Báo Đà Nẵng vừa nhận được những dòng nhật ký để lại của ông Mười Khôi, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhật ký do ông Phạm Chí Hòa, con trai ông, chép lại. Ông Phạm Chí Hòa vừa qua đời hôm 27 tháng Chạp năm Ất Mùi.
Cuộc đời ông Mười Khôi, như lời ông Phạm Chí Hòa, là một cuộc đời chiến đấu hết mình vì đất nước, một tấm gương chính trực, liêm khiết, không màng danh lợi. Báo Đà Nẵng giới thiệu cùng bạn đọc phần nhật ký về âm mưu thủ đoạn của Mỹ-Diệm và cuộc đấu tranh mưu trí, gian truân của các chiến sĩ cộng sản ở lại miền Nam.
Ông Mười Khôi (giữa) trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu |
Kỳ 1: Thời kỳ gian khó (*)
Lúc đầu khi có Hiệp định Genève, Khu ủy triệu tập Thường vụ các Tỉnh ủy về Khu dự hội nghị tại Bồng Sơn, Bình Định do Trung ương chủ trì, nói rõ thắng lợi của Hiệp định và phổ biến văn kiện Hiệp định. Chủ trương của Trung ương, Khu ủy là lấy Hiệp định làm vũ khí để phát động quần chúng học tập, nắm vững lợi thế, làm bùa hộ mệnh gối đầu giường để đấu tranh với địch.
Tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng chia làm 4 khu vực để hướng dẫn học tập Hiệp định và chủ trương của ta. Khu vực Đà Nẵng, Đại Lộc, Hòa Vang giao cho đồng chí Nguyễn Thành Long hướng dẫn; khu vực Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An do tôi (Mười Khôi) hướng dẫn; khu vực Quế Sơn, Thăng Bình do đồng chí Bốn Hương hướng dẫn; khu vực Tam Kỳ, Tiên Phước do đồng chí Đào Đắc Trinh hướng dẫn.
4 huyện miền núi thì huyện nào do huyện đó hướng dẫn vì miền núi địch chưa đến các nơi này nên có thời gian Tỉnh ủy chỉ đạo giúp đỡ sâu hơn một ít. Các cơ quan như Quân đội và Công an thì ban lãnh đạo mỗi ngành tự chịu trách nhiệm hướng dẫn học tập.
Về Đảng: Tỉnh ủy do Khu ủy chỉ định một số đồng chí vào cấp ủy, một số cho đi tập kết, còn số nào có địa vị xã hội thì ra sống hợp pháp làm nghề buôn bán, thương lái, hay làm thầy giáo dạy học, làm thợ để sinh sống.
Ở cấp huyện thì Tỉnh ủy chỉ định một số đồng chí ở lại hoạt động bí mật, số nào quá lộ thì cho đi tập kết. Ở cơ sở, lựa số đồng chí không bị lộ ghép vào để chia lại chi bộ nhỏ theo thôn, không tổ chức theo xã như trước, còn số cho đi tập kết, số có điều kiện thì ra sống hợp pháp làm ăn.
Sau khi đi triển khai nghị quyết xong, trên đường về lại cơ quan, lúc này gặp rất nhiều khó khăn, địch đã chiếm đóng hầu hết các huyện phía bắc của tỉnh, chúng tiến hành thành lập chính quyền các cấp, ra sức canh gác, lùng sục khắp nơi, các tuyến đường hành lang đi lại của ta gặp nhiều khó khăn nguy hiểm. Tôi buộc phải đi từ Điện Bàn và Tam Kỳ, Tiên Phước, xuyên rừng, lội suối, vượt sông chịu đựng bao nhiêu gian khổ, hiểm nguy, đói khát để tìm đường về cơ quan Tỉnh ủy, lúc này chuyển về đóng ở núi Trung Mang.
Tôi giỏi bơi lội như con rái cá thế mà lần này vượt sông có lần tôi bị kiệt sức, bị nước cuốn trôi, ráng cố sức tôi bơi được vào bờ thì bị ngất xỉu, nằm một lúc sau tỉnh lại, tôi lần mò về thôn Sùng Công, xã Điện Tiến đến nhà một cơ sở cách mạng trung kiên cũng là người anh em bạn rể với tôi để vừa kiếm cái ăn cho lại sức vừa để dò la tin tức địch.
Không may, gia đình người anh đã bị địch xúc tát vào khu dồn ấp chiến lược, tôi phải mò vào núi Cấm Lớn tìm chỗ nghỉ lại, hy vọng sáng hôm sau trở về vườn cũ của nhà anh tìm trái mít, quả chuối ăn đỡ qua cơn đói kiệt. Rất may, gặp cháu Nguyễn Thị Lự, con của anh khoảng 15, 16 tuổi về lại vườn nhà cũ đào khoai.
Cháu lúc nhỏ tôi rất thương và quý mến, cháu cũng rất quý mến và nghe lời tôi. Chú cháu mới xa nhau chưa đầy vài năm thế mà nó không nhận ra tôi, sau khi nghe giọng tôi nói cháu òa khóc và ôm chầm lấy tôi. Tôi bảo cháu tôi đừng khóc nữa, tôi hỏi qua số tình hình rồi bảo cháu về nói với ba, nếu không có ba ở nhà, con nấu cho chú ít cơm giấu kín đem ra bờ tre gần bờ ao nhà mình để ở đó, tối chú sẽ ra lấy.
