Kỳ 2: Đối phó âm mưu và thủ đoạn của địch
Sau khi Hiệp định Genève ký kết, địch nhanh chóng thôn tính miền Nam, chúng lập tức dùng các đảng phái phản động như Quốc dân Đảng, Đảng Cần Lao Nhân Vị và bọn phản động ác ôn ra mặt chống phá cách mạng, bắt bớ, tù đày, tra tấn, thủ tiêu những người kháng chiến cũ.
Chúng bí mật bắt các cán bộ, đảng viên, cơ sở của ta bỏ vào bao tời rồi cột đá dìm xuống sông, xuống đập. Điển hình là cùng một lúc chúng bắt trên 40 cán bộ cơ sở ta bỏ vào bao tời rồi dìm xuống đập Vĩnh Trinh ở Duy Xuyên.
Chúng tiến hành lập các đồn, bót, căn cứ, các ấp chiến lược, chúng gọi là “khu trù mật” ở các nơi từ tây Đại Lộc, tây Quế Sơn, tây Thăng Bình, tây Duy Xuyên và toàn huyện Tiên Phước. Chúng không cho quần chúng nhân dân các vùng đi giao lưu, qua lại với nhau, dân vùng này không qua lại vùng khác. Ai đi thì chúng cho là đi liên lạc nắm tình hình cho cộng sản, chúng bắt đánh đập, tù tội.
Thời kỳ này địch bắt nhiều cán bộ, đảng viên của ta đem chôn sống, sát hại, chôn 5-7 người một hố, nhiều nhất là ở các địa phương: Tiên Kỳ, Tiên Sơn, Tiên Phong thuộc huyện Tiên Phước.
Đảng Cần Lao Nhân Vị của Diệm rất nham hiểm, chúng cho bọn tay chân ngày đêm trà trộn vào trong quần chúng nhân dân để dò la tin tức cán bộ của ta.
Nhân dân ta đấu tranh đòi chúng phải thi hành Hiệp định Genève thì chúng đàn áp, bắn giết, điển hình là các vụ: chợ Được ở Bình Phục (Thăng Bình), Cây Cốc ở Tiên Phước, làng Chiên Đàn ở Tam Kỳ, Ái Nghĩa ở Đại Lộc, Hà Mật ở Điện Bàn, Túy Loan ở Hòa Vang, Hội An.
Riêng ở thôn Bình Ninh, ta lãnh đạo quần chúng nhân dân kéo ra Đà Nẵng đấu tranh đòi địch thi hành Hiệp định, hiệp thương tổng tuyển cử kêu gọi anh em binh lính bỏ súng quay về với gia đình. Để chuẩn bị cuộc đấu tranh, trước đó ta đã đưa một số cơ sở, cán bộ hợp pháp của ta ra Đà Nẵng để làm nòng cốt vận động lãnh đạo nhân dân biểu tình, ta cũng vận động nhân dân số xã ven Đà Nẵng ra hỗ trợ, vận động gia đình vợ con anh em binh lính khóc than, đòi chồng con em về với gia đình. Cuộc đấu tranh diễn ra ta thu được số kết quả, rải được nhiều truyền đơn, áp phích tuyên truyền đường lối, chủ trương của ta cho nhân dân thành phố và một số anh em binh lính địch và gia đình họ.
Qua đây, ta rút ra được một số bài học lãnh đạo, chỉ đạo phong trào đấu tranh của nhân dân thành phố sau này.
Địch còn dùng các tên tay chân phản động của chúng đội lốt các tôn giáo như: đạo Thiên Chúa, đạo Cao Đài, Phật giáo... để đi tuyên truyền lôi kéo quần chúng vào các tổ chức này để dễ bề quản lý, mê hoặc nói xấu cách mạng, chúng còn rêu rao “cộng sản là mọi rợ, bảy người đứng trên cọng lá đu đủ không dập, cộng sản không gia đình, không vợ chồng, không tôn giáo, không Tổ quốc...”.
