.

Pháo anh trên đồi cao

Tu… tu… tu! Hồi còi tàu vào cảng Tiên Sa kéo tôi về thực tại. Sắp hết một năm đầy biến động về chính trị, kinh tế và quốc phòng - an ninh ở khu vực và thế giới. Biển Đông “dậy sóng”, những người lính làm nhiệm vụ canh giữ biển trời phải luôn giữ chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu khi Tổ quốc cần. Cùng với Trạm Rada 29 (Trung đoàn 290), trên bán đảo Sơn Trà còn có các đơn vị pháo phòng không của Trung đoàn 224 (Sư đoàn 375) đứng chân.

Ngày cuối năm, người bạn đưa tôi lên Bãi Nghiêng (bán đảo Sơn Trà) thăm đơn vị cũ. Chỉ huy đơn vị cho biết, đây là Đại đội 4 - Trung đoàn 224, có nhiệm vụ bảo vệ bến cảng, sân bay Đà Nẵng và Sở chỉ huy Vùng 3 Hải quân.

Hôm tôi đến, đơn vị đang huấn luyện chiến đấu. Khác với vẻ trầm mặc của những điểm du lịch dịp đông về, trong tiết trời mù sương, cả trận địa vẫn âm vang khẩu lệnh: “Đại đội vào cấp 1!”, “Nạp đạn sẵn sàng chiến đấu!”, “Đại đội sục sạo các hướng được phân công, thành phần nào bắt tiêu báo về sở chỉ huy!”… Lá cờ đỏ trên tay khẩu đội trưởng giương cao, ánh mắt ngời sáng của pháo thủ ngồi trên mâm pháo dõi theo từng động tĩnh trên nền trời đậm đặc.

Đại đội sục sạo, nòng pháo cao xạ lúc hướng ra biển xanh, khi quay vòng lên núi. Bỗng pháo ngừng quay, tiếng pháo thủ hô vang: “Một tiêu! Hai tiêu!…”. Những thanh âm của ô-tô, tàu thuyền ra vào cảng Tiên Sa, sóng biển ì oạp vỗ vào bờ vọng lên ồn ả, nhưng không thể nào át được tiếng hô đanh gọn của các anh, những người lính cao xạ đêm ngày trên mâm pháo canh trời, giữ biển.

Tranh thủ thời gian giải lao tại trận địa, Thượng úy Nguyễn Văn Chung, Chính trị viên đại đội, không khỏi tự hào khi nói về truyền thống đơn vị: “Đại đội 4 được thành lập ngày 1-4-1953 tại xã Bộc Nhiêu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên với phiên hiệu ban đầu là Đại đội 827, thuộc Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367. Đến tháng 4-1958, đơn vị được đổi tên thành Đại đội 4, thuộc Tiểu đoàn 14, Trung đoàn 224.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đại đội đã tham gia chiến đấu hơn 2.500 trận, bắn rơi 13 máy bay của Pháp và Mỹ. Với những thành tích trên, tập thể đại đội đã được tặng thưởng 16 Huân chương Chiến công, nhiều cờ và bằng khen các loại. Đặc biệt, ngày 16-12-2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định tuyên dương Anh hùng LLVTND cho Đại đội 4, Trung đoàn 224.

Quan sát các chiến sĩ của mình thuần thục từng động tác tháo, nạp đạn, quay tầm hướng, Đại úy Trần Hữu Cường, Đại đội trưởng chia sẻ: “Trận địa đóng ở trên cao lại sát biển nên những khi mưa bão về, đơn vị gặp khá nhiều khó khăn.

Mưa từ ngoài biển quất vào, nước trên núi chảy xuống ào ào. Vì vậy, công tác huấn luyện chiến đấu hầu như chỉ diễn ra trong nhà. Còn khi có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, tất cả đều lên mâm pháo”. Ai đã từng đi qua “mùa giông bão” nơi đây mới có thể cảm nhận hết sự gian khổ của người lính trên điểm cao trước biển. Mưa dữ dội và nắng thì cũng khắc nghiệt không kém.

