Kỳ 3: Những tấm gương kiên trung, bất khuất
Từ 1955-1958, địch tăng cường đánh phá tàn sát đồng bào, cán bộ, đảng viên ta. Chúng điên cuồng phá hoại Hiệp định Genève, không tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước, chúng hò hét “Bắc tiến lấp sông Bến Hải”.
Địch điên cuồng đánh phá thực hiện “chiến tranh một phía” để tiêu diệt cách mạng, còn ta thì nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định. Nhiều đồng chí của ta bị địch vây bắt có vũ khí mà không dám tự vệ vì sợ vi phạm Hiệp định đành để địch bắt tù đày, tra tấn, sát hại. Chúng lột da, mổ bụng, moi gan. Nhiều cơ sở, cán bộ, đảng viên quần chúng hoang mang lo sợ, nằm im, ta giao nhiệm vụ không dám nhận, phong trào cách mạng bị dìm trong biển máu.
Nhiều đồng chí của ta bị địch bắt đã anh dũng hy sinh để bảo tồn lực lượng cho cách mạng như: Đồng chí Nguyễn Tùng, Bí thư Huyện ủy Điện Bàn; đồng chí Trần Huấn, Bí thư Huyện ủy Quế Sơn bị địch bắt mổ bụng, moi gan; đồng chí Phạm Nghiêm bị địch bắt đưa về quận tra tấn hành hạ hết sức dã man, không cho ăn uống 2 - 3 ngày liền rồi đem anh ra đánh chết, cho phơi nắng, tỉnh dậy chúng lại đánh tiếp, không khai thác được gì ở anh, chúng đành đưa anh ra bắn. Nhân dân nhớ thương, khâm phục tấm gương hy sinh anh dũng của anh nên có câu ca: “Ai qua đồn địch Cồn Lai. Nhớ người anh dũng thù ai bạo tàn”.
Đồng chí Bồn đi công tác bị địch phục bắt tại Gò Phật, không để địch tra tấn, hành hạ, anh đã hô vang khẩu hiệu “Đả đảo bọn tay sai bán nước, Hồ Chủ tịch muôn năm”, rồi anh tự mổ bụng mình lôi ruột ra ném vào mặt bọn địch, anh dũng hy sinh. Tưởng nhớ anh, nhân dân có câu: “Ai qua Gò Phật Điện Bàn. Nhớ người dũng cảm căm thù sói lang”.
Anh Sửu quê Hòa Vang, phụ trách giao liên cùng anh Tùng, Bí thư Điện Bàn đi công tác, nhưng do tên Cần phản bội chỉ điểm, địch vây bắt hai anh tại nổng cát Lệ Sơn, hai anh đã anh dũng hy sinh không để rơi vào tay địch. Thương nhớ hai anh, dân ta có câu: “Hai anh Tùng Sửu vì nghĩa quên mình, quyết bắt tên Cần phản bội hành hình nó ra”. Đồng chí Nguyễn Mẫn (tức Nhược) khi bị địch bắt đã anh dũng hy sinh, lúc đưa tiễn anh tôi có làm bài thơ:
Viếng bạn Nguyễn Mẫn
Trong khi xã hội rất cần anh
Anh nỡ lòng đâu bỏ chúng tôi
Sóng gió thuyền chung sai nghiệp chống
Mây mờ dặm thẳm lỗi tay bơi
Khúc đàn tri kỷ thà đừng gẩy
Mới giải đồng tâm thác đá ghềnh
Tỏ dấu thân yêu tay nắm chặt
Chào anh lần chót nửa này thôi.
Mười Khôi
(Đưa tang đồng chí Nguyễn Mẫn (Tức Nhược) tôi đọc bài điếu này)
Trong gian khổ, hy sinh của không ít đồng bào, đồng chí của ta để bảo tồn cho cách mạng thì cũng có số ít cán bộ, đảng viên ta, không chịu đựng được thử thách, gian khổ hy sinh, lập trường chính trị tư tưởng không vững vàng, dao động, sa ngã, ham mê gái đẹp đã chạy đầu hàng địch, phản bội cách mạng, phản bội lại nhân dân như tên Trần Quốc Dân, tên Thống ở Khu II Hòa Vang bị gái gián điệp mê hoặc, dụ dỗ đã chạy đầu hàng địch; hay tên Đỗ Quế Hiệp không chịu nổi gian khổ, đói khát đã ra đầu hàng địch... Số này đã gây ra cho cách mạng biết bao nhiêu tổn thất, hy sinh.
Trái lại, trong tổn thất, hy sinh ấy, đã xuất hiện không ít những tấm gương kiên trung, bất khuất của bao gia đình, đồng bào, đồng chí cơ sở của ta. Họ một lòng một dạ chở che nuôi giấu cán bộ, cách mạng, tiêu biểu như mẹ: Phạm Thị Cọng, mẹ Cửu Hiền, anh Nguyễn Văn Sở, Nguyễn Văn Nhứt, cháu Nguyễn Thị Lự... Mẹ Cọng đêm đêm thắp đèn dầu làm ám hiệu để cán bộ ta đi về hoạt động.
