.

Tái diễn "xe dù", "bến cóc"

.

Theo sự hướng dẫn của những người chạy xe ôm ở Khu công nghiệp Thủy sản Thọ Quang, đúng 14 giờ 30 ngày 24-2, tôi có mặt ở bến “xe dù” ngã tư đường Vân Đồn-Bình Than. Lúc này đã có gần chục ngư dân đang đứng trò chuyện khá vui vẻ chờ xe đến.

Một “xe dù” đang đón khách đi Bình Định tại ngã tư Vân Đồn-Bình Than (ảnh chụp lúc 14 giờ 35 ngày 24-2).
Một “xe dù” đang đón khách đi Bình Định tại ngã tư Vân Đồn-Bình Than (ảnh chụp lúc 14 giờ 35 ngày 24-2).

Khi nghe chúng tôi hỏi xe để gửi người thân về Quảng Ngãi, lập tức được những ngư dân cho biết: Bây giờ chỉ có xe đi Bình Định thôi, còn anh muốn đi Quảng Ngãi thì tầm 3 giờ 30 đến  4 giờ chiều mới có xe chạy. Đón xe tại đây là tiện nhất đó anh, chỉ cần ngồi chờ một chút là có xe đến đón, giá lại rẻ, không cần lên bến xe...

Thấy tôi có vẻ chú ý lắng nghe, một phụ nữ ngồi trên chiếc xe máy gần đó liền đến và “tiếp thị” thêm”: “Anh cần đi Quảng Ngãi, Bình Định, hay Phú Yên, Nha Trang đều có xe hết. Anh chỉ việc alô cho em một tiếng là em báo ngày giờ cụ thể cho anh biết, ra đây là đi ngay. Đảm bảo giá rẻ hơn trên bến, nhưng lại được đưa đón tận nơi”.

Câu chuyện của chúng tôi bỗng bị cắt ngang khi chiếc xe mang BKS 43B.01... từ đường Bình Than chạy đến, ngay lập tức mọi người đi vội về hướng chiếc xe. Chiếc xe chưa dừng hẳn, phụ xe đã nhảy ra mở cánh cửa, giục “Nhanh, nhanh anh em ơi!”. Và chưa đầy 2 phút, cả chục ngư dân đã lên hết xe và lập tức chiếc xe tăng tốc chạy vào đường Vân Đồn rồi thẳng hướng cầu Sông Hàn, trong tích tắc mất hút khỏi tầm nhìn của chúng tôi.

Theo lời những ngư dân, một giờ đồng hồ sau tôi quay lại “bến cóc” ngay ngã tư đường Vân Đồn-Bình Than, lúc này đã có vài ngư dân ngồi co ro bên vỉa hè chờ xe. Anh Lê Văn Bình, một ngư dân ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi thật thà cho biết: “Trước đây, mỗi khi muốn về nhà, tụi tôi hay đón xe ôm qua chợ Hàn, sau đó đi xe buýt lên Bến xe Trung tâm, nhưng sau này mới biết tại đây vẫn có xe đưa đón ngay tại cổng bến cá nên đi cho tiện”.

Theo kinh nghiệm của anh Bình, ngày nào cũng có xe nhưng ít hoặc nhiều thôi. Thường mỗi đợt tàu cập cảng cá Thọ Quang hoặc vào những ngày biển động không đi biển được thì muốn đi giờ nào cũng có. Ngồi trên tàu, khi buồn anh em thường tổ chức nhậu hoặc đánh bài rất tốn tiền, thôi thì mình đón xe về thăm nhà lại tiết kiệm được tiền vừa giữ gìn sức khỏe.

Cũng theo anh Bình, những ngày biển động anh em ngư dân về nhà nhiều thì đón xe tại ngã tư này, còn nếu ngày thường thì đến trước các nhà máy chế biến thủy sản tại Khu công nghiệp Thủy sản Thọ Quang là có xe đi.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, những ngày qua, xung quanh Khu công nghiệp Thủy sản Thọ Quang xuất hiện trở lại tình trạng “xe dù, bến cóc”. Ngoài “bến cóc” hoạt động sôi động nhất tại ngã tư Vân Đồn-Bình Than, ở các con đường vắng nằm cạnh các nhà máy chế biến thủy sản cũng là nơi những tài xế “xe dù” làm điểm hẹn đón khách.

Tuy nhiên, để qua mặt các cơ quan chức năng, các tài xế không đỗ xe chờ khách ngay tại khu vực này mà thường là đỗ rất xa, chủ yếu là ở dọc theo tuyến đường Trần Hưng Đạo, thậm chí ở tận đường Võ Nguyên Giáp... để chờ khách. Khi có đủ khách sẽ có “người nhà” gọi điện thoại báo là xe lập tức đến. Việc đón cũng như trả khách thường diễn ra rất nhanh chóng nhằm qua mặt các cơ quan chức năng.

Trước tình trạng “xe dù”, “bến cóc” tái diễn, các cơ quan chức năng cần có giải pháp triệt để hơn để giải quyết, không để xảy ra cảnh “bắt cóc bỏ dĩa”.

Bài và ảnh: BÙI THANH

;
.
.
.
.
.