Chính trị - Xã hội
Đảm bảo hài hòa giữa các bên
Theo quy định, các kết quả nghiên cứu được hình thành từ nguồn ngân sách Nhà nước là thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai các vấn đề liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ và khai thác các quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng, nhất là ở các địa phương.
Việc phân chia lợi ích các kết quả nghiên cứu cần hợp lý để ngày càng có thêm nhiều tác giả/nhóm tác giả tham gia nghiên cứu khoa học. Trong ảnh: Giảng viên Trường CĐ Lương thực- Thực phẩm tham gia nghiên cứu khoa học. |
Nhiều vướng mắc
Theo ông Võ Chí Chính, Phó phòng Khoa học, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), trên thực tế, các đề tài nghiên cứu khoa học được chuyển giao không nhiều, các đề tài tạo ra được sản phẩm và cho lợi nhuận lại càng ít. Vì vậy, cần có cơ chế khuyến khích, thúc đẩy các nhà khoa học, các tác giả, nhóm tác giả trong việc nghiên cứu và thực hiện các đề tài nghiên cứu để tạo ra lợi ích thiết thực.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hoài Đức, Trung tâm Vi mạch, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết, trong quá trình thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu, có lẽ khó nhất là việc thống nhất rõ ràng kinh phí giữa các bên liên quan. Bởi, để triển khai một đề tài nghiên cứu khoa học, tác giả/nhóm tác giả phải mất 6 tháng, 1 năm, thậm chí hàng chục năm trời mới cho ra được sản phẩm ứng dụng hiệu quả trong thực tế.
Mà không phải đề tài nào, các tác giả/nhóm tác giả cũng được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, có lúc, họ phải bỏ tiền túi ra để thực hiện. Ngoài ra, các tác giả/nhóm tác giả nghiên cứu đó cũng chỉ là những người làm công tác khoa học nên khả năng thương mại hóa không dễ.
Vì vậy, bài toán đặt ra là làm thế nào có sàn giao dịch thống nhất trong cả nước để các đề tài nghiên cứu đó được lên sàn và lúc đó, khả năng thương mại hóa các đề tài, sản phẩm nghiên cứu sẽ “rộng cửa” hơn.
Đảm bảo lợi ích hài hòa
Theo đại diện Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Đà Nẵng, tại Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố yêu cầu rất cao về khả năng ứng dụng đối với các kết quả nghiên cứu. Vì vậy, bên cạnh việc định hướng nghiên cứu, xác định các vấn đề nghiên cứu có khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn, thành phố rất quan tâm đến việc làm thế nào các kết quả nghiên cứu thực sự đi vào cuộc sống, đồng thời tìm cơ chế để giao quyền chủ động cho các tổ chức, cá nhân có khả năng ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu một cách hiệu quả.
Ông Huỳnh Văn Ngộ, Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN Đà Nẵng cho rằng, cơ chế phân chia lợi ích hợp lý giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả khi giao quyền sở hữu, quyền sử dụng các kết quả nghiên cứu có sử dụng ngân sách Nhà nước đã được thành phố giao cho Sở KH&CN thực hiện.
Nội dung này cũng được quy định tại Điều 42 của Nghị định 08 về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KH&CN (NĐ 08/2014/NĐ-CP); tuy nhiên, nghị định chỉ đề cập đến những vấn đề cơ bản mang tính nguyên tắc nên trong thực tế, Đà Nẵng cũng như các địa phương khác trong cả nước vẫn gặp nhiều lúng túng.
Cũng theo ông Ngộ, Đà Nẵng rất mong muốn đưa các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng để góp phần phục vụ lợi ích cộng đồng. Tuy nhiên, đây là vấn đề khá mới mẻ nên thành phố mong muốn Bộ KH&CN quan tâm, hướng dẫn cụ thể để công tác phân chia lợi ích hợp lý, đảm bảo hài hòa cho các bên liên quan.
Trước đây, Bộ KH&CN chưa có quy định cụ thể về cơ chế phân chia lợi ích hợp lý giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả nên các địa phương gặp khó khăn trong phân chia lợi nhuận khi chuyển giao, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và định giá tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách Nhà nước. Nhưng từ khi Thông tư số 15/2014/TT-BKHCN có hiệu lực, những vấn đề trên đã được làm rõ.
Cụ thể, đã có những quy định về các đối tượng giao và được giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu. Các trình tự, thủ tục giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu có sử dụng ngân sách Nhà nước cũng được quy định chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới nên theo ông Phùng Văn Quân, đại diện Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cho biết, Bộ KH&CN sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương để công tác phân chia lợi ích các kết quả nghiên cứu hợp lý. Mục đích cuối cùng là khuyến khích để ngày càng có thêm nhiều tác giả/nhóm tác giả tham gia nghiên cứu khoa học và sau khi nghiên cứu xong, các đề tài đó có khả năng ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn.
Bài và ảnh: Thanh Tình