Dù gió biển lồng lộng thổi nhưng ngồi trên những khối sắt, mắt căng lên nhìn bầu trời dưới cái nắng đổ lửa thì không phải là điều dễ chịu. Ấy vậy mà binh nhất Lê Khánh Văn, người con của quê hương Đại An (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), mới nhập ngũ hồi tháng 8-2015, vẫn khẳng khái: “Được công tác tại Đại đội 4 anh hùng là niềm tự hào của tôi. Ở đây, tôi học được rất nhiều điều từ tính kỷ luật, tác phong khoa học đến tinh thần trách nhiệm đối với công việc, mọi người xung quanh”.

Đằm hơn trong suy nghĩ, Trung sĩ Phan Thanh Tiến, Tiểu đội trưởng Thông tin, nhập ngũ tháng 2-2014, đã chuẩn bị tư tưởng cho ngày ra quân: “Khi trở về địa phương, tôi tin chắc mình sẽ chín chắn hơn, tự tin trước mọi công việc”. Còn trước mắt, đối với Văn, Tiến và cán bộ, chiến sĩ Đại đội 4 là: “Luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ sự bình yên của bầu trời Tổ quốc.

Không để Tổ quốc bị bất ngờ bởi các tình huống trên không”. Đà Nẵng - thành phố sầm uất nhất miền Trung, khách du lịch trong và ngoài nước đổ về quanh năm, là chốn vui chơi, nghỉ dưỡng với: Bà Nà, Non Nước, Công viên Biển Đông...

Ngoài ra, đây cũng là nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện lớn như: hội nghị quốc tế, thi bắn pháo hoa, tàu hải quân các nước ghé cảng Tiên Sa v.v... Những lúc như vậy, yêu cầu sẵn sàng chiến đấu cao hơn bao giờ hết.

Người lính cao xạ luôn sẵn sàng túc trực bên mâm pháo. Để cán bộ, chiến sĩ yên tâm gác lại “niềm vui phố thị”, chỉ huy đại đội đã làm tốt công tác tư tưởng, xem đơn vị là nhà; trên dưới một lòng, xác định được bảo vệ cuộc sống bình yên của phố biển là niềm tự hào của người chiến sĩ phòng không.

Bóng chiều buông, xa xa trên con đường nhựa chạy suốt dọc sông Hàn đã có một số hộ kinh doanh hoa cúc, quất, mai… tìm những khu đất trống để trưng bày sản phẩm. Dân thành phố không đi sắm Tết vội vàng, gấp gáp như ở quê.

Họ thảnh thơi, từng đôi trai gái dập dìu thưởng ngoạn là chính. Còn những người làm ăn xa sau một năm bận rộn, lại hối hả mua vé tàu xe để chờ ngày về Tết. Công nhân các khu công nghiệp, hoặc sinh viên con nhà nghèo, có người ở lại làm thêm để kiếm chút thu nhập. Người giàu, người nghèo đều bộn bề lo toan cho cuộc sống của mình, chăm chút gia đình dịp Tết đến, xuân về.

Không biết trong số đó, có ai nghĩ đến những người lính vẫn ngày đêm trên trận địa vững chắc tay súng cho biển trời bình yên. “Làm người lính, trực Tết là chuyện bình thường. Chúng tôi không mấy bận tâm về điều đó. Chỉ cốt làm sao tổ chức được cái Tết thật ấm cúng cho anh em chiến sĩ mới xa nhà, giúp cho họ hiểu thế nào là Tết quân đội”, Đại đội trưởng Cường cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi.

Được biết, chiến sĩ của đơn vị là con em các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam và Đà Nẵng. Có người đã một lần ăn Tết tại điểm cao, có người đang háo hức chờ lần đầu được đón giao thừa trên mâm pháo. Dẫu biết rằng, Tết là dịp để gia đình đoàn tụ, nhưng với các anh, đây cũng là dịp để thể hiện trách nhiệm của người trai trẻ với Tổ quốc.

Bất chợt, tôi nhớ đến câu thơ mà nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài Hoan hô chiến sĩ Điện Biên: “Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/ Nát thân, nhắm mắt, còn ôm”. Tiếp bước cha anh, các chiến sĩ phòng không hôm nay vẫn đêm ngày trên mâm pháo, canh giữ cho biển trời thành phố bình yên.

NGUYÊN AN KHÁNH

;
.
.
.
.
.