Thời gian qua, ngành giao thông đã nỗ lực triển khai hàng loạt biện pháp như hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, tổ chức lại giao thông tại các nút giao thông lớn trong thành phố. Thế nhưng, điều này chỉ phát huy tác dụng khi có lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) chốt trực trên đường; khi không có lực lượng này, giao thông lại bị ùn tắc vào những giờ cao điểm.
Nhiều giải pháp được đưa ra nhưng nút giao thông phía Tây cầu Sông Hàn vẫn bị ùn tắc giờ cao điểm. |
Nút giao thông lớn tắc vào giờ cao điểm
Vào các giờ cao điểm (buổi sáng 6-7 giờ, buổi chiều 17-19 giờ), việc lưu thông qua các nút giao thông lớn của thành phố như hai đầu cầu Rồng, phía Tây cầu Sông Hàn, các giao lộ Hải Phòng-Ông Ích Khiêm, Quang Trung-Ông Ích Khiêm-Trần Cao Vân, Đống Đa-Quang Trung, Nguyễn Văn Linh-Hoàng Diệu-Triệu Nữ Vương... là nỗi ám ảnh của người đi đường.
Tại các nút giao thông này vào giờ cao điểm, nếu không có lực lượng CSGT hoặc lực lượng này “mỏng” thì tình trạng ùn tắc càng nghiêm trọng hơn.
Đặc biệt, trong dịp Tết Bính Thân vừa qua, vào những ngày thời tiết trở lạnh và có mưa, số lượng ô-tô lưu thông trên đường tăng mạnh, không những các nút giao thông bị ùn tắc mà trên các trục đường nối các nút giao thông này cũng bị ùn tắc.
Lần đầu tiên trên địa bàn thành phố xuất hiện tình trạng các nút giao thông lớn ùn tắc đã “nối mạng” nhau. Đã có thời điểm ô-tô và các loại phương tiện khác chen kín trên đường Trần Phú từ nút giao thông phía Tây cầu Sông Hàn đến nút giao thông phía Tây cầu Rồng.
Tương tự, các trục đường Đống Đa, Hải Phòng, Ông Ích Khiêm, Trần Cao Vân… cũng đều kín dòng phương tiện. Tại điểm giao cắt với các đường lớn như Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn, Hàm Nghi... đều rơi vào tình trạng ùn tắc kéo dài.
Ùn tắc từ... ý thức
Nguyên nhân ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố có thể nói, trước hết là do ý thức của người tham gia giao thông chưa cao. Tại nút giao thông phía Tây cầu Sông Hàn, việc tổ chức giao thông khá khoa học như rút ngắn thời gian và cho rẽ phải, trái trước khi vào nút, hoặc cấm rẽ trái theo hướng từ cầu Sông Hàn vào đường Trần Phú ở các giờ cao điểm; bên cạnh đó, vào giờ cao điểm, thường xuyên có lực lượng CSGT hướng dẫn phân luồng cho các phương tiện.
Thế nhưng, nhiều người vẫn theo thói quen tìm mọi cách đi theo kiểu “tranh thủ” chen lấn làn đường, vượt lên người khác gây nên cảnh ùn ứ ngay tại nút. Ông Takeshi, chuyên gia tổ chức giao thông của JICA (Nhật Bản) - tác giả tổ chức lại giao thông nút phía Tây cầu Sông Hàn cũng đã thốt lên không hiểu tại sao giao thông đã được tổ chức lại thuận lợi như vậy mà người Việt Nam vẫn không chịu đi, chỉ đi theo... thói quen là cố chen vào những khoảng trống trên đường.
Ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố cũng đã nhiều lần than thở: “Đường đã tổ chức giao thông rạch ròi nhưng người tham gia giao thông không đi theo, lại đi theo kiểu... chen lấn. Ví dụ, khi rẽ trái hoặc phải thì trước khi vào nút phải từ từ chuyển làn về hướng mình định rẽ, như vậy sẽ không chặn hướng di chuyển của các phương tiện đi thẳng; đằng này, nhiều người đến nút rồi mới rẽ, như vậy làm sao các nút giao thông không ùn tắc được?”.
Mới đây, tại Hội thảo quốc tế về “Phát triển giao thông công cộng” do khoa Cầu đường, Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) tổ chức, nhiều chuyên gia quốc tế cũng đã tỏ ra ngạc nhiên và không thể giải thích nổi về thói quen của người Đà Nẵng chỉ đi theo đường gần nhất, bất chấp tuyến đường đó đang trong tình trạng ùn tắc giao thông.
Xây thêm cầu, mở thêm đường để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng là điều cần làm, tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở đây thì việc ùn tắc vẫn sẽ là bài toán nan giải của thành phố. Vì vậy, thời gian đến, cần tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra xử phạt, bên cạnh đó là việc cập nhật thông tin về tình trạng giao thông tại các nút, các trục đường lớn qua sóng FM trên ô-tô và loa phóng thanh ở trên đường phố. Có như vậy mới giải tỏa được sự ùn tắc giao thông.
Bài và ảnh: Thanh Vân