Đồng chí Nguyễn Văn Nhứt đi tập kết, song tôi (Mười Khôi) bảo ở lại không đi để về nhà tìm cách đào hầm bí mật xây dựng căn cứ mật để cơ quan Tỉnh ủy về đóng trụ sở chỉ đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh trong giai đoạn cuối 1955 và năm 1956. Đồng chí Nguyễn Văn Nhứt khi bị địch bắt đánh đập hết sức dã man, chúng đóng đinh vào 10 đầu ngón tay, dùng que sắt đút vào đầu dương vật... song đồng chí quyết không khai.
Đồng chí nói: “Thà chết chứ nhất quyết không khai, khai ra thì còn gì mấy ổng. Các ổng ở dưới hầm bí mật chết hết, thế Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng hết rồi. Dễ chi cách mạng đào tạo ra số cán bộ này, tôi nhất quyết thà chết không khai”.
Hay cháu Nguyễn Thị Lự mới 15-16 tuổi địch bắt đánh, bắt uống nước xà phòng rồi trói chặt chân tay cho lính đạp lên bụng để nước trào ra miệng, ra mũi, hậu môn, song cháu vẫn ngoan cường chịu đựng, không khai báo nửa lời.
Hay một em giao liên trên đường đi công tác, chẳng may bị địch bắt, em đã nhanh trí nhai nuốt luôn tài liệu, địch đánh em đến chết vẫn không khai, bảo vệ đường dây liên lạc. Hoặc có trường hợp một chị nông dân đi làm ruộng bị địch bắn chết, người chồng, các con thương khóc thảm thiết, chuẩn bị tang lễ đưa chị đi chôn. Song, có một em gái là cơ sở của ta đến thăm khóc thương xót chị, em đã vận động người chồng và các con xin để quần chúng khiêng xác chị lên đồn đấu tranh đòi địch bồi thường, yêu cầu địch ở trên đồn không đi lùng sục, bắn giết bừa bãi nhân dân.
Em nói: “Chị chết, anh, gia đình, em và bà con ai cũng thương xót, ai cũng căm thù lũ giặc trên đồn, đừng để bà con ta chết oan ức thế này nữa, xin anh, xin gia đình để cho bà con khiêng xác chị lên đồn đấu tranh, anh để cho chị tôi làm nghĩa vụ với dân, với Đảng lần nữa trước khi gia đình mai táng chị! Cuộc khiêng xác lên đồn địch đấu tranh thắng lợi.
Để phá thế kèm kẹp, o ép, hà khắc, ly gián giữa quần chúng nhân dân với cán bộ ta của địch, lúc này ta chủ trương tìm mọi cách bắt mối cho được số cơ sở, quần chúng tốt trong các ấp chiến lược. Vận động nhân dân đấu tranh đòi về làng cũ để dễ dàng sinh sống, sản xuất, lo hương khói thờ cúng tổ tiên ông bà.
Ta phát động quần chúng nhân dân đấu tranh đòi địch thực hiện yêu sách này gặp rất nhiều khó khăn vì bọn ác ôn, tề ngụy của địch ở các xã thôn còn rất mạnh, nó hống hách o ép, đàn áp, kèm kẹp nhân dân rất chặt chẽ. Số cán bộ, cơ sở của ta trước đây, có nơi ta lồng được vào trong chính quyền của địch ở xã thôn, thì nay chúng điều tra, thanh lọc loại ra, nhiều đồng chí bị địch bắt tù đày, số khác thấy không thể sinh sống, hoạt động hợp pháp được nữa thì chạy lánh nạn đi nơi khác hoặc thoát ly trốn lên núi.
Ta lúc này chưa xây dựng được lực lượng vũ trang mạnh, trên chưa cho diệt ác, phá kèm để hỗ trợ nhân dân đấu tranh, vì làm như vậy là ta sợ vi phạm Hiệp định Genève. Trước tình hình này, Tỉnh ủy tiếp tục đề nghị Khu ủy cho diệt số ác ôn ở cấp xã, thôn, song không được Khu ủy chấp nhận.
Nhưng sau Khu ủy đồng ý cho diệt ác ôn, phá kèm nhưng chỉ cho diệt cấp ở quận, quận trưởng, quận phó trở lên, tôi thấy cho như vậy cũng bằng không cho vì số này được bọn ác ôn bên dưới bảo vệ chặt chẽ, hơn nữa không diệt ác, phá kèm bên dưới, kèm kẹp của địch đối với quần chúng nhân dân vẫn còn đó. Nhưng về tỉnh vẫn chấp hành thực hiện lập ra đội diệt ác do đồng chí Đào Ngọc Chua làm đội trưởng. Sau mấy tháng hoạt động không diệt được tên nào đành phải giải tán.
(Nhật ký để lại của ông Mười Khôi)