Tối đến, tôi ra nhận cơm, thịt gà gói trong lá chuối, ăn xong tôi viết lại thư dặn: Con về nói lại với dì Hòa (vợ tôi) mua cho chú ang gạo, hủ mắm cái cho hết vào bao, giả vờ như đi làm đồng, tìm cách mang ra vườn cũ cho chú.
Nhận được các thứ theo yêu cầu, ngay trong đêm đó tôi nhanh chóng ra đi vượt sông Yên tìm đường lên núi Gò Cà để sáng sớm đã vào được trong núi, tránh được vùng canh gác nghiêm ngặt của địch. Khi qua khỏi sông, tôi tranh thủ mang bao gạo, vượt đồng trống, chạy vào hướng núi. Chẳng may ra giữa đồng, túi bị đứt rớt bể hủ mắm, gạo đổ, tôi cố hốt hết lại, chẳng ngại gạo thóc, mắm muối, đất đá, lộn xộn vào nhau, miễn sao hốt hết gạo, mắm là được, rồi gói lại chạy về núi.
Hơn 3 tháng, cơ quan Tỉnh ủy không thấy tôi về nên đã dời cơ quan đi nơi khác, chỉ để lại mật hiệu. Tôi cố ở lại đây 2 ngày dùng lon sữa bò để nấu cơm ăn, lon sữa nhỏ, cơm chưa ăn đã hết, cái đói vẫn cồn cào, phải nấu tiếp để ăn. Miệng vẫn còn thèm ăn song đành chịu không dám nấu nữa, phải để dự trữ cho những ngày sau.
Biết trước tình hình sẽ khó khăn, tôi đề nghị Tỉnh ủy mạnh dạn báo cáo Khu ủy cho để lại 3 tiểu đoàn có trang bị vũ khí đầy đủ để đưa lên các huyện miền núi xây dựng căn cứ sẵn sàng nếu địch không thi hành Hiệp định đánh ta thì ta đánh trả, ta cũng nhận định địch sẽ không thi hành Hiệp định. Song đề nghị này không được Khu ủy đồng ý.
Khi Mỹ vào, nhân dân và nhiều cán bộ đảng viên ta sợ Mỹ vì thấy Mỹ mạnh. Trước tình hình đó, Đảng bộ Quảng Nam-Đà Nẵng kiên quyết chỉ đạo học tập 3 tháng để nắm vững đường lối đấu tranh của Đảng, xác định rõ quan điểm, lập trường cách mạng, không sợ Mỹ, quyết đánh Mỹ.
Lúc này, nhân tình hình đảng phái Quốc dân Đảng và Đảng Cần Lao Nhân Vị của Diệm chống đối nhau giành quyền lực, ta chủ trương “di ác”, “diệt ác”, tức dùng địch để đánh địch. Việc này Tỉnh ủy giao cho đồng chí Bốn Hương trực tiếp chỉ đạo. Ban đầu có một số kết quả, song sau Diệm thắng, Quốc dân Đảng thua đầu hàng ngã theo Diệm, chủ trương này không thực hiện được nữa.
Ông Phạm Tứ (Mười Khôi) sinh ngày 4-4-1917 tại xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông tham gia cách mạng ngày 1-10-1936. Trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông lần lượt làm Bí thư Huyện ủy Điện Bàn, Đại Lộc, Thăng Bình, Tam Kỳ, rồi Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Nông hội Tỉnh, Trưởng ty Công an. Sau Hiệp định Genève năm 1954, ông được phân công ở lại và chỉ định làm Phó Bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng, Khu ủy viên Khu 5, Trưởng ban Kiểm tra Khu 5. Tháng 3-1965, ông được Khu ủy phân công phụ trách chiến dịch phát động quần chúng nổi dậy đánh địch mở rộng vùng giải phóng xuống nông thôn đồng bằng hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, kiêm Chính ủy Trung đoàn I. Sau khi các lực lượng vũ trang của ta tổ chức đánh diệt gọn đoàn xe gần 100 chiếc của địch, kiểm tra kết quả thắng lợi của trận đánh để báo cáo về Khu ủy, trên đường đi chẳng may ông vấp mìn, bị thương cụt một chân. Ông được Đảng cho ra Bắc điều trị, học tập văn hóa, chính trị rồi đưa về làm Thường trực Ban cán sự Đảng miền Nam, kiêm Trưởng ban xét duyệt Đảng tịch cho số cán bộ của ta bị bắt, tù đày, địch trao trả đưa ra miền Bắc. Ông qua đời ngày 25-5-1987, hưởng thọ 70 tuổi. Ông được Đảng, Nhà nước phong tặng: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng nhất; Huân chương Thành đồng hạng ba; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huân chương Giải phóng hạng nhất; hạng nhì và nhiều Huân, Huy chương khác. |
(Nhật ký để lại của ông Mười Khôi)
(*) Tít bài do Báo Đà Nẵng đặt