu những câu thơ tin tưởng thắng lợi: Trường kì và gian khổ, Chắc thắng trăm phần trăm (1952), Tin mừng thắng trận nở như hoa (1967), Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta (1968).
Trong một bài thơ sáng tác vào tháng 3-1968, mặc dù không viết vào dịp tết, song Bác vẫn đề cập đến vần “thắng” ấy: "Đã lâu không làm bài thơ nào/ Nay thử lại làm xem ra sao/ Lục khắp giấy tờ vẫn chửa thấy/ Bỗng nghe vần” thắng” vút lên cao"
Thời gian này, sức khỏe của Bác bị giảm sút do tuổi cao, sức yếu, làm việc nhiều. Dẫu vậy, tết đến, xuân về, Người vẫn trồng cây, đi thăm và chúc tết đơn vị pháo cao xạ, tên lửa bảo vệ thủ đô, dặn dò các chiến sĩ phải nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu.
Những việc làm của Người có sức động viên rất lớn cho đồng bào, chiến sĩ ta vượt lên cam go, thử thách. Trong bài hát “Mùa Xuân mới đọc thơ Bác Hồ”, nhạc sĩ Hoàng Vân có viết: "Thơ Bác đến với mùa xuân mới/ Đem niềm tin đi khắp mọi nơi/ Trên những chiến hào còn vương khói súng/ Trên những cánh đồng mơn mởn lùa chiêm/ Trên những bờ biển dạn dày gan góc/ Đến núi rừng xa xôi, trên khắp hai miền".
Thơ xuân của Bác là bài ca của cả nước, sáng mãi một tinh thần lạc quan Cách mạng. Hai câu giữa của bài thơ chúc tết 1969 thực chất chỉ là lời kêu gọi nhưng có sức tác động lớn lao: "Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mĩ cút, đánh cho ngụy nhào".
Nếu trong “Tuyên ngôn độc lập” 1945, Bác đã viết: Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị nhằm khẳng định thắng lợi to lớn của Cách mạng tháng Tám, thì ở đây ý thơ đã trở thành phương châm hành động và tiên tri chính xác cho chiến thắng vang dội của dân tộc ta ở 6 năm sau.
Hai câu cuối bài thơ Bác như hồi kèn xông trận, thúc giục chiến sĩ, đồng bào ta vững tay súng, chắc tay cày: "Tiến lên chiến sĩ, đồng bào/ Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn".
Hồi tưởng lại những cảm xúc của nhân dân nghe Bác đọc thơ chúc tết 1969, Tố Hữu đã ghi lại: "Bác ơi! Tết đến, giao thừa đó/ Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần/ Ríu rít đàn em vui pháo nổ/ Tưởng nghìn tay Bác vỗ sang xuân" (Theo chân Bác).
Nhắc đến sự nghiệp thơ ca của Bác, mọi người thường hay đề cập đến mảng thơ nghệ thuật, bởi đó là những vần thơ hàm súc, cô đọng, uyên thâm, kết hợp giữa chất cổ điển và hiện đại.
Nhưng những bài thơ chúc tết của Bác thuộc thơ ca tuyên truyền nên được viết theo hình thức bài ca, lời lẽ giản dị, mộc mạc, dễ thuộc, dễ nhớ, mang màu sắc dân gian, bởi Bác không sáng tác cho riêng mình mà cho mọi tầng lớp. Bài thơ chúc tết cuối cùng của Người không nằm ngoài phong cách giản dị đó.
Thế hệ trẻ hôm nay không còn được nghe Bác đọc thơ mỗi dịp tết đến, xuân về. Cũng có thể có người không hề quan tâm đến mảng thơ chúc tết của Người bởi cuộc sống mỗi ngày càng bận rộn và hiện đại hơn.
Hãy sống chậm hơn, lắng lại lòng mình để hiểu sâu hơn về lẽ sống của một con người vì hạnh phúc cả dân tộc mà hi sinh hạnh phúc của cá nhân mình. Cuộc đời và thơ ca của Bác vẫn sáng mãi muôn đời dù lớp bụi thời gian có phủ mờ đi tất cả. Để rồi mỗi mùa xuân đến, ta vẫn thầm mong: "Cho con ước tự bây giờ/ Mỗi năm vào buổi giao thừa mỗi năm/ Bác về cùng với nhân dân/ Đọc thơ tết lấy một lần, hãy đi" (Vũ Cao).
NGUYỄN THỊ THU THỦY