Chính trị - Xã hội

Ký ức ngày vào Đảng

08:10, 03/02/2016 (GMT+7)

Có một người duy nhất ở Đà Nẵng vào Đảng lúc mới 15 tuổi và cũng là đảng viên duy nhất hiện còn sống của Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ - chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Hòa Vang. Đó là cụ Nguyễn Như Gia, 92 tuổi, trú phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê.

Ký ức ngày vào Đảng không bao giờ phai trong lòng cụ Nguyễn Như Gia.
Ký ức ngày vào Đảng không bao giờ phai trong lòng cụ Nguyễn Như Gia.

Ngắm chiếc Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, cụ Gia bồi hồi nhớ lại ngày thành lập Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ, với bao kỷ niệm sâu sắc về một thời đấu tranh máu lửa.

Trong cái rộn ràng cuối năm, vị nhân chứng lịch sử bồi hồi kể: “Tôi sinh ra ở làng Phú Sơn, tổng An Phước, nay là thôn Phú Sơn, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang. Hồi ấy, nhân dân vùng tây bắc Hòa Vang hết sức cơ cực trong cảnh bóc lột của bọn quan lại, địa chủ, cường hào ác bá.

Nhiều gia đình nghèo đói, thiếu ăn triền miên. Ai cũng mong có ngày được vùng lên đánh đổ gồng xiềng nô lệ. Tại chợ Ngã tư làng Phú Sơn có một thanh niên tên là Nguyễn Hữu Tú mở tiệm may, thu hút khá đông khách. Tôi được anh chủ tiệm nhận vào học may, rồi trở thành thành viên của nhóm hoạt động bí mật, do chính anh phụ trách”.

Cụ Gia chia sẻ thêm, đầu năm 1939, hai đồng chí Xứ ủy viên Trung Kỳ là Lê Chưởng và Ngô Diễn lần lượt về Hòa Vang nắm tình hình, bàn việc thành lập chi bộ Đảng. Sau đó, các anh quyết định chọn 3 người là Nguyễn Hữu Tú, Nguyễn Như Gia và Nguyễn Lương Thúy để thành lập chi bộ.

Lễ thành lập chi bộ tiến hành vào một buổi tối giữa năm 1939, trong hang Chà Là, tại khu vực Gò Cà, làng Phú Sơn. Vào buổi lễ, đồng chí Ngô Diễn nói tóm tắt về tình hình, nhiệm vụ cách mạng và yêu cầu phải có chi bộ Đảng để lãnh đạo phong trào đấu tranh trên địa bàn huyện Hòa Vang, rồi tuyên bố thành lập chi bộ Đảng mang bí danh “Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ” với 3 đảng viên: Nguyễn Hữu Tú, Nguyễn Như Gia, Nguyễn Lương Thúy và chỉ định anh Nguyễn Hữu Tú làm Bí thư chi bộ.

Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ trở thành chi bộ Đảng đầu tiên ở Hòa Vang. Trong 3 đảng viên của chi bộ, 2 đồng chí Nguyễn Hữu Tú và Nguyễn Lương Thúy đã hơn 20 tuổi, riêng cụ Gia hồi đó mới 15 tuổi (cụ Gia sinh năm 1924).

Khi cụ Gia tập kết ra Bắc (1954), làm Phó Phòng chuyên gia Bộ Thủy Lợi, cơ quan chức năng thấy một người mới 15 tuổi đã vào Đảng là “không phù hợp”, nên đã ghi ngày vào Đảng của cụ Gia lùi lại 2 năm (1-1-1941). Sau ngày đất nước thống nhất, các tổ chức có thẩm quyền của huyện Hòa Vang xác định lại ngày vào Đảng của cụ Gia cũng chính là ngày thành lập Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ.

Mặt khác, do không có đủ tài liệu để xác định ngày, tháng, nên trong bia di tích Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ ghi thời điểm thành lập chi bộ là “giữa năm 1939”. Vì vậy, các tổ chức có thẩm quyền cũng xác định ngày vào Đảng của cụ Gia là năm 1939 (không ghi ngày, tháng).

Rạng ngời niềm tự hào, vị lão thành cách mạng kể tiếp: Sau khi thành lập chi bộ, cụ được phân công phụ trách công tác tuyên truyền và cất giấu tài liệu. Thông qua các hoạt động hợp pháp, chi bộ tích cực tuyên truyền vận động, phát triển tổ chức, khéo léo khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh chống ngoại xâm trong nhân dân, trước hết là với những người thân quen của các đảng viên.

Riêng trong Hội Bóng đá, chi bộ đã giác ngộ được gần 20 thanh niên. “Những thanh niên thường chơi bóng như Trần Tiếp, Đinh Sanh, Phạm Út, Phạm Tu sau khi được giác ngộ, đã hăng hái tham gia hoạt động, giao việc gì cũng làm tốt”, cụ Gia hào hứng.    

Năm 1942, cả 3 đảng viên đầu tiên của Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ đều bị bắt, bị tra tấn dã man, nhưng không ai khai báo. Địch kết án đồng chí Nguyễn Hữu Tú 6 năm tù giam, 20 năm quản thúc, cụ Gia và đồng chí Nguyễn Lương Thúy cùng bị 4 năm tù giam, 20 năm quản thúc. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (ngày 9-3-1945), 3 đồng chí lần lượt ra tù và tiếp tục hoạt động gây dựng lại phong trào…

Đã gần 80 năm kể từ ngày vào Đảng, trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, cụ Gia vẫn một lòng sắt son tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng. Ngày nào cụ cũng đọc Báo Đà Nẵng, Báo Nhân Dân cùng nhiều báo khác để nắm bắt thông tin thời sự, qua đó chia sẻ những hiểu biết và vốn sống của mình cho thế hệ trẻ.

Khi nghe hỏi cảm nghĩ về cuộc sống hiện tại, đôi mắt vị lão thành cách mạng 92 tuổi ánh lên niềm tin yêu phấn khởi: “Thành phố phát triển nhanh, nhiều đột phá, sáng tạo, trẻ em thuận lợi đến trường, người dân đi lại dễ dàng, Hòa Vang và các quận khác đều có bệnh viện lớn… Sự đổi thay kỳ diệu của Đà Nẵng đã gieo trong tôi bao niềm hy vọng và càng thêm yêu quý thành phố quê hương”.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

.