Đó là những bức xúc của cư dân sinh sống tại KDC Phước Lý thuộc hai phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) và Hòa Minh (quận Liên Chiểu) khi hai mỏ đá Hòa Phát và Phước Lý hoạt động gây ô nhiễm bụi, tiếng ồn trong suốt thời gian qua, mặc dù thành phố đã có văn bản yêu cầu dừng hoạt động.
Xe ben chở đá từ mỏ đá Hòa Phát gây ô nhiễm môi trường tại KDC Phước Lý. |
Lo “án tử” treo trên đầu
Tối 19-3, hơn 100 người dân sinh sống tại KDC Phước Lý (sát hai mỏ đá nói trên) tiếp tục tổ chức họp để nêu lên bức xúc của mình. Chị Trần Thị Ngọc Anh (tổ 16, phường Hòa An) gay gắt: “Sau bao nhiêu vất vả, chúng tôi mới kiếm được tiền mua đất, làm căn nhà để sống, vậy mà giờ đây phải sống trong một môi trường ô nhiễm. Tội nhất là mấy đứa nhỏ hằng ngày phải vui đùa hít thở bụi và nguy cơ tai nạn giao thông vì những chiếc xe tải ben”.
Người dân ở đây còn lo lắng hơn khi biết ông T.Đ.H. (phường Hòa An) từng là cựu công nhân mỏ đá, nay đang nhiễm bệnh phổi nặng. Ông cho biết, làm công nhân khai thác đá từ năm 1978 đến năm 1993 thì nghỉ, do bị phổi vì hằng ngày phải hít bụi đá độc hại.
Nói về thực tại, ông bức xúc: “Buổi sáng nhìn trời ở đây rất mù. Mù không phải vì sương mà mù vì khói bụi. Nó lan tỏa khắp khu vực, từ đó mới biết nó ô nhiễm đến mức nào. Con người lần lần sẽ bị bệnh, nhất là bệnh phổi, cá nhân tôi đã bị rồi. Tôi nghe thành phố cho dừng hai mỏ đá này, nhưng tại sao hôm nay vẫn còn tiếp tục hoạt động. Tôi đề nghị những người có thẩm quyền ở thành phố làm sao phải ngưng cho được, đình chỉ hoạt động hai mỏ đá này. Ở đây là khu dân cư của một đô thị, phải để dân sống một không khí trong lành, sống cuộc sống của một thành phố đáng sống”.
Không thể chịu nổi nữa
Anh Nguyễn Trần An Khương (tổ B2-D9-47, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) cho biết, mình sống tại thành phố Hồ Chí Minh và đã tìm hiểu rất kỹ về Đà Nẵng - một thành phố đáng sống. Do đó, anh quyết định về Đà Nẵng và mua đất ở KDC Phước Lý.
Lúc đầu anh cũng băn khoăn về môi trường ở đây, nhưng khi nghe chủ đầu tư có những cam kết về việc mỏ đá không hoạt động, anh cũng yên tâm phần nào. Tuy nhiên, vài tháng ở đây anh mới thấy chịu hết nổi vì nhà cửa nhiều bụi; mỏ đá thì nổ mìn liên tục, kính bị vỡ. Khu dân cư có nhiều trẻ em, nhưng mật độ xe tải chạy rất nhiều, nên khá nguy hiểm.
Theo tâm sự của chị Cẩm Nhung (mua đất tại lô 24, KDC Phước Lý, phường Hòa Minh), thì hai vợ chồng gom góp gần 500 triệu đồng để mua mảnh đất ở KDC Phước Lý, nhưng chưa có điều kiện xây nhà, phải đi ở trọ tại quận Thanh Khê. 3 tháng trở lại đây khi có ý định xây nhà nên vợ chồng chị lên xem xét tình hình thì thấy các mỏ đá hoạt động liên tục, gây ô nhiễm, xe chạy nhiều. Bây giờ không biết phải làm sao, bán đất thì chắc không ai mua, mà xây nhà thì sau này con cái phải sống trong ô nhiễm thế này sao?
Cuộc họp của cư dân nơi đây kết thúc lúc 21 giờ, trong khi máy nghiền của mỏ đá vẫn đang hoạt động. “Trong 20 ngày tới, nếu hai mỏ đá nói trên không có động thái ngưng hoạt động, chúng tôi sẽ có các biện pháp mạnh hơn là sẽ chặn xe. Cao hơn nữa, chúng tôi sẽ gặp trực tiếp lãnh đạo thành phố Đà Nẵng để yêu cầu giải quyết những bức xúc của người dân nơi đây”, một người dân trong nhóm chủ trì buổi họp cho biết như vậy.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