Biết ông bị bệnh đã lâu và dẫu biết sinh-lão-bệnh-tử là quy luật thường tình, nhưng nghe tin ông ra đi vào một ngày cận Tết Bính Thân (lúc 15 giờ ngày 1-2-2016, nhằm ngày 23 tháng Chạp năm Ất Mùi), gia đình, đồng đội, đồng nghiệp, bạn bè và những người quen biết ông đã không kìm nén được cảm xúc với niềm tiếc thương vô hạn. Tiếc thương ông - nhà báo Hoàng Xuân Thanh (bút danh Tâm Đức), một nhà báo đa tài.
Nhà báo Hoàng Xuân Thanh. |
Hoàng Xuân Thanh sinh ra trong một gia đình người Hà Nội. Năm 1963, theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, ông nhập ngũ. Năm 1965, ông được cử đi học khoa Anh văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Kết thúc khóa học vào tháng 12-1967, ông được phân công vào chiến trường Khu 5, trực tiếp về công tác tại Ban Binh vận, Thị ủy thị xã Hội An (nay là thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) với cương vị là phiên dịch tiếng Anh, trợ lý bảo tồn, bảo tàng thuộc Phòng Chính trị, mặt trận 4. Từ tháng 5-1976, ông là phóng viên Báo Quảng Nam - Đà Nẵng.
Trong những năm chống Mỹ, cứu nước, dù ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cấp trên tin tưởng và đồng đội, nhân dân yêu mến. Đặc biệt, ông đã được thưởng Huân chương Chiến công hạng ba - Huân chương cao quý nhất trong quân đội lúc bấy giờ.
Việc ông được thưởng Huân chương Chiến công cũng khá ly kỳ (vào năm 1968 hoặc 1969, trong hồ sơ cán bộ của ông do Tỉnh đội chuyển giao không ghi rõ năm ông được Huân chương Chiến công, chỉ ghi được thưởng Huân chương Chiến công). Ông từng kể: Năm đó, Thị đội thị xã có kế hoạch đánh một tàu chiến Mỹ đang đậu trên sông Hoài, Hội An, nhưng bên cạnh có một tàu bảo vệ của quân đội Nam Triều Tiên (Hàn Quốc). Vì vậy, việc đánh tàu chiến Mỹ gặp khó khăn. Hơn nữa, mục tiêu chính là tàu chiến Mỹ và Thị đội không có ý định đánh tàu bảo vệ của Nam Triều Tiên vì họ chỉ là những người đánh thuê cho Mỹ. Đang bối rối về phương án tác chiến, ông có sáng kiến viết một bức thư dưới dạng truyền đơn để gửi đến tàu Nam Triều Tiên, trong đó nói rõ rằng quân ta không có ý đánh tàu Nam Triều Tiên nên yêu cầu các binh sĩ của tàu Nam Triền Tiên không tham chiến. Phương án này không được nhiều người tán đồng vì nó rất phi phỏng, cơ hội thành công gần như bằng không. Song, vì không có phương án nào khác nên lãnh đạo Thị đội đồng ý để ông viết thư, đồng thời vẫn có phương án có thể phải đánh cả hai tàu nhằm tiêu diệt bằng được tàu chiến Mỹ.
Không biết trong thư ông viết gì nhưng khi quân ta đánh tàu chiến Mỹ thì binh sĩ trên tàu Nam Triều Tiên không tham chiến. Nhờ đó, trận đánh diễn ra thuận lợi và ta đã tiêu diệt được tàu chiến Mỹ với tổn thất ít nhất. Vì vậy, Thị đội và Thị ủy Hội An đã báo cáo lên cấp trên và ông được thưởng Huân chương Chiến công vì góp phần quan trọng vào chiến thắng này.
