Người bị khuyết tật, người phải gồng gánh một mình nuôi hai con khi chồng lâm bạo bệnh rồi qua đời. Đối với họ, thoát nghèo là giấc mơ xa vời. Song, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và xóm giềng, giờ đây họ đã tự tin ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Các hộ nghèo đã được hỗ trợ sửa chữa nhà để có nơi an cư, từ đó vươn lên thoát nghèo. |
Nỗ lực tự thân
Nhiều người dân ở tổ 3A, phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) thường đến quán bánh bèo của chị Nguyễn Thị Thu Hương (46 tuổi) để dùng bữa sáng. Người đến trước giới thiệu cho người đến sau. Bởi thế, quán của chị luôn đông khách. Có người đến để thưởng thức món ăn ngon, cũng có người đến vì khâm phục nghị lực của cô chủ quán.
Từ nhỏ, Hương mang trong mình sự mặc cảm vì bị khuyết tật ở chân nên hạnh phúc đối với cô gái nhỏ cũng mong manh, khó kiếm tìm. Rồi đứa con trai của chị ra đời trong niềm vui và nỗi xót xa khi không biết mặt bố. Tự mình lo cho mình đã khó, giờ chị phải lo thêm cho đứa con mới chào đời.
“Có con là thêm nỗi lo nhưng chính con là động lực giúp mình sống vui, sống tiếp trên cõi đời này. Nhiều lúc muốn buông tay nhưng nghe tiếng khóc, tiếng cười của con thì lòng tự nhủ phải sống tiếp”, chị thổ lộ.
Dù cố tích cóp nhưng tiền làm thuê cho vựa chai bao của chị Hương khoảng hơn 1 triệu đồng mỗi tháng, chỉ vừa đủ chi tiêu tằn tiện sinh hoạt cho hai mẹ con, nói chi đến chuyện làm nhà. Vậy nên, nhiều năm hai mẹ con vẫn ở trong ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp. May mắn đến với mẹ con chị khi có số tiền hỗ trợ 65 triệu đồng do Ban chỉ đạo giảm nghèo phối hợp với Hội Phụ nữ phường và khu dân cư vận động.
Thế là ngôi nhà mơ ước của chị đã thành hiện thực. Có nhà, chị lại được các chị em phụ nữ tặng tủ bán bánh, dù che mưa, bàn ghế để tiếp tục bán bánh căn, bánh bèo vào buổi sáng ngay tại ngôi nhà của mình. Buổi chiều, chị đến làm thêm ở cơ sở sản xuất giấy do khu dân cư giới thiệu. Hơn 3 triệu đồng mỗi tháng kiếm được giúp mẹ con chị ổn định cuộc sống.
Với chị Đặng Thị Mai (53 tuổi, ở phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu), ngày người chồng mất vì bệnh hiểm nghèo, chị tưởng như không thể gượng dậy được. Nỗi đau chưa nguôi thì nỗi lo dồn dập khi một mình chị phải lo cho cả 3 con nhỏ còn đang đi học.
Sau đó, được địa phương hỗ trợ phương tiện sinh kế, chị buôn bán thêm ngoài thu nhập từ công việc bảo mẫu của Trường mẫu giáo Hoa Hồng. Căn nhà của chị cũng được địa phương hỗ trợ 35 triệu đồng để xây dựng lại khang trang hơn. “Ngày trước, hễ cứ mưa bão là mấy mẹ con phải huy động xô chậu để hứng nước. Mùa nắng thì ở trong nhà nóng như thiêu như đốt. Bây giờ đỡ lo rồi”, chị Mai nhớ lại.
Chị Hương, chị Mai cũng như nhiều gia đình khác tự tin ra khỏi danh sách hộ nghèo mỗi năm là thành quả mà Đà Nẵng đạt được trong công tác giảm nghèo.
Nhiều chính sách vượt trội
Với việc ban hành nhiều chính sách riêng, Đà Nẵng đã hỗ trợ các hộ nghèo vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và thoát nghèo. Chẳng hạn, thành phố nâng mức chuẩn trợ cấp thực hiện chính sách bảo trợ xã hội cho các trẻ em mồ côi, người cao tuổi, người khuyết tật cao hơn so với Trung ương từ 15-20% (Trung ương quy định 180.000 đồng, thành phố 210.000 đồng).
Đồng thời, nâng mức hỗ trợ nhà cho hộ nghèo: xây mới 30 triệu đồng, sửa chữa 15 triệu đồng (Trung ương hỗ trợ tối đa 8 triệu đồng/nhà); hỗ trợ 100% lãi suất cho hộ nghèo vay vốn, với mức vay 30 triệu đồng/hộ, khi hoàn trả vốn đúng hạn và thoát nghèo được hỗ trợ tiếp 4 triệu đồng.
Thành phố cũng quyết định hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) đối với hộ nghèo đã thoát nghèo trong 2 năm và hỗ trợ 70% mức đóng BHYT cho hộ cận nghèo khu vực nông thôn (Trung ương quy định chỉ hỗ trợ BHYT cho hộ nghèo)…
Bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết, ngoài các chính sách do Trung ương quy định, thành phố còn chủ động áp dụng một số chính sách đặc thù như: nâng mức trợ cấp cho tất cả các đối tượng bảo trợ xã hội (cả đối tượng không nằm trong hộ nghèo); trợ cấp hằng tháng cho đối tượng ốm đau thường xuyên thuộc hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trợ cấp hằng tháng cho người mắc bệnh hiểm nghèo.
Hiện nay, thành phố có gần 15.000 lượt người được trợ cấp, với kinh phí trên 42 triệu đồng. “Việc thực hiện các chính sách trợ giúp hộ nghèo bước đầu đã được chuyển đổi từ hình thức cho không, cào bằng sang hình thức hỗ trợ có điều kiện, hỗ trợ gắn với sự nỗ lực vươn lên của từng hộ như: cho vay không lãi suất; hỗ trợ tư liệu, phương tiện sản xuất; hỗ trợ giống cây trồng, con vật nuôi… Nhờ đó, các hộ nghèo chủ động hơn để vươn lên thoát nghèo chứ không trông chờ ỷ lại như trước”, bà Hưng nói.
Cũng theo bà Hưng, hoạt động dạy nghề và giải quyết việc làm cũng được triển khai theo cách mới, đó là dạy nghề gắn với tạo việc làm tại chỗ, dạy nghề theo phương thức cầm tay chỉ việc, dạy nghề kết hợp với việc hỗ trợ phương tiện làm ăn.
Nhờ đó, chỉ trong 3 năm, thành phố đã đào tạo nghề miễn phí cho gần 6.000 lao động và hơn 9.700 lao động nghèo được giải quyết việc làm. Bà Hưng cho biết, giai đoạn 2016-2020, thành phố đã quyết định dành nguồn kinh phí khoảng 430 tỷ đồng giúp hơn 23.000 hộ nghèo thoát nghèo theo chuẩn mới.
Bài và ảnh: KIM NGÂN