Chúng nói: “Cộng sản theo Nga Xô, theo Tàu bán nước, chỉ có Chính thể Quốc gia mới là tốt đẹp, Tổng thống Ngô Đình Diệm mới yêu nước, dân tộc, đem lại tự do, cơm no áo ấm cho nhân dân”. Để đối phó âm mưu nham hiểm này của địch, ta ra chủ trương cho một số cấp ủy xã vận động nhân dân theo đạo Phật, mời những tu sĩ, trụ trì có cảm tình với cách mạng, là cơ sở của ta về làm trụ trì, qua đó nắm được quần chúng không để địch dụ dỗ, lôi kéo.
Điển hình là xã Điện Tiến, tổ chức Đảng ở đây đã mượn nhà thờ tộc Hồ làm chùa và xuống Hội An mời thầy Thích Đôn Hậu - trước đây là cán bộ của ta song do đau ốm xin về chữa bệnh rồi đi tu, ông là cơ sở rất tốt của ta - về làm trụ trì.
Trước đó, ở đây khi địch đến quản lý, thiết lập chính quyền xã, ta đã vận động một số vị hương hào, nhân sĩ trí thức tốt có cảm tình với cách mạng, giới thiệu số người của ta ra sinh sống hợp pháp làm ăn trước đó để ra ứng cử tham gia vào bộ máy chính quyền của địch, như đồng chí Hồ Hiển trước đây là đảng viên của ta ra ứng cử làm Chủ tịch hội đồng xã Thanh Sơn (Điện Tiến) của địch, đồng chí Nguyễn Văn Đai làm trưởng Công an xã, đồng chí Hồ Công Tưởng (Nhớ) làm trưởng dân vệ và một số cơ sở cốt cán khác của ta, nhờ vậy mà phong trào cách mạng nơi đây liên tục được giữ vững.
Những tháng cuối năm 1954, đầu năm 1955, địch tiến hành tiếp quản đến đâu chúng lập bộ máy cai trị đến đó, bắt dân chúng tập trung học tập tố giác cộng sản, chúng nói đây là “quốc sách”, chủ trương “di đục, khơi trong”.
Hình thức tổ chức học tập của chúng hết sức dã man, chúng bắt mỗi người ở mỗi nơi khai thác làm tường thuật “ly khai cộng sản, tố giác cộng sản”, người này tố người kia, con tố cha, vợ tố chồng, anh tố em. Qua đó chúng khoắc sâu mâu thuẫn, mọi người nghi kỵ nhau, chúng bắt từng người quỳ sám hối trước cờ 3 que, hai tay cầm 2 viên gạch dang ra, nhiều người không chịu nỗi ngất xỉu, chúng đem ra đánh đập, tra tấn.
Chúng bắt học nhiều ngày, nhiều tháng, làm cho cuộc sống nhân dân bị đảo lộn, đói khát, ruộng đồng bỏ hoang. Quần chúng đấu tranh thì chúng đàn áp, bắn giết, bắt bớ, tù đày. Chúng nói: Không khai thì bỏ tù, đánh cho khai, “Mỹ giàu, đói khát có Mỹ lo”.
Qua học tập, chúng thanh lọc, phân loại quần chúng ra 3 loại A, B, C đưa đi học tập ở các cấp xã, huyện, tỉnh. Trong những năm 1955-1958, đa phần quần chúng, cán bộ đảng viên trung kiên của ta đều bị chúng bắt, tù đày, tra tấn, giết hại hết sức dã man, phong trào cách mạng bị thoái trào, bị địch dìm trong biển máu. Đảng bộ Quảng Nam- Đà Nẵng từ chỗ có trên 50.000 đảng viên nhưng đến năm 1958 còn chưa đầy 100 đảng viên. Số còn sống sót lại phải tạm thời đi lánh nạn nơi khác, chạy ra Huế, vào Sài Gòn. Cách mạng địa phương lúc này bị thoái trào.
Trước tình hình này, Đảng bộ ra chủ trương huy động trên 3.000 cán bộ, đảng viên đưa lên núi để bảo tồn lực lượng, dựa vào dân tìm đường sản xuất sinh sống, hoạt động. Chủ trương này bước đầu gặp không ít khó khăn, đói cơm lạt muối. Về sau ổn định dần. Từ đây từng bước soi đường ra Bắc. Nhờ đó mà sau này có Nghị quyết 15 về cách mạng miền Nam, ta có lực lượng đưa về Nam chiến đấu, công tác.