Những năm tháng làm phóng viên Báo Quảng Nam - Đà Nẵng, ông luôn là người đi đầu, xông pha vào những nơi khó khăn, vất vả. Khi huyện Núi Thành tách ra thành lập huyện mới, còn nhiều khó khăn, nhưng ông đã tình nguyện thường trú ở Núi Thành nhiều tháng. Những bài viết của ông đã góp phần giúp báo hoàn thành nhiệm vụ chính trị và động viên cán bộ, nhân dân huyện Núi Thành vượt qua những khó khăn ban đầu, xây dựng huyện Núi Thành ngày càng phát triển.
Khi báo có chủ trương đẩy mạnh tuyên truyền về các huyện miền núi (khi đó tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng có 4 huyện miền núi là: Phước Sơn, Trà My, Giằng và Hiên), trong đó huyện Hiên khó khăn nhất. Thời điểm đó, xe khách không lên tới trung tâm huyện được (thị trấn Trao). Thế nhưng, khi báo thành lập Phòng Miền núi và huyện Trung du Tiên Phước, ông xung phong làm trưởng phòng và trực tiếp thường trú tại huyện Hiên. Nhiệm vụ của các phóng viên là một tháng tổ chức một trang báo tuyên truyền về các huyện nói trên. Sau một thời gian, mỗi phóng viên phải tổ chức một bản tin. Như vậy, mỗi phóng viên vừa tổ chức viết tin, bài, chụp ảnh với sự hỗ trợ của tòa soạn. Riêng ông, ngoài việc tổ chức tin, bài, ảnh, ông còn tự trình bày bản tin, thiếu thơ thì ông làm thơ, không có minh họa thì ông tự minh họa. Cứ thế, ông đã làm được mọi công việc để ra một tờ tin (một tờ báo thu nhỏ). Chừng đó cũng cho thấy ông là một nhà báo đa tài. Ngoài ra, ông có thể chơi được một số nhạc cụ và vẽ khá đẹp, nhất là phác thảo chân dung…
Hoàng Xuân Thanh là người làm báo rất sát cơ sở. Nhờ vậy, ông hiểu được tận cùng những nỗi đau, sự gian nan, vất vả của người lao động, đặc biệt là thân phận của những người bất hạnh. Năm 1990, ông xin nghỉ hưu rồi cùng một số người bạn thành lập Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em đường phố với hy vọng giúp trẻ em có hoàn cảnh bất hạnh, bị bỏ rơi, lang thang, cơ nhỡ có cuộc sống tốt hơn. Được sự giúp đỡ, động viên của nhiều lãnh đạo thành phố, Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em đường phố được thành lập, tổ chức thu nhận, nuôi dạy hàng trăm em nhỏ có hoàn cảnh đáng thương trưởng thành, hòa nhập với xã hội.
Cách huy động tiền để có kinh phí nuôi trẻ ở Trung tâm rất độc đáo. Hoàng Xuân Thanh kể, có lần, có một đoàn 10 du khách người Mỹ đi dạo thành phố bằng 10 chiếc xích-lô và ghé thăm Trung tâm. Họ hỏi ông về số phận và hoàn cảnh của các em nơi đây. Ông nói rằng, trung tâm đang phải khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh do Mỹ gây ra cho Việt Nam, nên sau chiến tranh, nhiều em không còn cha, mẹ vì chết trong chiến tranh, hoặc do bom rơi, đạn lạc của quân đội Mỹ, hoặc do bom đạn của Mỹ còn sót lại trên chiến trường… 9 du khách đã đóng vào quỹ của Trung tâm mỗi người 100 USD và một du khách đóng 50 USD. Ngoài ra, trung tâm còn nhận được sự đóng góp hảo tâm của nhiều du khách quốc tế, các nhà hảo tâm trong nước, của chính những em đã được nuôi dưỡng tại đây và trưởng thành…
Ông ra đi với nhiều tâm nguyện chưa hoàn thành. Thay mặt những đồng nghiệp ở Báo Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), Báo Đà Nẵng, Báo Quảng Nam (ngày nay) xin mượn trang viết này như một nén hương đưa tiễn ông về cõi vĩnh hằng.
ĐỨC THỊNH