.

Phá rừng ở bán đảo Sơn Trà

.

Trong vòng một tháng kể từ trước Tết Nguyên đán Bính Thân đến nay, hàng chục người dân ngang nhiên dựng lán trại, tổ chức mở đường, chặt phá rừng trái phép ở tiểu khu 64, bán đảo Sơn Trà, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

Lực lượng chức năng tháo dỡ lán trại xây dựng trái phép. Ảnh: NGỌC ĐOAN
Lực lượng chức năng tháo dỡ lán trại xây dựng trái phép. Ảnh: NGỌC ĐOAN

Chặt phá cây vô tội vạ

Theo chỉ dẫn của người dân, sáng 25-2, chúng tôi men theo con đường nhựa hướng Cảng Tiên Sa khoảng 2km chạy quanh bán đảo Sơn Trà để tìm đến khu vực rừng bị xâm hại nghiêm trọng. Từ mép đường nhựa, một con đường đất rộng chừng 2m được cày xới kéo dài xuống khu lán trại công nhân nằm cách đó khoảng 400m. Trong khu vực này, có hàng trăm gốc cây rừng to bằng bắp vế, cổ tay người bị đốn hạ trơ gốc. Cạnh đó, từng đống cành nhánh cây rừng khô khốc đã bị chặt hạ nằm lăn lóc dưới đất.  

Trong khu lán trại được dựng bằng tôn, khung sắt, diện tích rộng gần 50m2, có gần chục công nhân tá túc. Ông Trương Miên (56 tuổi, trú xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) cho biết, trước Tết, ông được một người tên Hồng, ở phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) thuê, cùng với nhiều người nữa chặt phá cây rừng, mở đường ở khu vực này, với tiền công 160.000 đồng/ngày và được bao ăn uống, ngủ nghỉ tại chỗ.

Sau khi về nghỉ Tết, ông Hồng nhờ ông Miên thuê thêm 8 người dân cùng quê xã Đại Hồng ra làm tiếp cho đến nay. Khi chúng tôi hỏi mục đích chặt cây rừng, mở đường để làm gì, ông Miên thật thà nói: “Họ thuê thì tôi và anh em chỉ biết làm vậy thôi, chứ chẳng biết mục đích họ làm gì”.

Gần đó, một người đàn ông xưng tên Nguyễn Văn Tâm (trú phường Thọ Quang) cho biết, khu đất này của ông được Nhà nước giao khoán năm 1998, với tổng diện tích 7ha. Do nhà không có người nên ông Tâm chuyển nhượng một phần diện tích cho người quen.

Và người này đã không báo chính quyền địa phương, cơ quan chức năng khi thuê công nhân đến khu đất dựng lán trại, mở đường phát rừng để trồng cây sưa, vú sữa…

Nhìn cảnh tượng một vạt rừng bị tàn phá tan hoang, anh Bùi Văn Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học - Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (trụ sở quận Sơn Trà), xót xa nói: “Hằng ngày, tôi ở bán đảo Sơn Trà để quan sát, nghiên cứu về voọc chà vá chân nâu (loài vật quý hiếm ghi trong sách đỏ Việt Nam - PV). Khu vực này voọc chà vá chân nâu thường hay kéo cả đàn đến đây tìm kiếm thức ăn. Cách đây vài hôm, khi phát hiện có người chặt phá cây rừng, mở đường trái phép, tôi đã báo cơ quan chức năng để kiểm tra, ngăn chặn”.

“Ở bán đảo Sơn Trà hiện có khoảng 250 cá thể voọc chà vá chân nâu quý hiếm đang sinh sống. Việc phá rừng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái nơi đây. Nhìn cảnh ngôi nhà của những con voọc nhỏ bé này bị tàn phá, tôi đau xót lắm”, anh Tuấn tâm sự.

Một trong những gốc cây tự nhiên to như thế này đã bị đốn hạ không thương tiếc. Ảnh: NGỌC ĐOAN
Một trong những gốc cây tự nhiên to như thế này đã bị đốn hạ không thương tiếc. Ảnh: NGỌC ĐOAN

Cơ quan chức năng không hay biết?

Ngay sau khi phát hiện vụ việc, sáng 25-2, lực lượng chức năng quận Sơn Trà phối hợp với Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng tiến hành kiểm tra, tháo dỡ lán trại xây dựng trái phép, đình chỉ mọi hoạt động, đẩy đuổi công nhân ra khỏi khu vực rừng ở tiểu khu 64, bán đảo Sơn Trà. Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN&PTNT, cũng đã đến hiện trường để kiểm tra tình trạng phá rừng và dựng lán trại trái phép này.

Theo ông Trần Văn Thanh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, thực hiện theo chỉ đạo của UBND thành phố, năm 2015, Hạt kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn đã bàn giao cho UBND phường Thọ Quang quản lý 1.073 ha đất rừng và Hạt kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn quản lý 2.539ha trong khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.

Căn cứ vị trí rừng bị chặt phá, khu đất này đã được Hạt kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn bàn giao cho UBND phường Thọ Quang quản lý, chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, ông Thanh thừa nhận để xảy ra vụ chặt phá rừng này cũng một phần do anh em cán bộ kiểm lâm chủ quan, nghĩ rằng đất rừng này đã giao cho UBND phường Thọ Quang quản lý nên lơ là trong kiểm tra.

Trong khi đó, ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang, bức xúc cho rằng, trên thực tế, UBND phường Thọ Quang chỉ nhận bàn giao diện tích rừng, đất rừng trên giấy tờ. Hạt kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn chưa thực hiện việc bàn giao chi tiết từng trường hợp được giao khoán, diện tích cụ thể trên thực địa.

“Vì vậy, để xảy ra tình trạng phá rừng, xây dựng lán trại, mở đường trái phép này do lực lượng kiểm lâm không làm tròn trách nhiệm, buông lỏng công việc quản lý, bảo vệ rừng. Ngay cả cán bộ kiểm lâm địa bàn có tên trong danh sách lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của UBND phường Thọ Quang, nhưng lâu nay chúng tôi không thấy mặt mũi anh cán bộ này đâu cả (?!)”, ông Công nói.

Sẽ xử lý nghiêm

Ông Lê Mạnh Hùng, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng, yêu cầu trước mắt Hạt kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn phối hợp với UBND phường Thọ Quang hoàn tất việc tháo dỡ lán trại ngay trong ngày, đẩy đuổi công nhân làm thuê ra khỏi hiện trường, không để tình trạng xâm hại rừng tái diễn. Bên cạnh đó, Hạt kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn báo cáo cụ thể về nguồn gốc đất, chủ sở hữu… về Chi cục kiểm lâm thành phố Đà Nẵng để có hướng tiếp tục xử lý.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng tại hiện trường, ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, vụ việc này phải xử lý nghiêm đến nơi đến chốn. Ai làm sai, thiếu trách nhiệm phải nhận trách nhiệm chứ không đùn đẩy, đổ lỗi cho nhau.

Trước mắt phải làm rõ trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm địa bàn, Hạt kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn. Bên cạnh đó, ông Ban cũng cho biết thêm, việc giao đất rừng cũng chưa xong nên Sở NN&PTNT sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương rà soát làm dứt điểm để dễ quản lý, khỏi bị chồng chéo.

NGỌC ĐOAN - HOÀNG LONG

;
.
.
.
.
.