Sau khi ký Hiệp định Genève, nhiều Đảng bộ trong tỉnh lớn mạnh, mỗi xã ít nhất có từ 200-300 đảng viên, xã nhiều có đến 500-700 đảng viên, nhiều huyện có trên 10.000 đảng viên, nhưng qua tố cộng, diệt cộng của Diệm, ta tổn thất rất lớn, nhiều xã, huyện còn chưa đầy 4-5 đảng viên như:
- Huyện Điện Bàn còn đồng chí Nguyễn Đức An, Đặng Nhơn, Võ Nghĩa, Võ Tuyển (Tạo), Nguyễn Thanh Chỉ, Lê Láo.
- Huyện Đại Lộc còn đồng chí Tân (Trịnh), Trương Anh Ta, Tư Đinh, Kỳ.
- Huyện Hòa Vang còn đồng chí Mai Đăng Chơn, Đào Ngọc Chua, Trần Văn Đán, Mười.
- Huyện Quế Sơn còn đồng chí Trần Huấn, Lê Quang Bửu (Hà Đông), Hoàng Bá Thư (Lê), Ngô Châu Hoàng. Về sau đồng chí Trần Huấn cũng bị địch bắt, chúng cắt cổ đồng chí. Và nhiều huyện khác cũng nằm trong tình trạng đó.
Mỹ-Diệm còn thành lập các đoàn công tác gọi là “Công dân vụ” do Phủ Tổng thống trực tiếp chỉ đạo, số này có đến hàng chục nghìn tên. Chúng xác định lấy Khu 5 làm trọng điểm, trong đó chúng tập trung hàng nghìn tên đưa về đánh phá hai tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng và Quảng Ngãi. Coi 2 tỉnh này có phong trào cộng sản mạnh, nhiều cán bộ, đảng viên ngoan cố, nên chúng tập trung lực lượng đánh phá quyết liệt. Chúng nói nếu diệt được phong trào cộng sản nơi đây coi như tiêu diệt được cộng sản Khu 5.
Chúng đưa những tên này về đến các huyện, các xã, số này về sống “3 cùng” trong từng nhà dân, ngày đêm đi lùng sục, vây ráp để tìm tin tức, phát hiện cán bộ ta. Chúng xua dân đi học tập triết lý “Duy Linh” của chủ nghĩa quốc gia. Chúng nói Ngô Đình Diệm mới là yêu nước, “vị cứu tinh dân tộc”, Quốc gia mới là chính nghĩa, còn chủ nghĩa cộng sản là bán nước, theo Nga Xô, Trung Quốc. Chúng còn bày trò đi phun thuốc diệt trừ sốt rét, nhưng kỳ thực là đi lùng sục từng nhà, vào từng bờ tre, bụi chuối để đi tìm hầm bí mật.
Chúng gom dân vào sống tập trung trong các “ấp chiến lược” do chúng bắt nhân dân ta xây dựng nên. Chúng rào theo kiểu 2 sông, 3 núi, rào kín bằng tre, dây thép gai 3 lớp, đào mương có nước chảy bao quanh, chỉ mở một số cổng có lính canh gác. Chúng quản lý nhân dân ngày đêm, ban ngày chúng thả cho ra để đi sản xuất, ban đêm chúng lại nhốt vào trong ấp. Dân ta có câu: “Ban ngày chúng thả cho ra. Ban tối chúng bắt vào ấp, ngã như là bò trâu”.
Địch còn lập ra các “Liên gia bão, ngũ gia bão”, bắt nhân dân tham gia vào Bảo an, dân vệ để đi tuần tra, canh gác. Chúng thành lập tổ chức “Thanh niên Cộng hòa”, “Thiếu niên Cộng hòa” bắt thanh-thiếu niên tham gia, chúng chỉ huy ngày đêm đi sinh hoạt lùng sục, canh gác. Số này có nhiều tên tích cực hoạt động chỉ điểm, ác ôn gây khó khăn cho ta không ít.
(Nhật ký để lại của ông Mười Khôi)